Tiếng gọi tên, tra mã đơn, âm thanh xé gói hàng sột soạt, xen lẫn tiếng nói cười… tất cả tạo nên một “phiên chợ” mua sắm hàng hóa đầy sôi nổi. Đó là không khí giao nhận hàng quanh Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú vào giờ tan ca. Với quy mô KCN hàng chục ngàn công nhân, việc giao nhận hàng ngàn đơn hàng hóa mỗi ngày khiến nơi đây trở thành điểm đến giao nhận hàng vô cùng nhộn nhịp.
![]() |
Anh Võ Thành Phương bận rộn gọi điện thoại xác nhận thời gian nhận hàng cùng khách. |
Tan ca, giao- nhận hàng nhộn nhịp
Từ sáng sớm, các shipper bắt đầu hành trình quen thuộc: đến kho nhận hàng, chở về khu vực quanh KCN Hòa Phú và tập kết tại những điểm giao quen- thường là mặt bằng nhỏ có mái che, thuê lại từ quán cà phê hay hàng quán ven đường. Tại đây, họ tranh thủ liên hệ khách, phân loại đơn theo khung giờ, sắp xếp gọn gàng chờ công nhân tan ca ghé nhận.
Tầm 14 giờ, các điểm tập kết trở nên chộn rộn. Hàng ngàn đơn hàng được đóng gói được các shipper nhanh tay phân chia, sắp xếp vào các khu vực nhận biết khác nhau để thuận tiện giao nhanh khi có khách ghé nhận hàng.
![]() |
Chị Trần Diễm My hướng dẫn đồng nghiệp giải quyết đơn hàng trên ứng dụng của công ty. |
Đang giao hàng cho vài công nhân quen mặt, shipper Thái Ngọc Vũ (xã Phú Quới) không cần hỏi tên hay số điện thoại, vẫn lấy đúng đơn trong tích tắc. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Vũ cười: “Khách quen, giao ở đây hơn 4 năm rồi, có chừng 200 người nhớ mặt. Có khách gặp hết 7 ngày/tuần, không bắt máy nhưng cứ tới giờ là ra nhận”.
Tính từ sáng, Vũ đã giao hơn 50 đơn, còn khoảng 150 đơn chờ đến cuối ngày. Theo anh Vũ, quanh KCN mỗi ngày có chừng 20 shipper, tổng cộng xử lý khoảng 1.000 đơn hàng. “So với 4 năm trước là tăng gấp 2,5 lần rồi đó. Mấy ngày công nhân lãnh lương hay sàn sale mạnh thì đơn tăng gấp đôi là chuyện thường”- anh nói.
Nhanh tay chia lại chồng hàng trước giờ cao điểm, shipper Huỳnh Thị Cẩm Tiên (xã Phú Quới) cho biết: “Tui bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, nhận hàng, gọi khách, chia đơn theo giờ nhận. Trưa có giao một ít ở cổng công ty, còn lại để chiều công nhân ra ca ghé lấy”.
Công việc thường kéo dài tới 20 giờ 30 phút, có khi hơn, tùy theo giờ công nhân tăng ca. Ngày nào ít cũng khoảng 100 đơn, còn ngày lương hoặc chương trình khuyến mãi thì đơn tăng vùn vụt. Cẩm Tiên cho hay, công nhân ở khu này phần lớn là nữ nên mặt hàng rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm tới đồ ăn vặt như bánh tráng trộn, khô gà, trái cây sấy…
Trải bạt nhựa, xếp từng túi hàng theo ghi chú “ca 4 giờ 30 phút”, “ca 5 giờ”, “ca 6 giờ”… chị Trần Diễm My (xã Song Phú), shipper giao hàng nhanh, vẫn không rời mắt khỏi con đường nơi công nhân sắp đổ ra: “Công nhân đâu được đứng lâu ở cổng công ty, tụi tui phải tránh cổng, chọn chỗ dễ tấp xe. Họ vừa tan ca là ào ra, người mua cơm, người nhận hàng, có người khui thử liền cái áo, đôi giày. Không vừa thì mình hỗ trợ liên hệ shop đổi lại”.
Khoảng 16 giờ 40, dòng công nhân từ các cổng nhà máy bắt đầu đổ ra khắp ngả. Không khí tại các điểm giao sôi động hẳn. Có người chỉ vừa dừng xe là được shipper mang hàng ra tận nơi. Có người chỉ cần đọc đúng tên, đúng số điện thoại là hàng được trao tay, gọn gàng, chính xác. “Mỗi ngày tui giao khoảng 150 đơn, lễ Tết thì hơn 200 đơn. Hàng nhiều thì thao tác nhiều, phụ nữ làm giao hàng vừa tranh thủ công việc, vừa ráng sắp xếp thời gian cho con cái”- chị Diễm My chia sẻ.
Chồng chị cũng làm cùng nghề. Anh nhận giao tuyến bên ngoài, còn chị chọn ở lại một điểm gần KCN như một “trạm trung chuyển” nhỏ. Sáng sớm cùng nhau đi lấy hàng, trưa mỗi người một hướng, tối lại gặp nhau trong câu chuyện vụn vặt về người khách hay “bom hàng” (đặt hàng nhưng không nhận- PV), đơn trễ giờ… nhưng vẫn vui vì có thể vừa kiếm sống vừa ở gần con gái nhỏ.
Tâm tình nghề shipper
![]() |
Shipper tranh thủ nghỉ ngơi trước giờ công nhân tan ca. |
Gắn bó với nghề hơn 6 năm, anh Võ Thành Phương được xem là người “lâu năm nhất” trong nhóm shipper quanh KCN. Anh cho biết, vài năm trở lại đây, công việc có nhiều đổi thay: lượng đơn tăng mạnh, khách ngày càng quen mua sắm qua app điện thoại, còn shipper thì cũng thay đổi cách làm để thích nghi. “Mấy năm trước tui ngồi “ké” cổng KCN, mưa thì che áo mưa, nắng thì núp dưới bóng cây. Giờ thuê được cái khoảng sân quán cà phê gần đây, phí 200.000 đ/tháng, đỡ lo mưa nắng thất thường”- anh tươi cười cho biết.
Không cần “vượt nắng thắng mưa, chinh phục những quãng đường, đỏ mắt tìm nhà của khách…” như những shipper giao hàng tận nơi nhưng nhóm shipper giao hàng quanh KCN cho biết, có những vui buồn và áp lực riêng.
Nhanh tay ghi chú giờ giao trên đơn hàng, anh Phương chia sẻ: “Mỗi đơn vị giao hàng đều có chỉ tiêu riêng. Như tôi, mỗi ngày phải đạt tỷ lệ giao thành công trên 95%. Hàng mà để qua ngày, khách không nhận hay đơn bị lỗi là tính “rớt”, ảnh hưởng trực tiếp tiền thưởng”.
![]() |
Khu vực giao- nhận hàng gần KCN Hòa Phú trở nên rộn ràng hơn khi đến giờ công nhân tan ca. |
Nhưng cái khó của nghề không chỉ là chạy kịp số lượng. Nhiều lúc, shipper còn kiêm luôn vai trò người bán hàng. Khách nhận hàng không vừa ý, thắc mắc hàng không giống hình… thì chính người giao hàng phải biết cách giải thích, thuyết phục, thậm chí hỗ trợ kiểm tra lại nguồn gốc hàng hóa.
“Làm hoài rồi quen mặt, quen tay. Nhiều món cầm lên là biết hàng thiệt hay hàng nhái. Không dám khẳng định, nhưng biết cách hướng dẫn khách kiểm tra, rồi gọi lại shop xử lý nếu cần. Khách ở đây cũng quen mặt tôi hết, thấy cái thùng hàng ghi chữ là biết đơn nào, giờ nào. Có người dặn giữ giùm vài hôm, có người “bom” mấy lần tôi cũng nhớ tên. Nhưng làm nghề dịch vụ thì phải mềm mỏng, lịch sự. Điều 1 là khách đúng, điều 2 là… coi lại điều 1!”- anh Phương cười nói.
Không chỉ linh hoạt khi giao tiếp với khách, shipper ngày nay còn phải thành thạo công nghệ. Từ liên hệ, tra mã đơn đến cập nhật trạng thái giao hàng, tất cả đều thực hiện qua điện thoại. Mỗi người ít nhất dùng một app quản lý đơn, một tài khoản theo dõi chỉ tiêu, vài nhóm chat để phối hợp công việc. “Không rành công nghệ là theo không nổi. Mỗi ngày đều có cập nhật mới, thao tác mới. Điện thoại vừa là công cụ, vừa là bản đồ, sổ tay... thứ đầu tiên cần sạc đầy trước khi ra đường!”- anh Tùng, một shipper lâu năm chia sẻ.
Không cần thiết bị cao siêu, “vốn liếng” nghề chủ yếu là trí nhớ, khả năng sắp xếp và thái độ thân thiện. Họ tự chia vị trí, hỗ trợ nhau khi kẹt đơn, san sẻ cả những áp lực đời thường. “Làm nghề này không chỉ chạy cho lẹ, mà phải làm cho khéo. Biết giờ nào công nhân ra đông, khách nào hay quên điện thoại, hàng nào cần sắp trước… chứ không là rối liền”- anh Phương cười, tay vẫn thoăn thoắt xếp đơn theo khung giờ.
Một số shipper cho biết, mức thu nhập từ việc giao hàng khá linh động, bình quân trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, còn trừ chi phí như: tiền điện thoại (shipper tự chi), bù “cod” cuối ngày (do kiểm lại thiếu tiền hàng), ký nhầm đơn (lỡ ký mà khách không nhận đơn), chi phí ăn uống… khoảng 5 triệu đồng/tháng. |
Công việc dù có những vất vả riêng, khá chủ động thời gian và đặc biệt… rất vui, nhất là mỗi ngày đều gặp rất nhiều công nhân, những khách hàng thân thiết. Vui nhất là những lúc giúp khách phát hiện hàng giả, hàng không chất lượng… để hoàn đơn hay những kỷ niệm vui như khách trả tiền nhầm giữa các shipper. Từ trách nhiệm và tình cảm để gắn bó với công việc, những “điểm hẹn” giao hàng này đã góp phần giữ cho dòng chảy tiêu dùng vận hành đều đặn mỗi giờ tan ca.
Bài, ảnh: NAM ANH- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin