Những ngày tháng 4 tự hào và bừng sáng trong lòng mỗi người con đất Việt. Những ngày tháng 4 lịch sử với niềm tự hào dân tộc, khi núi sông liền một dải, đất nước thống nhất, chung tay xây dựng hòa bình.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), trong niềm tự hào với truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh, chúng ta cùng hòa vào bản hòa ca lịch sử “đất nước trọn niềm vui” này.
![]() |
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp: Hòa bình với mẹ là quan trọng nhất! Mừng không gì so sánh được! |
Những ngày tháng 4/2025, chúng tôi về xã Mỹ Thuận (huyện Bình Tân), ngồi nghe mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp (Tư Phương) kể chuyện, ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của mẹ, cùng “sống trong những ngày đấu tranh gian khó vì một mục tiêu duy nhất: giành lại hòa bình độc lập dân tộc”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp sinh năm 1942. Mẹ lập gia đình với ông Lê Hoàng Phương, là người cùng quê và sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Mẹ là con thứ tư của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai (sinh năm 1915, ở xã Mỹ Thuận). Trong kháng chiến, mẹ Nguyễn Ngọc Điệp có công giúp đỡ cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Chồng và một người con của mẹ đã hy vinh vì Tổ quốc.
Chồng của mẹ, liệt sĩ Lê Hoàng Phương (sinh năm 1938), tham gia cách mạng năm 1958, là Trưởng ban An ninh xã Mỹ Thuận. Ngày 21/5/1969, địch đổ quân càn quét tại Bờ Trâm Bầu, Rạch Niềng, xã Mỹ Thuận, ông đã tham gia chiến đấu và hy sinh. Hài cốt của ông hiện được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TX Bình Minh. Con của mẹ, liệt sĩ Lê Văn Tuấn (sinh năm 1961), tham gia cách mạng năm 1972, là chiến sĩ Trung đoàn Cửu Long 2.
Ngày 27/11/1978, anh hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Hài cốt của anh hiện được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TX Bình Minh.
Để ghi nhớ công ơn của mẹ Nguyễn Ngọc Điệp, Nhà nước tặng thưởng mẹ Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì; ngày 20/6/2014, Chủ tịch nước tặng mẹ danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Mẹ gần như dành trọn cuộc đời mình cho lý tưởng sự nghiệp cách mạng, cho một thời đấu tranh gian khó, oanh liệt. Dưới bóng cây râm mát trước nhà, trong những ngày tháng 4 hào hùng lịch sử, chúng tôi ngồi nghe mẹ kể lại chuyện kháng chiến ngày xưa. Câu chuyện hoạt động cách mạng, đi làm giao liên của mẹ Điệp thì ròng rã và “bầm dập” theo năm tháng chiến tranh, từ khoảng năm 1960 đến ngày hòa bình độc lập.
Chồng hy sinh trong một trận đổ quân càn, mẹ Điệp con bế con bồng vẫn một lòng theo lý tưởng đã chọn. Có lúc trốn lính, con thơ trong vòng tay, mẹ Điệp bảo các con “lúc nào nghe tiếng lính, má ngắt (ngắt nhéo) mấy con khóc lên nghe, mấy con khóc lên giữ má ở lại, không cho tụi lính bắt bớ má đi”. Đó là một trong nhiều cách mẹ Điệp “ngụy trang” an toàn để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Có đợt tháng khô gần Tết, mẹ Điệp nói với má của mình sẽ đi chà gạo đem vô căn cứ cho cán bộ, mà phải canh chừng tụi lính, phải đẩy ghe khi nước cạn. Khi mẹ mang thai một trong các người con, thì chồng mất. Sinh con ra, mẹ giao cho ngoại giữ.
Xong mẹ Điệp xin phép: “Má ơi con đi mần ruộng”. Đó là đợt mẹ Điệp đi về khu Thầy Phó làm công tác đem “thơ” (thư) xuống Trung đoàn 3. Tối đó mẹ phải ngủ một đêm ở vùng căn cứ, khuya thức dậy lọ mọ về, đến nhà thì má của mẹ “chưng hửng, rồi la quá trời”. Má lúc đó “mới biết nó đi đâu, và cuối cùng cũng về nhà”. Những năm hoạt động cách mạng, nuôi chứa bảo vệ cán bộ của mình, mẹ Điệp nói với má rằng: “Con không sợ chết, không sợ bị bắt, bị bắt bớ xong rồi thả ra riết thành quen”.
Mẹ Điệp nhớ lại thời điểm gay go, có những năm mà mỗi năm mẹ bị bắt một lần và bị đánh đập cũng không ít. Có lúc mẹ trét mủ cọng môn ngứa vào tay chân mình trước khi đi công tác; có đợt mẹ mới bị bắt hôm trước thì mấy hôm sau có yêu cầu công việc phải đi ngay vào hậu cứ;...
Kể về chồng, lúc sinh thời, chồng mẹ Điệp thương các con vô cùng, mỗi lần về nhà tay ẵm tay dắt, chăm lo con cái phụ mẹ. Mẹ Điệp rơm rớm khi năm đó liệt sĩ Lê Hoàng Phương mất thì vây quanh mẹ là “đủ thứ khổ hết”, vừa đảm bảo hoạt động vừa làm lụng nuôi con. Và “cũng nhờ bà ngoại giữ trông cháu thì mẹ mới đi hoạt động được như vậy”.
Kể về con là liệt sĩ Lê Văn Tuấn, mẹ Điệp xúc động, tự hào: “Con tui nó còn gan hơn tui nữa. Đó là năm 1972, con của mẹ đi giao liên, khi chừng 12 tuổi. Tham gia cách mạng khi còn rất nhỏ tuổi, nó (liệt sĩ Lê Văn Tuấn) chẳng những cương quyết mà còn “xây dựng” mình nữa chứ. Nó nói má cho con đi đi (đi theo cách mạng), không giặc vô giết xóm mình. Con đi thì có gì có chết thì chỉ mình con thôi hà”.
![]() |
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Điệp kể câu chuyện kháng chiến ngày xưa khi mẹ làm giao liên, nuôi chứa cán bộ cách mạng. |
Ba của mẹ Điệp chống Pháp, hy sinh; má của mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng, lý tưởng cách mạng trong gia đình như đã ăn sâu vào máu thịt của mẹ từ thuở thiếu thời. Để rồi mẹ Điệp không còn lựa chọn nào khác cho mình, khi một lòng một dạ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, mẹ Điệp vui mừng không gì sánh bằng.
Mẹ Điệp nói: Có gì mừng hơn đất nước hòa bình. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, điều mẹ luôn tâm nguyện là: Cảm thấy không sợ gian lao vất cả, nguy hiểm của chiến tranh, chỉ muốn bảo vệ con em anh chị của mình trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập này. Ông cha ta đã hy sinh xương máu cho cuộc kháng chiến này, mình phải đi cách mạng, phải vùng lên bảo vệ, giành lấy chính nghĩa, giành lại độc lập cho dân tộc mình.
Hôm nay, những ngày tháng 4 lịch sử này, mẹ Điệp vui mừng: Hòa bình với mẹ là quan trọng nhất! Mừng không gì so sánh được! Còn gì mừng hơn khi đất nước được thống nhất, cho các con cháu mình sống trong hòa bình, tiến lên và phát triển hơn...
Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin