Trung ương Cục miền Nam- nơi gắn liền với câu chuyện “vang bóng một thời” của các đồng chí lãnh đạo cao cấp; cũng là nơi yên nghỉ của ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đến đây đã “không kìm được nước mắt” khi nghe lại những câu chuyện đấu tranh oai hùng của cha ông…
![]() |
Nhà giáo Vĩnh Long chụp hình lưu niệm tại nhà làm việc đồng chí Võ Văn Kiệt. |
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (còn gọi là “R”), tọa lạc trong cánh rừng Chàng Riệc rộng 72 hecta, thuộc xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Đây là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày giải phóng.
Nơi đây gắn liền với những kỳ tích “vang bóng một thời” của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục miền Nam, như: đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Võ Văn Kiệt...
Về nguồn tại khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt, đoàn Hội Cựu giáo chức tỉnh đã dâng hương tại nhà tưởng niệm; xem phim tư liệu tìm hiểu về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ, cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ; thăm nhà thường trực, hội trường lớn; hệ thống giao thông hào; tham quan nhà các đồng chí lãnh đạo trong khu căn cứ.
Nhiều giáo viên kháng chiến, giáo viên con liệt sĩ cùng ôn lại truyền thống tự hào của ngành, công cuộc đấu tranh anh dũng của cha ông đã hy sinh cho độc lập dân tộc.
![]() |
Đoàn tham quan căn cứ Trung ương Cục miền Nam. |
Thầy Nguyễn Bá Cang (xã Tân Hạnh- Long Hồ) không khỏi xúc động khi được nghe, xem phim lịch sử và hiểu hơn về ý nghĩa thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. “Chúng tôi rất tự hào về thế hệ cha ông đã hy sinh để bảo vệ đất nước mình. Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi sẽ cố gắng để truyền đạt hào khí cho thấy hệ mai sau”- Thầy Nguyễn Bá Cang chia sẻ.
Tại nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82, nhiều người đã “không kìm được nước mắt”. Nghĩa trang được phân ra nhiều khu vực và hạng mục, như: Bia Tưởng niệm Liệt sĩ ngành giáo dục; Bia Tưởng niệm Ban kinh tài; Bia Tưởng niệm Dân y miền; Bia Tưởng niệm Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam,…
Trong đó, Bia Tưởng niệm Liệt sĩ ngành giáo dục được xây dựng, trùng tu với sự đóng góp của nhiều nhà giáo trên toàn quốc, với diện tích 310m2, trên đó khắc tên 625 liệt sĩ, (115 nhà giáo đi B và 510 nhà giáo địa phương). Trên bia phía trước ghi lời của GS. Anh hùng Lao động- Vũ Khiêu: “Hiến thân cho đất nước, sống cũng vinh mà thác cũng vinh/Hết dạ vì dân, mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ/Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao/Gương trí thức đời đời sáng tỏ…”
![]() |
Nhà giáo thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82. |
Trong những năm chiến tranh, đặc biệt là giai đoạn khốc liệt (từ năm 1964-1975) đã có hàng ngàn nhà giáo trên khắp miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam tham gia chiến đấu và xây dựng nền giáo dục cách mạng.
Thầy Nguyễn Văn Tư- nguyên cán bộ Phòng GD- ĐT Vũng Liêm, xúc động khi nghe văn điếu về những đồng nghiệp liệt sĩ vừa xen lẫn tự hào khi từng góp sức mình cho kháng chiến. Thầy Nguyễn Văn Tư bùi ngùi: “Lần thứ 2 đến đây rồi nhưng khi nghe văn điếu tôi thấy nao lòng trước sự hy sinh của những đồng nghiệp khi có người đến nay chưa xác định được danh tính, chưa tìm được hài cốt”.
Cô Bùi Thị Viên (xã Long Phú, huyện Tam Bình) không kìm nước mắt khi nghe thuyết minh về câu chuyện lịch sử. Cô Viên là con gái liệt sĩ Bùi Văn Ba. Lần đầu tiên tham gia chuyến về nguồn tại Tây Ninh, đến với Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82, thăm Bia liệt sĩ Ngành giáo dục, thắp hương tại nghĩa trang, tận thấy những “hố bom sâu hoắm” của giặc Mỹ để lại, những ngôi nhà làm việc đơn sơ của các đồng chí lãnh đạo, cô Viên ấn tượng sâu sắc và tri ân những cô chú đồng nghiệp cũng là chiến sĩ “súng bút hai vai”. “Giờ đã về hưu rồi nhưng tôi sẽ cố gắng dạy con cháu mình nhớ ơn những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp hơn”- cô Viên chia sẻ.
![]() |
Nhà giáo Vĩnh Long cùng ôn lại truyền thống tự hào của cha ông. |
NGND.TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết, sau 50 năm thống nhất thì Vĩnh Long còn được 177 nhà giáo kháng chiến với 39 nhà giáo là con của liệt sĩ và 3 nhà giáo được đi học ở “R”.
“Đưa con liệt sĩ, những nhà giáo đã từng dạy học trong bom đạn về đây để tạo nên niềm hạnh phúc và sự lan tỏa đối với thế hệ trẻ”- NGND.TS. Đặng Huỳnh Mai đồng thời chia sẻ, chuyến về nguồn là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tình cảm và lòng tri ân, tự hào của thế hệ nhà giáo kháng chiến và giáo viên con liệt sĩ của tỉnh Vĩnh Long đối với công lao to lớn của các thế hệ đi trước; ôn lại những năm tháng từng tham gia cách mạng vừa cầm súng vừa cầm bút, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin