“Nhớ gian chái bếp của bà/ Cà ràng nhóm lửa nấu từng bữa cơm”. Đúng vậy, đơn sơ, mộc mạc nhưng là góc nhớ không bao giờ phai của không ít người khi rời xa chốn ấy. Vì nơi tình thương được chắt chiu từng chén cơm, muỗng canh của bà, của má.
Cô Hai mới đi chợ mua chiếc cà ràng về, ai đi ngang cũng hỏi vài câu, “Mua cà ràng về kho thịt hả chị Hai”, “Mua cà ràng sên mứt hay gì đây”,… Cô Hai với niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt và giọng nói: “Con gái tui năm nay được về ăn Tết, nói thèm bánh tét, thịt kho rệu nấu bằng bếp củi nên mua về Tết làm cho nó ăn. Nó còn dặn, khi nào nó về cho nó đi chợ Tết với”.
Con cô Hai đi xuất khẩu lao động ở Nhật, xa nhà mấy năm nay được về ăn Tết với gia đình chắc con cô Hai háo hức lắm đây. Vì ai xa nhà cũng mang theo nỗi nhớ quắt quay một thời chân trần xối nắng.
Tự hỏi, cà ràng có từ khi nào mà “Con nước lớn cha chống xuồng/ Con nước ròng, mẹ nhóm bếp cà ràng đợi gió/ Con nước rong chảy tràn mùa nước nổi/ Vàng bông điên điển Châu Giang”. Tò mò nên đi tìm câu giải đáp. Theo GS Trần Ngọc Thêm: “Cà ràng là một loại bếp lò di động (một số nơi gọi tắt là “lò ràng”) làm bằng đất sét nung hình số 8 hai đầu phình rộng ra, dưới có đáy chứa tro than, trên có thành bao quanh; đầu phình rộng phía sau có gắn ba ông đầu rau để bắc nồi”.
Và “Không loại trừ khả năng là xưa kia, khi người Khmer từ vùng cao (Lục Chân Lạp) đến đây đã học được cái cà ràng vốn là sáng tạo của chủ nhân vùng sông nước là người Phù Nam, rồi về sau mới truyền lại cho người Việt”. Cà ràng được tiêu thụ số lượng lớn nên các lò gốm ở ĐBSCL nhiều nơi đã tận dụng đất sét làm cà ràng. Ở ĐBSCL nơi sản xuất cà ràng chất lượng tốt nhất ở An Giang.
Cà ràng bền, mang đi không bị bể, nứt. Các ghe thương hồ xuôi theo dòng sông Hậu đến chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) thì neo lại. Chợ nổi Cái Răng đã trở thành mặt hàng nổi tiếng được bà con gọi chợ “Cà Ràng”, sau nói trại nói trệch thành “Cái Răng”. Rồi hình ảnh cà ràng nhẹ nhàng đi vào đời sống với sự mộc mạc “Bếp cà ràng cào than nhúm lửa/ Nhắn chị Hai mày hé cửa anh chun”.
Rồi mấy món ăn được cô Hai nhắc đến đầy mùi Tết và cái cà ràng của cô Hai mới mua làm trí não chạy hụt hơi tìm về những ngày cà ràng đỏ lửa.
Chái bếp với những mùi Tết, đây treo lủng lẳng những đòn bánh tét, kia chùm lạp xưởng, trên kệ cũi chén có keo mắm tép, keo kiệu và dưa cải. Với bao món chuẩn bị để chờ đến ngày con cháu về sum vầy ba ngày Tết. Hết chảo mứt chuối, đến chảo mứt dừa, rồi đến chảo mứt gừng,… Rồi những món khổ qua hầm, thịt kho rệu,… Vì thế nên cà ràng luôn đỏ lửa.
Ở miệt vườn củi thiếu gì, nên nấu nướng toàn bằng củi. Nhà nào cũng có ít nhất một cựa củi chắc. Tết phải chụm củi chắc mới xuể vì ngày Tết công việc luôn tay không thể đứng chụm hoài như củi bổi. Khi cần ngọn lửa lớn chỉ cần bỏ thêm vào mớ củi bổi là ngọn lửa bùng cháy. Củi bổi là củi khô, tơi xốp dễ bắt lửa. Còn củi chắc là những cây củi chặt, bửa từ những thân, nhánh của những cây lâu năm như cây sắn, trâm bầu, xoài,… Cựa củi cũng chiếm một vị trí trong ngăn nhớ của những người xa quê.
Để lúc bông sậy lững thững bay theo con gió chướng, nhớ quay quắt lúc ngồi chụm củi, khói quăng quật gió làm mắt mũi ràn rụa, rồi thèm ơ cá kho bằng nồi đất, nồi cơm chụm bằng bếp củi cà ràng. Cà ràng nấu ngon đến vậy hay muốn tìm về ký ức để thấy được than hồng trong bếp, được cầm từng cọng lá dừa, cây củi chụm.
Nay bếp gas, lò điện đã chiếm ngôi, nhưng hình ảnh của chiếc cà ràng đỏ lửa ngày Tết vẫn còn nguyên trong ký ức. Và đâu đó, cà ràng cứ thế vẫn còn đượm lửa ở góc bếp miệt vườn, vẫn bắt gặp hình ảnh lủi thủi đi lấy từng bó củi nấu bữa cơm chiều.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin