Mùa xuân năm ấy. |
Tôi sinh ra và lớn lên ở một xã vùng sâu thuộc huyện Vũng Liêm vào thời điểm mà cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào hồi ác liệt nhất. Tuổi thơ tôi có một ký ức không quên vào mùa xuân chinh chiến- Xuân Mậu Thân năm 1968. Mùa xuân năm đó ngọn lửa chiến tranh không chỉ diễn ra ở thành thị mà vùng nông thôn cũng ác liệt không kém. Và ở quê tôi cảnh nhà cửa, vườn tược bị bom pháo tàn phá, chết chóc, tang thương diễn ra hàng ngày, nên cả gia đình phải bồng bế nhau đi tản cư lánh nạn.
Vào năm Mậu Thân khi đó tôi mới 8 tuổi, cả 6 anh em phải dắt díu nhau rời bỏ nhà cửa ngay sau ngày Tết. Tôi cùng các anh chị dắt nhau băng qua cánh đồng sau mùa gặt. Đồng ruộng mênh mông cạn khô trơ gốc rạ để đi về hướng ngoài lộ lớn. Khi chúng tôi vừa đi khỏi chân vườn chừng vài trăm mét, bất ngờ từ xa một bầy trực thăng bay thẳng đến. Nghe tiếng trực thăng cả mấy anh chị em co rúm nép vào nhau sợ sệt. Bỗng một chiếc tách khỏi đội hình bay vòng lại. Tôi nghe tiếng người anh nói to: Cứ bình tĩnh mà đi, không được chạy, chạy tụi nó bắn!...
Tôi ngước nhìn lên thấy chiếc trực thăng đen sì, đang siết hẹp vòng lượn ngay trên đầu. Bên cánh cửa trực thăng là lính xạ thủ đứng ghìm khẩu súng, thời gian như kéo dài vô tận… có lẽ nhận ra chúng tôi chỉ là đám con nít nên chiếc trực thăng liền quầy quả bay đi.
Tối hôm ấy khi ra đến nhà người bà con, chúng tôi mới biết mình may mắn thoát chết, vì chiều hôm đó một người đi chăn trâu đã bị trực thăng bắn chết cũng ngay trên cánh đồng này!
Khi tôi 15 tuổi thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, những chiếc trực thăng hung tợn ngày nào chỉ thỉnh thoảng được nhìn thấy trên sách báo, trên tivi, còn ngoài đời thực thì lâu lắm mới thấy chúng bay ngang nhà tít tận trên cao, còn muốn nhìn gần thì vào các bảo tàng ngắm máy bay được trưng bày phục vụ khách tham quan.
Có lẽ những hình ảnh về cuộc chiến tranh vẫn còn in sâu trong trí đã làm tôi có niềm đam mê vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng, vẽ những hoạt động của quân đội cùng các loại phương tiện chiến tranh như xe tăng, máy bay, súng pháo…
Bức tranh “Mùa xuân năm ấy” là ký ức về một ngày cuối tháng 4/1975, gợi lại hình ảnh mùa xuân đại thắng, khi các đơn vị quân giải phóng từ vườn ruộng, bưng biền rời khỏi vùng căn cứ để tiến về giải phóng thành đô trong khung cảnh nắng tháng 4 rực đỏ màu cờ cùng màu hoa phượng vỹ.
“Diễn tập” là bức tranh diễn tả các đơn vị bộ đội đang thực hiện tình huống đánh địch trong diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh Vĩnh Long với sự tham gia của nhiều đơn vị bộ đội được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, trong đó có những chiếc máy bay trực thăng của quân chủng Phòng không- Không quân tham gia diễn tập.
Diễn tập. |
Xuất phát từ tình cảm đối với những gia đình có con em lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự- một nhiệm vụ vẻ vang của công dân phục vụ tại ngũ trong quân đội.
Trong một mùa tuyển quân gần đây, tôi đã hoàn thành bức tranh “Thưa ngoại con đi”. Bức tranh mô tả khoảnh khắc đứa cháu đang nghe lời dặn dò của người bà trước lúc lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng, nhiệm vụ người trai đối với Tổ quốc. Cây vú sữa tím trước sân nhà, khoe chùm trái chín, gợi nhớ ngày xuân như còn phảng phất đâu đây và chú chó cưng quyến luyến người chủ thân quen trước lúc cậu chủ lên đường vào bộ đội.
Thưa ngoại con đi. |
Vẫn còn ấp ủ trong tôi những đề tài về bộ đội, về lực lượng vũ trang nhân dân hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) cũng là dịp tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ- Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trên mọi miền Tổ quốc, dù đang đóng quân ở địa phương hay biên cương, hải đảo xa xôi vẫn luôn là đề tài thu hút văn nghệ sĩ, nhằm ca ngợi, tôn vinh những người chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
• TRẦN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin