(VLO) Dòng sông Măng Thít chứng kiến bao giai đoạn lịch sử và sự đổi mới của quê hương. Nơi có dòng nước xoáy ghi dấu chiến công của đồng chí Phan Văn Hòa (Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) và lực lượng cách mạng nơi đây.
Từ bến bắc Nước Xoáy nhìn về hướng cầu Măng Thít. |
Sông Măng Thít là tuyến đường thủy quan trọng của cả ĐBSCL và dòng sông cung cấp nguồn phù sa dồi dào cho gạo thơm, trái ngọt. Sông với chiều dài hơn 45km, chạy qua xã Tân An Luông.
Chợ xã Tân An Luông (người dân nơi đây gọi là chợ Cầu Mới), với bờ kè thoáng đẹp. Người dân ở các xã Gò Nhum (huyện Mang Thít), Hòa Thạnh (huyện Tam Bình), Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn) tụ họp về đây trao đổi mua bán nên chợ rất nhộn nhịp. Chợ bán nhiều cá tôm sông, những con tôm cá sông được bắt ở dòng sông Măng Thít.
Bà mợ đang lựa mớ tép lóng, kế bên là mớ cá đủ loại vài con cá mè vinh, cá chốt, cá bống dừa: “Mua mớ tép lóng về ram mặn ăn ngon lắm. Vì tép này tép sông”. Được biết ngày trước trên sông này rất nhiều cá ngát, cá mè vinh.
Tôi có mặt tại địa danh nổi tiếng của xã Tân An Luông, đó là bắc Nước Xoáy. Nơi từng lập nên những chiến công hiển hách, giờ mộc lên những ngôi nhà khang trang, dưới sông những chiếc sà lan đang xuôi ngược.
Cô Lê Thị Phương người dân địa phương, nhớ: Thời đó bơi xuồng đi ngang sợ lắm. Dòng nước từ sông Tiền đổ xuống, dòng nước từ rạch Ông Nam, Ông Cớ chảy ra, dòng nước Mương Khai đổ ra tạo thành xoáy nước rất lớn.
Lúc dòng nước chảy mạnh dòng nước xoáy sâu tạo nên tiếng kêu o o rồi lại một tiếng ọt mạnh, rất nguy hiểm khi xuồng ghe bơi qua lại đoạn sông này”. Từ đó người dân gọi nơi đây là Nước Xoáy.
Thực dân Pháp sử dụng hai chiếc bắc (phà) đóng bằng gỗ, di chuyển bằng sức người chèo làm phương tiện qua lại hai bên bờ gần điểm nước xoáy. Năm 1940, chính nơi đây đã diễn ra trận đánh, ghi dấu trận đánh oai hùng của đất và người Vĩnh Long, ghi dấu chiến tích một thời của đồng chí Phan Văn Hòa và lực lượng cách mạng.
“Chỉ xin kể lại những sự việc xảy ra như tôi được biết ở một góc nhỏ địa phương tôi giữa lòng châu thổ, chị Hồng lẽ tất nhiên là linh hồn của cuộc cướp chính quyền toàn quận Vũng Liêm. Khi chị nhận lệnh khởi nghĩa về phổ biến cho đám cán bộ trẻ ở xã chúng tôi thì tất cả anh em đều như mở cờ trong bụng.
Hội nghị Quận ủy mở rộng phổ biến kế hoạch khởi nghĩa họp vào chạng vạng tối 22/11/1940. Kế hoạch đó bao gồm ba điểm. Thứ nhất là chiếm quận Vũng Liêm (theo chỗ tôi được biết thì đó là quận duy nhất giành được chính quyền từ quận lỵ đến các xã trong toàn lục tỉnh).
Thứ hai là bằng lực lượng tại chỗ giành chính quyền ở cù lao thuộc xã Quới Thiện (và tại đó cờ đỏ cách mạng lần đầu tiên phất phới giữa thanh thiên bạch nhật suốt 3 ngày).
Thứ ba, chặn cầu Giồng Ké trên lộ liên tỉnh số 7 từ Vũng Liêm đi Trà Vinh. Điểm thứ tư gần khởi nghĩa Tỉnh ủy mới trao thêm cho quận Vũng Liêm chịu trách nhiệm là hỗ trợ quận Tam Bình, để cắt đường từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm, chiếm bến bắc (phà) Nước Xoáy trên sông Măng Thít hồi đó chưa có Cầu Mới như bây giờ.
Tôi được mang lực lượng hai xã đi làm nhiệm vụ chiếm bắc Nước Xoáy. Đến 23/11 trước nửa đêm, chúng tôi từ quê nhà mình xuất phát, khoảng một trăm anh em; phần lớn là thanh niên, trong tay chỉ có giáo mác, gậy gộc, hành quân lội bộ 10km, cứ thẳng đường cái mà đi.
Bia chiến thắng Bắc Nước Xoáy tọa lạc tại ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm. |
Chúng tôi, ngoài cây mác còn có một ống loa làm bằng sắt thùng, trong đầu chỉ có một phương án tác chiến thô sơ, hết sức ấu trĩ vì chỉ tính có một tình huống là thắng mà thôi.
Lúa mùa lên đã hơi cao. Đoàn quân đi cướp đồn lòng vui như lúa vậy. Con sông Măng Thít xanh đen. Đồn lính ở bên kia sông, thuộc quận Tam Bình, phải qua bắc mới sang được. Vừa lúc đó, có một chiếc xe hơi du lịch từ Vũng Liêm lên.
Đó là xe của một tên cai tổng trong vùng, chỉ có lái xe, không có chủ ngồi. Chúng tôi chặn xe lại, bắt xe gọi phà qua rước. Xe rọi đèn, bắt phải chèo qua ngay. Cả một trăm người theo chiếc xe con xuống bắc hết.
Công nhân lái bắc thấy lạ, chúng tôi trấn tĩnh họ ngay, ra lệnh cứ chở sang đến bờ bên kia, xe bò lên rọi đèn thấy rõ đồn, lính ngủ trong mùng, nằm la liệt trước đồn, vài tên gác đứng lớ ngớ chừng như buồn ngủ rủ.
Xe tới ngang đồn, chúng tôi cho người giữ xe đứng lại. Còn toàn bộ lực lượng ráp vô đồn. Lính đang ngủ, trở tay không kịp, chạy tán loạn. Chúng tôi vây bắt lại tước hết súng.
Rồi theo kế hoạch đã định phân công người mang đục, búa xuống đục chìm phà thả theo nước lớn. Một số anh em khác thì leo lên lấy giáo mác chặt đứt hết dây thép cắt đường thông tin liên lạc.
Xong xuôi tất cả rồi, tôi mới trèo lên cổng đồn bắc loa kêu gọi đồng bào nổi dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc phong kiến địa chủ…
Lấy xong đồn Nước Xoáy chúng tôi ung dung lắm, phấn khởi lắm, đinh ninh là giờ này Sài Gòn với TX Vĩnh Long cũng đều nổi dậy xong xuôi”.
Đó là những lời kể của đồng chí Phan Văn Hòa (Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) khi nhớ lại trận đánh ở bắc Nước Xoáy được ghi lại trong “Ấn tượng Võ Văn Kiệt”.
Chiến thắng bắc Nước Xoáy góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Để ghi nhận chiến công trên, ngày 23/11/2016, Vĩnh Long đã dựng Bia chiến thắng Bắc Nước Xoáy tại ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.
Ghi dấu vùng đất lịch sử, truyền thống đoàn kết và tinh thần bất khuất của người dân Vũng Liêm nói riêng, người dân Vĩnh Long nói chung trong quá trình mở đất, giữ đất và xây dựng quê hương giàu đẹp nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Về với Nước Xoáy là về với tình người tình đất, về với dòng sông Măng Thít nhiều chiến công, dòng sông đi vào đời sống của người dân: Sông Măng Thít có dòng nước xoáy/ Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung/ Người đi mang nỗi nhớ nhung/ Sông này vẫn giữ thủy chung với người.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin