Mỗi năm đến hẹn lại lên, trên bờ biển Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) phủ kín bởi ốc viết. Sản vật trời ban tặng cho người dân nơi đây vào mùa gió chướng, giúp người dân có thêm thu nhập.
Mỗi ngày vợ chồng chú Phạm Quốc Hưng nhặt 100kg ốc viết, với giá 4.000 đ/kg. |
Sương còn đọng trên những lá cây quen đường, những luống dưa hấu xanh tươi đang cho trái, có nơi đang cắt bán bên ven đường. Ai tò mò dưa xứ biển thì ghé xe vào mua ăn cho biết dưa xứ biển khác với dưa xứ đất thịt, đất phèn ở đồng ruộng ra làm sao.
Xa xa đã thấy cánh đồng quạt gió trông như những chiếc chong chóng khổng lồ chầm chậm chầm chậm quay trong gió. Thu tầm mắt, những cánh quạt nước quay tròn đều tung bọt nước ở các vuông tôm. Hai bên đường các biển hiệu buôn bán cua, mực, cá. Đến xứ biển rồi.
Những con gió thổi nghịch hướng, trái với quy luật bình thường nên người ta gọi nó là gió chướng. Những con gió thổi mạnh dập dồi làm sóng biển dập dồn ngoài khơi, những chiếc thuyền đánh bắt ốc mỡ, giăng lưới ngại ra biển. Ngoài xa chỉ thấy sóng với sóng.
Người dân nơi đây đang nhanh tay bắt ốc, phải tranh thủ chạy theo con nước, vì khi thủy triều dâng, sóng đánh ốc dạt vào bờ, khi thủy triều rút để lại trên bãi biển vô vàng những ốc và ốc. Chúng tôi đi theo người dân ở đây để học cách bắt những con ốc còn sống, chớ không là nhặt toàn là ốc chết. Nhìn con nào chui phần đầu xuống cát là ốc sống nhặt lên. Phải lựa những con to thân dài vì những con to mới có thịt nhiều. Người dân bảo những con màu nâu sậm to ăn ngon hơn. Những con nằm ngửa đưa mặt lên trời, chúng đã mắc kẹt lại bờ và phơi mình dưới nắng nên chúng đã chết.
Những ngày thuyền nằm bờ, người dân xứ biển mưu sinh bằng nghề bắt ốc viết. Người đàn ông với gương mặt hiền lành đó là chú Phạm Quốc Hưng người xứ biển này. Đang nhặt ốc viết cùng với “bà nhà”, chú nói: “Tui có ghe cào ốc mỡ nhưng gió chướng sóng lớn không đi cào được nên tui với bà nhà ra đây nhặt ốc bán cũng đủ sống qua ngày. Mùa ốc viết theo mùa gió chướng bắt đầu từ tháng 10 âl năm này đến tháng 1-2 âl năm sau”.
Một người đàn bà với dáng người mộc mạc, chất phác đang nhặt từng con ốc viết, đó là “bà nhà” của chú Hưng, tôi quay sang bắt chuyện: “Mỗi ngày tui và ông nhà tui nhặt 100kg, với mỗi ký được 4.000đ giao cho nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh. Họ đặt ngày 100kg nên tùy theo con nước thủy triều mà thức từ sớm tranh thủ để bắt cho kịp con nước. Bán cho nhà hàng họ làm món hấp sả, hấp nước cốt dừa. Ốc này tuy nhỏ nhưng được cái thơm, giòn, ngọt”. Rồi vợ chú quay sang hối thúc chú nhặt nhanh lên, thấy vậy chớ nước dâng lên tới bây giờ.
Cách nói chuyện chân chất của chú làm tôi nhớ đến tía chồng tui đang ở nhà lui cui với đàn bò, đàn vịt. Tôi ngồi tưởng tượng cảnh hàng xóm qua kiếm má chồng tôi karaoke, ông nói vọng ra: “Hôm nay mợ mất mối rồi. Má sắp nhỏ hôm nay đi xứ biển chơi rồi. Mai chiều mợ lại qua ca với bà nhà tui nghen”. Có khác gì đâu, người xứ biển và xứ nước ngọt trái cây quanh năm. Ừa, cũng đúng thôi vì cũng cùng chung cái mộc mạc, lam lũ, chất phác của người dân miền Tây mà, của đồng bằng châu thổ Cửu Long.
Tôi đem câu hỏi “Ốc này từ đâu trôi dạt vào bờ này?” đi một vòng hỏi những người dân xứ biển. Nhưng chỉ nhận được, “Chỉ biết từ đó tới giờ, năm nào cũng vậy, tới mùa gió chướng ốc lại đầy trên bờ biển”, “Không biết từ đâu, mấy mươi năm nay, gió chướng về sóng vỗ ốc viết trôi dạt vào bờ” hay “Biết đâu nè, lúc tôi biết thì đã vậy rồi, tùy năm có năm nhiều năm ít”.
Con nước rút để lại trên bãi vô số những con ốc viết. Đúng như tên gọi, ốc có hình dáng thon dài như cây viết vậy, những con nhỏ lớn với độ dài khác nhau, khoảng 3-7cm, vỏ ốc rất cứng. Con màu vàng nhạt pha màu nâu, con màu vàng đậm pha màu nâu sẫm, con màu trắng đục pha màu nâu nhạt, con màu đỏ pha vàng đậm… nhiều màu sắc khác nhau. Rồi để vài con ốc lên lòng bàn tay, ngồi ngắm từng con rồi nghĩ miên man, tản mạn cuộc đời của mỗi người cũng vậy. Mỗi cuộc đời cũng mỗi gam màu khác nhau. Cuộc sống đi chậm thôi bớt hớt hải, ít đắn đo vì phía trước đâu ai biết trước được cứ vui khi nhận được những gì ở hiện tại.
Hai vợ chồng chú Hưng nhặt từng con ốc viết cho đến khi con nước dâng tràn những bãi bờ, những con ốc nằm sâu dưới nước biển dâng. Có gì đâu, nước dâng sóng mạnh vỗ ốc vào bờ khi nước rút hai vợ chồng chú Hưng lại tiếp tục cuộc sống mưu sinh mùa gió chướng. Khi gió lặng chú lại đi cào ốc mỡ, gắn bó mấy mươi năm với biển giờ tóc chú và bà nhà pha màu mây. Cuộc đời như con thuyền vậy trải qua gió dập sóng dồi nhưng vẫn một lòng yêu biển, gắn bó với biển.
Những câu chuyện loay hoay, loanh quanh về xứ biển vẫn còn rôm rả khi xe lăn bánh rời xa, trên con đường xe vẫn chạy xườn xượt khi mặt trời đã khuất dần dưới hàng dừa xanh.
• Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin