Một ngày thăm “thủ phủ” của cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan

21:31, 09/12/2024
Khách tham quan hồ sen đỏ.
Khách tham quan hồ sen đỏ.

Một ngày cuối tuần đẹp trời, chúng tôi được đến thăm tỉnh Udon Thani- nơi được xem là “thủ phủ” của người Thái gốc Việt ở Thái Lan. Hân hoan khi được viếng thăm vùng đất mới, càng hạnh phúc hơn khi chúng tôi gặp gỡ và nhận thấy đời sống người Việt Nam ở đây ngày càng sung túc hơn. Cảm xúc đặc biệt trào dâng khi được viếng thăm Khu di tích Bác Hồ ở Thái Lan, nơi chốn bình yên, giản dị nhưng là cội nguồn sức mạnh tinh thần của những người con đất Việt.


Đến hồ sen đỏ, hội ngộ đồng hương


Theo hướng dẫn của những người bạn Thái Lan, khi đến Udon Thani, chúng tôi tham quan hồ Talay Bua Daeng (còn được gọi là hồ sen đỏ, biển sen đỏ), là một hồ nước ngọt mênh mông đầy bông súng đỏ cách trung tâm TP Udon Thani hơn 40km. Vừa đậu xe, chủ khu du lịch ra chào đón, thấy chúng tôi nói tiếng Việt, ông đang nói tiếng Thái lại nói “xin chào” và giới thiệu mình là người Việt Nam sinh ra ở Thái Lan!


Vậy là niềm vui như “thấy tâm hồn quê hương” trên đất bạn, chú Phạm Duy Quý- chủ khu du lịch này giới thiệu: “Tôi quê ở Nam Định, theo ba mẹ sang Thái Lan sinh sống làm ăn từ khi còn nhỏ; vợ tôi cũng là người gốc Việt, chúng tôi có 3 người con. Tôi cũng đã đi du lịch và về thăm quê 26 lần”. Sau những câu chuyện gia đình, quê hương, về cộng đồng người Việt Nam ở Udon Thani ngày càng phát triển,…

Trò chuyện với chú Phạm Duy Quý.
Trò chuyện với chú Phạm Duy Quý.


Hồ sen đỏ- tên người Thái Lan thường gọi, theo chú Quý giới thiệu có tổng diện tích khoảng 600ha, du khách có thể đi bộ quanh bờ hoặc mua vé tham quan trên tàu nhỏ. “Bên cạnh bông súng đang mùa nở đẹp còn có nhiều loại chim, môi trường sinh thái ở đây còn rất tự nhiên. Ngoài tham quan, chụp ảnh du khách cũng có thể thưởng thức những món ăn đặc sản Thái Lan ở đây”- chú Quý giới thiệu. 


Ấn tượng của tôi về hồ sen đỏ là một cảm giác bao la, mát rượi như vùng sông nước Cửu Long yên bình nhưng khác chỗ rực rỡ hơn, bằng cách thay lục bình bằng bông súng. Dòng nước màu xanh trong bao quanh rừng bông súng đang thi nhau nở đỏ rực một vùng trời. Thỉnh thoảng có những cồn cỏ nổi với thân cây bơ vơ giữa đồng nhìn như một bức tranh phong cảnh. Máy ảnh không thể bao quát nét đẹp của hàng triệu bông hoa như mắt nhìn, mà có lẽ chỉ khi chụp ảnh flycam mới thấy được hết vẻ đẹp của cánh đồng bao la đầy hoa đỏ này. Đơn giản là vậy, nhưng đây là điểm đến được đề cử đầu tiên nếu bạn du lịch Udon Thani.


Thăm Khu di tích Bác Hồ trên đất Thái


Rời hồ sen đỏ, chúng tôi đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tỉnh Udon Thani. Từ khoảng đầu tháng 8/1928, Nguyễn Ái Quốc đã đến Udon Thani và tại đây Bác lấy tên “Thầu Chín”. Bác đã tổ chức các buổi nói chuyện về cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn, chủ trương về tinh thần yêu nước, hướng về cố hương, mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Người nhắc nhở giáo dục bà con Việt kiều học chữ quốc ngữ...

Khu di tích Bác Hồ ở Udon Thani.
Khu di tích Bác Hồ ở Udon Thani.


Khu di tích được xây dựng từ nguồn xã hội hóa của những người Việt Nam trên đất Thái, tổng diện tích hơn 1ha, được chia làm 2 phần: khu nhà ở của Bác và khu trưng bày.


Khu nhà ở của Bác được phục dựng là ngôi nhà chính lợp lá 3 gian, trong đó, gian giữa là nơi hội họp học tập, gian bên trái một bộ bàn ghế gỗ là nơi Bác làm việc, trong góc là một chiếc giường ngủ nhỏ. Bên phải là sạp gỗ lớn là nơi nghỉ ngơi cho các anh em đồng chí. Trong sân có giếng nước, nhà kho, nhà bếp, chuồng gà, cây trái,… Được biết, khu nhà này được phục dựng gần giống với khu nhà trước kia.


Phần thứ hai là khu trưng bày là nhà 2 tầng với sân rộng nhìn bề thế nhưng không cầu kỳ. Trong đó thì ở gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ; không gian giới thiệu những hoạt động của Bác và về phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta ở Thái Lan dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.


Với những người con đất Việt, đây là nơi chốn bình yên, giản dị nhưng tiếp thêm sức mạnh tinh thần, để nhắc nhở với lòng mình dù đi đâu cũng nhớ về cố hương; học chữ quốc ngữ, nói tiếng Việt, thông thạo tiếng Thái, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống của người bản địa nhưng không quên truyền thống, văn hóa Việt Nam.


Bữa cơm Việt- Thái


Nhận lời mời của hai vợ chồng là giảng viên Trường ĐH Rajabhat Udon Thani- vợ người Việt Nam, chồng người Thái Lan, chúng tôi được một bữa tối ấm lòng với sự hòa hợp từ thức ăn đến con người Việt- Thái.


Trên bàn ăn đủ sắc màu do vợ chồng chị Nguyễn Thị Tú Quyên (quê tỉnh Kon Tum) chuẩn bị, các món ăn đầy đủ sắc, hương, vị của hai nước lần lượt được dọn lên. Chúng tôi không nhớ được tên của các món Thái Lan, chỉ biết đây là sự kết hợp hài hòa, ngon miệng hơn cả nhà hàng. Cũng có thể món ngon do tâm lý, bởi khung cảnh ngoại ô Udon Thani yên bình, bữa cơm ngoài trời vừa ăn, vừa ngắm sao, vừa nghe chuyện tình của hai vợ chồng chị Tú Quyên.

Chị Tú Quyên (bìa trái) giới thiệu phòng tranh và những bức tranh sơn mài mang văn hóa Việt Nam.
Chị Tú Quyên (bìa trái) giới thiệu phòng tranh và những bức tranh sơn mài mang văn hóa Việt Nam.


Hai người quen nhau khi chị Quyên sang Thái học cao học chuyên ngành Mỹ thuật ở Trường ĐH Rajabhat Udon Thani. Cả hai có cùng niềm đam mê vẽ tranh và cùng vẽ nên bức tranh gia đình nhỏ 4 người như hiện tại. Chị Quyên nói: “Mỗi năm nghỉ hè, tôi cho hai con về ngoại chơi 1 tháng, thỉnh thoảng về Tết thăm ông bà; tôi dạy các con nói tiếng Việt, con trai lớn nói rành rọt, cháu nhỏ thì nói được ít hơn”. Hiện nay, chị Quyên không còn làm giảng viên mà dành trọn thời gian cho đam mê của mình là “vẽ tranh sơn mài”. 


Trong phòng tranh đa phong cách, với nhiều bức tranh của hai vợ chồng, chị Quyên chia sẻ: “Tôi muốn giới thiệu tranh sơn mài Việt Nam đến Thái Lan, không chỉ từ chất liệu, cách vẽ đến những hình ảnh về con người, làng quê Việt Nam trong những bức tranh tôi vẽ. Tranh là nơi tôi lưu giữ, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến học trò, bạn bè và khách hàng của mình trên đất Thái”. 

Một ngày là không đủ để thăm Udon Thani, chúng tôi ra về trong luyến tiếc vì chưa có thời gian tham quan khu phố người Việt Nam trên đất nước này. Ngẫm lại, chính sự “dang dở” này sẽ níu chân chúng tôi nhanh trở lại.
 

Tỉnh Udon Thani ở Thái Lan được coi là “thủ phủ” của người Thái gốc Việt với hơn 60.000 người. Đây cũng là tỉnh tập trung kiều bào gốc Việt đông nhất ở Thái Lan.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh