Làng nghề gạch, gốm đỏ dẫu có lúc thịnh lúc suy, nhưng ngọn lửa lò vẫn âm ỉ cháy. Thế hệ “nhóm lửa” tiếp theo đang nỗ lực viết tiếp câu chuyện của làng nghề gạch, gốm đã tồn tại trăm năm. Không chỉ kế thừa tinh hoa của làng nghề, họ còn sáng tạo nên những sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu hiện đại, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị gạch, gốm đỏ Vĩnh Long.
Những đôi tay đắp nặn hình hài cho gốm đỏ, giữ ấm ngọn lửa nghề gạch, gốm quê hương. |
Những ông chủ lò gốm nặng tình
Trong cái nắng cuối năm vàng ươm, dưới mái trại phơi gốm của Công ty TNHH Gốm sứ Hiệp Lợi 3, từng dãy chậu, bình gốm đỏ được xếp đều tăm tắp, thảnh thơi “tắm nắng”. Vừa giới thiệu các công đoạn sản xuất gốm, anh Trần Quốc Sơn- Giám đốc công ty, kể lại: “Ông nội của tôi chuyên làm gạch, đến đời ba tôi mới bắt đầu làm gốm từ sau năm 1990. Đến năm 2003, sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành công nghệ sinh học, tôi quyết định quay về tiếp nối truyền thống gia đình”.
Với anh Quốc Sơn, dù ban đầu không nghĩ mình sẽ gắn bó với gốm đỏ, nhưng bằng ký ức tuổi thơ và niềm tự hào về gốm đã nung đúc nên lòng yêu nghề cho chàng trai trẻ. Anh Quốc Sơn chia sẻ: “Vì nhà có ba anh em, ai cũng theo nghề khác thì nghề gia truyền sẽ mai một. Thêm phần tôi cũng quen vọc đất từ nhỏ, lớn lên chứng kiến thời kỳ hưng thịnh của nghề, khi đó ba phải thức canh xuất hàng từ trưa hôm trước đến nửa đêm hôm sau, ghe, xuồng, xe cộ nhộn nhịp nối đuôi nhau trên con đường còn chưa khang trang như bây giờ. Rồi những chuyến du lịch trông thấy gốm đỏ quê mình xuất hiện ở nước ngoài, tôi càng thấy tự hào và cứ thế yêu nghề, mà nghề này phải đam mê mới làm được”.
Hiện xưởng sản xuất của anh Quốc Sơn có 10 lò nung liên hoàn, với công suất trung bình 2 triệu sản phẩm/năm, chủ yếu xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Theo anh Quốc Sơn: “Xưởng có khoảng 70-80 lao động là người địa phương, đa phần họ đều không có ruộng vườn để canh tác, có những thợ thủ công đã làm việc từ thời ba tôi. Trước khó khăn về nguồn đất sét không còn dồi dào như trước, nguồn nhân lực trẻ kế thừa ngày càng hiếm, giá chất đốt tăng cao, tôi chỉ mong sao có đơn hàng ổn định, bảo đảm công việc và thu nhập cho anh chị em trong xưởng, duy trì sự phát triển của nghề”.
Trăn trở về những thách thức của nghề, anh Quốc Sơn đã có những cải tiến trong sản xuất kinh doanh, từ việc vận dụng xe điện vận chuyển hàng hóa tại khu vực sản xuất giúp tiết kiệm nhiên liệu, đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế đa dạng mẫu mã sản phẩm, trao đổi thông tin với khách hàng… “Bây giờ giá trị sản phẩm gốm đã được nâng cao hơn trước không chỉ nhờ giá trị thẩm mỹ mà còn có tính ứng dụng. Đối tác nước ngoài có thú chơi gốm theo mùa, họ sử dụng gốm đỏ trong kiến trúc, thiết kế sân vườn và trang trí các lễ hội trong năm. Nắm bắt nhu cầu này, chúng tôi nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng máy móc trong thiết kế, sản xuất để phù hợp với thị hiếu khách hàng”- anh Quốc Sơn chia sẻ.
Cũng vậy, nhờ khả năng ngoại ngữ và sự nhạy bén trong kinh doanh, anh Tào Lê Hoàng Dũng (sinh năm 1975, ngụ xã Thanh Đức, huyện Long Hồ)- thế hệ thứ 4 nối nghiệp sản xuất gạch, gốm của gia đình, nay là đại diện của Công ty TNHH MTV Nam Hiệp Hưng. Anh đã ứng dụng công nghệ vào việc tạo mẫu sản phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng, đưa sản phẩm gốm đỏ truyền thống đến thị trường Đức, Nhật Bản, Hà Lan.
Bên trong xưởng sản xuất rộng 20.000m2, với 70% sử dụng máy móc vào quy trình sản xuất, chỉ những sản phẩm có hình dáng đặc biệt mới cần thợ in thủ công. “Khoảng cách thế hệ khiến tôi và ba không tránh khỏi bất đồng quan điểm, những lúc như vậy chúng tôi sẽ ngồi lại bàn bạc cùng nhau để tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Công việc của thế hệ trước tập trung cải tiến kỹ thuật sản xuất, còn tôi chú trọng hơn vào việc kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu suất trao đổi thông tin với khách hàng, quảng bá thương hiệu. Khách hàng hiện nay rất am hiểu thị trường, đòi hỏi sự sáng tạo trong sản phẩm truyền thống, nên doanh nghiệp phải linh hoạt thích nghi theo nhu cầu thời đại”- anh Hoàng Dũng bày tỏ.
Vì yêu, đam mê, phải làm tốt hơn
Là phụ nữ chọn nghề “quen hơi đất” gắn bó với nghề truyền thống của ông nội, cha từ cuối năm 2000, chị Đoàn Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức, chia sẻ: “Tôi chọn nghề này vì nghĩ rằng nếu ai cũng rẽ lối, thì còn ai tiếp nối nghề truyền thống. Tuy là thế hệ thứ 3 theo nghề của gia đình, nhưng tôi may mắn được tiếp cận nền giáo dục hiện đại, hiểu biết về cách thức vận hành mô hình kinh doanh, quy định thương mại quốc tế… Cùng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được từ thế hệ đi trước, giúp tôi tự tin hơn trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, cũng là động lực để thế hệ sau tiếp bước theo mình”.
Chị Đoàn Thị Ngọc Diệp và cha là ông Đoàn Văn Đực cùng thảo luận về sản phẩm mới, tặng phẩm du lịch mang thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”. |
Hào hứng chia sẻ với chúng tôi về những dự định phát triển trong tương lai, chị Ngọc Diệp vừa nâng niu dòng sản phẩm quà tặng từ gốm: “Trước đây gốm đỏ còn hạn chế về quảng bá, trọng lượng nặng chỉ thích hợp trong kiến trúc, trang trí không gian lớn. Nhưng giờ đây, được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nên chúng tôi có thể phát triển dòng gốm tặng phẩm du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cũng như tạo động lực mới cho người làm nghề”.
Thực tế những năm qua, nghề gạch, gốm đỏ Vĩnh Long đã trải qua những nốt thăng trầm khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, thị hiếu thay đổi, sức hấp dẫn của nghề này suy giảm, khiến phần lớn thế hệ trẻ ngại “tiếp bước”. Tuy nhiên, câu chuyện gắn bó với gốm đỏ của anh Trần Quốc Sơn, anh Tào Lê Hoàng Dũng, chị Đoàn Thị Ngọc Diệp đã chứng minh những giá trị truyền thống, tiềm năng phát triển của ngành nghề vẫn có sức hút không nhỏ cho thế hệ kế tiếp.
Cũng có những người vì yêu thích truyền thống tham gia giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy theo cách riêng. Họ tiếp tục “nung nấu” thêm nét đẹp hiện đại cho ngành nghề di sản này thông qua việc xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, mang lại tiềm năng phát triển cho ngành nghề trong tương lai.
Đáng kể như: nhà gốm Tư Buôi (Phường 5, TP Vĩnh Long)- công trình nhà gốm có kiến trúc 3 gian 2 chái gần như có một không hai ở Việt Nam. Hay quán cà phê “Nhà gạch gốm đương đại” của anh Dương Chí Hiền (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) là không gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp gạch gốm bên dòng kênh Thầy Cai. Tình yêu gốm cũng được thể hiện qua đôi tay của cô gái trẻ tên Hồ Thanh Thảo (Phường 5, TP Vĩnh Long), người đã vẽ nên màu sắc mới trên nền gốm đỏ mộc mạc.
Hay đó là những hành trình “ngược xuôi” đưa khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ bên trong những lò gạch, để khách trải nghiệm “vọc đất” tạo ra sản phẩm gốm đỏ trong tour du lịch “Vĩnh Long- Vương quốc đỏ” của Công ty Du lịch Mekong Travel… họ tựa như sợi dây kết nối truyền thống và hiện đại, mở ra hướng đi mới cho làng nghề di sản phát triển bền vững. Di sản người xưa gầy dựng là động lực để người hôm nay tiếp tục cùng nhau “nhận lửa- truyền lửa”, chung tay gìn giữ món quà quý báu từ thiên nhiên.
Ông Tào Xíu Châu- cha của anh Tào Lê Hoàng Dũng Nghề này là nghề nông dân, như “làm dâu trăm họ”, khách cần mẫu nào thì mình phải làm theo mẫu đó, đòi hỏi người làm phải hiểu đất, yêu nghề, kiên định với nghề cho dù là lúc thịnh hay suy, có vậy thì mới bền. Tôi thật sự rất vui mừng vì có thế hệ kế tiếp nối bước, giữ gìn nghề ông cha để lại”. Ông Đoàn Văn Đực- cha của chị Đoàn Thị Ngọc Diệp Cha tôi truyền nghề, tôi làm nghề gạch, gốm mấy chục năm giờ con gái tôi nối nghiệp. Thời trước mình làm rất sợ phải đền hợp đồng nên chỉ bán ủy thác qua các doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai. Bây giờ, thế hệ trẻ tiếp quản nghề gia đình tự tin giao tiếp, ứng dụng công nghệ mới, còn khách hàng cũng là những người trẻ. Phương thức buôn bán linh hoạt, sản phẩm phong phú với nhiều mục đích sử dụng, phân khúc thị trường đa dạng hơn. Nên nhu cầu thị trường, tiềm năng của gốm là rất lớn. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO TIÊN
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin