Phạm Thái Bường- người cộng sản trung kiên, mẫu mực

19:07, 29/09/2024

 

Chân dung đồng chí Phạm Thái Bường.Ảnh: TL
Chân dung đồng chí Phạm Thái Bường.Ảnh: TL

Nhà cách mạng Phạm Thái Bường sinh năm 1915, mất năm 1974, quê xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, ông bị địch kết án 10 năm tù khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Tại chốn lao tù, ông luôn nêu cao khí tiết cách mạng, kiên cường đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ của địch, động viên các đồng chí của mình tin tưởng vào ngày thắng lợi của cách mạng.


Ông là người được Trung ương Cục miền Nam phân công nhiệm vụ mở tuyến đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển” để tiếp nhận vũ khí, nhân lực và vật lực từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Tuyến vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ra đời đã góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu bức thiết về vũ khí, trang bị quân sự của quân và dân ta ở các chiến trường miền Đông, miền Tây và ven biển Nam Trung Bộ.


Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, ông Phạm Thái Bường từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Trà Vinh); Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây; Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Khu ủy Khu 9; Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa III.


Dấn bước trên con đường cách mạng


Trong những bước đường hoạt động cách mạng, đầu năm 1939, đồng chí Phạm Thái Bường được bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, trong điều kiện Tỉnh ủy đang kiện toàn trở lại, ráo riết chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa trên toàn Nam Kỳ. Lúc này, các tỉnh Nam Bộ đều đi vào củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp nổ ra cuối tháng 11/1940.


Nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đầu năm 1940, trong hoàn cảnh tại các cơ sở bị địch càn quét nhiều, hàng trăm cán bộ, đảng viên bị chúng theo dõi ráo riết… nên ông cùng Tỉnh ủy đi Tiểu Cần, Trà Cú… và các cơ sở nòng cốt để củng cố lại bộ máy đảng viên bị địch truy nã, thất liên lạc với Tỉnh ủy. Lúc này tình hình ở Trà Vinh và Bến Tre (nơi ông Phạm Thái Bường đang là Bí thư) đều giống nhau là địch truy nã gắt gao cán bộ, đảng viên. Tại Bến Tre đồng chí đã củng cố một số chi bộ ở xã Bình Khánh, Thành Thới (huyện Mỏ Cày), giáp với Trà Vinh, nên càng thêm kinh nghiệm trong trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa tại Bến Tre, Trà Vinh vào tối 23/11/1940.


Tuy thế, về phía Pháp, chúng ra tay đàn áp bất cứ người nào nghi ngờ, và trước ngày chuẩn bị khởi nghĩa chúng truy lùng ráo riết lãnh đạo Tỉnh ủy Trà Vinh, trong đó, ngày 25/11/1940, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thái Bường cũng không may sa vào tay giặc. Chúng đã kết án ông 10 năm tù khổ sai, biệt giam tại Khám lớn Sài Gòn và sau đó chúng đày ông ra nhà lao Côn Đảo. 


Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trước yêu cầu nhiệm vụ mới ông là người đề xuất và đứng ra tổ chức các đội “Trinh thám đỏ”- một tổ chức bảo vệ trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng. Tại địa bàn Trà Vinh lúc này, các đội “Trinh thám đỏ” đã theo dõi và truy bắt nhiều tên thám báo, bọn tề ngụy cũ… giữ gìn sự bình an cho Tỉnh ủy và các huyện ủy trên đất tỉnh Trà Vinh. 


Vào tháng 11/1945, thực dân Pháp đã tái chiếm tỉnh Trà Vinh. Cuối năm đó ông cùng bộ đội, cán bộ các cơ quan của Tỉnh ủy Trà Vinh rút lui an toàn về Khu 9. Tại căn cứ mới ở Khu 9, ông cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức củng cố lại lực lượng và cơ quan Tỉnh ủy, trong điều kiện kẻ thù vây ráp, theo dõi mọi động tỉnh của hoạt động cách mạng trên quê hương Trà Vinh.


Tháng 10/1946, khi Trung ương yêu cầu đồng chí Dương Quang Đông (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ từ 1942-1943 và Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh) đi Thái Lan mua vũ khí phục vụ kháng chiến, ông đã được Xứ ủy Nam Bộ cử thay ông Dương Quang Đông, làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, trong tình hình kẻ địch đang phong tỏa, bao vây các căn cứ của Tỉnh ủy Trà Vinh và nhiều cơ sở cách mạng tại tỉnh.


Vào lúc này, những ngày đứng đầu Đảng bộ trong tình hình kẻ địch bủa lưới quân lính, tề gian khắp nơi để tìm cán bộ của Đảng, ông đã cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Trà Vinh rà lại những cơ sở nòng cốt, kết hợp với đẩy mạng diệt bọn tề ngụy gian ác. Công tác nắm bắt quần chúng đi sâu vào đồng bào Khmer, và lấy đây là một thế mạnh của Trà Vinh, khi bà con Khmer đều đặt lòng tin vào Đảng. Từ đó, tình hình năm 1947 tại tỉnh Trà Vinh có sự chuyển biến, củng cố lại được những cơ sở bị phá bể sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.


Năm 1948 được bầu vào Khu ủy Khu 8, rồi khu ủy phân công đi kiểm tra tình hình 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre. Tháng 9/1949 được Khu ủy Khu 8 điều động nhận nhiệm vụ Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, phụ trách tổ chức của khu ủy. 


Trên chiến trường Vĩnh Trà và miền Nam


Tháng 6/1951, Xứ ủy Nam Kỳ cử đồng chí về làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà trong điều kiện hai tỉnh ủy vừa trải qua những đợt đàn áp gây thiệt hại nhiều. Tại đây, vừa làm nhiệm vụ đại diện cho Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ tại 2 tỉnh Vĩnh Trà và Bến Tre, theo quyết định ngày 27/6/1951 của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, ban hành Nghị định số 174/NB-5L sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà.


Năm 1954, khi Hiệp định Genève được ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà Phạm Thái Bường được bầu vào Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách các mặt công tác tại miền Tây. Năm 1958-1959, ông là Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây.


Để củng cố cho địa bàn rộng lớn các tỉnh miền Tây, nơi có Khu ủy Khu 9 đứng chân, đồng chí đã chỉ đạo, đã lăn lộn với phong trào ở miền Tây trong những thời kỳ gian khổ, khó khăn nhất, để góp phần tích cực vào việc lãnh đạo đấu tranh chống địch, đề phòng mạng lưới tình báo CIA của kẻ địch và xây dựng cơ sở mới, đưa tới phong trào Đồng Khởi 1960 và tiến lên giành những thắng lợi lớn, góp phần vào thế trận ở toàn miền Nam dám đánh Mỹ và quyết đánh đế quốc Mỹ tới cùng. 


Tháng 10/1961 tại căn cứ Mã Đà, miền Đông Nam Bộ- vùng Trị An ngày nay- Trung ương Cục miền Nam (còn gọi là Cục R) họp phiên đầu tiên gồm có các ông: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Võ Toàn (Võ Chí Công, Năm Công), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Trần Lương (Trần Nam Trung, Hai Hậu), Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Nguyễn Đôn, Trần Văn Quang (Bảy Tiến), Trương Chí Cương (Tư Thuận), Lê Quang Thành (Tư Thành). Đây là lễ ra mắt đầu tiên khi thành lập Trung ương Cục miền Nam, mà Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục đã là một trong những thành viên chủ chốt, lúc đầu thành lập.


Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội, đồng chí Phạm Thái Bường được bầu Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Tại Trung ương Cục miền Nam, ông là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam phụ trách công tác quân sự- an ninh từ khi bắt đầu thành lập. Tuy thế, cuối năm 1967 trong tình hình cấp thiết của Khu 9 về công tác chỉ đạo, được Trung ương Đảng cử về làm Bí thư Khu ủy Khu 9 để chuẩn bị mọi mặt cho quân và dân các tỉnh Khu 9 chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 


Căn cứ Ban An ninh tại Trung ương Cục miền Nam, được thành lập tháng 7/1960, sau 8 lần di chuyển, cuối năm 1972, căn cứ Ban An ninh về đóng tại Bãi Bàu, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách cửa khẩu Xa Mát khoảng 2.500m. 


Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Phạm Thái Bường là Trưởng ban, các phó trưởng ban là: Cao Đăng Chiếm (Sáu Hoàng), 2 ủy viên là: Lâm Văn Thê, Nguyễn Quang Việt. Về sau, Trung ương Cục miền Nam bổ sung 10 ủy viên là các ông: Huỳnh Việt Thắng, Lê Văn Côn, Huỳnh Anh, Nguyễn Tài, Nguyễn Hoàn, Thái Đoàn Mẫn, Hồ Văn Đại, Lê Thanh, Nguyễn Văn Cung và Trần Quốc Hưng. 


Hiện nay, căn cứ Trung ương Cục miền Nam tọa lạc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-TT-DL) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 02/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/1/2001.


Mặc dù, hoạt động trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn trăm bề, song ông với vai trò là Bí thư Khu ủy, rồi là Trưởng Ban An ninh tại Trung ương Cục miền Nam, đã thực hiện nhiệm vụ chính trị nội bộ, vừa bảo vệ an toàn, bí mật các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam. Đồng thời, Ban An ninh đã cung cấp, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang, hoạt động ngay trong lòng địch.


Cuộc đấu trí hết sức bản lĩnh, trí tuệ của các chiến sĩ, sĩ quan của Ban An ninh đã làm thất bại mưu đồ của cơ quan tình báo Mỹ tại miền Nam. Dù hoạt động công khai hay bí mật, các chiến sĩ an ninh tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Từ 15 năm khi thành lập, đến ngày thống nhất nước nhà, vai trò của Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, đã được Trung ương Đảng đánh giá rất cao. Do vậy, năm 1972 đồng chí được BCH Trung ương Đảng bầu là Ủy viên chính thức BCH Trung ương Đảng.


Những cống hiến lớn lao


Trong hơn 10 năm, ông là Trưởng Ban An ninh, người chỉ đạo mọi vấn đề về công tác quốc phòng và an ninh của miền Nam, đồng chí đã đem hết sức lực, trí tuệ của mình hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, nổi bật của Trung ương Cục miền Nam.


Điều không may, trong những hoạt động sôi nổi, bền bỉ của đồng chí, tháng 1/1974 trong một cơn bạo bệnh tại khu căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Phạm Thái Bường đã từ trần, hưởng dương 59 tuổi.


Đánh giá về người cộng sản trung kiên, mẫu mực của Đảng ta, trong mọi chiến trường, mọi tình huống, Điếu văn của BCH Trung ương Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ- thay mặt Bộ Chính trị, đọc trong lễ truy điệu ngày 6/2/1974: “Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo, lâu năm của Đảng, đồng chí luôn nêu cao tinh thần không ngại hy sinh, gian khổ; xông pha vào những nơi khó khăn nhất, linh hoạt quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống... Đồng chí Phạm Thái Bường không còn nữa, đó là một tổn thất lớn của Đảng ta, của Nhân dân ta, cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam yêu quý”.


Với những kinh nghiệm công tác cách mạng, đồng chí đã lãnh đạo công tác an ninh ở miền Nam đạt nhiều thành tích. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã góp phần mình trong sự lãnh đạo chung của Trung ương Cục, để lại những thắng lợi rất to lớn ở miền Nam.


Ngày nay, tại TP Vĩnh Long và TP Trà Vinh, hai con đường lớn tại trung tâm của hai thành phố đang được mang tên đường Phạm Thái Bường để ghi nhớ về một người con ưu tú của quê huơng Trà Vinh và Đảng bộ Vĩnh Trà trung dũng, kiên cường một thời là căn cứ vững chắc của cách mạng miền Nam.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất đồng chí Phạm Thái Bường (29/1/1974-29/1/2024), ngày 20/9, Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Phạm Thái Bường, người cộng sản trung kiên, mẫu mực của quê hương Trà Vinh anh dũng”.
Hội thảo nhằm làm rõ quá trình hoạt động cách mạng, những đóng góp to lớn của nhà cách mạng Phạm Thái Bường qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ... Qua đó, làm sáng tỏ phẩm chất đạo đức cách mạng, tôn vinh và khẳng định công lao, những cống hiến lớn lao của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Trà Vinh; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

ThS PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh