Bác Hồ thăm một đơn vị không quân.Ảnh: TL |
Sáng nay đứng bên bờ sông Hậu thuộc xã Tân Quới, huyện Bình Tân, không gian buổi sáng ở đây đang yên ắng bỗng vang lên tiếng trực thăng bay thấp. Nhìn lên trời thấy 3 rồi 4 chiếc trực thăng bay ở độ cao chừng 500m, trên không phận huyện Bình Tân, trực thăng đảo mấy vòng rồi sau đó lần lượt từng chiếc một hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ. Một lúc sau tiếp tục có một tốp trực thăng khác cất cánh… Thì ra đây là một trong những buổi huấn luyện của các biên đội trực thăng thuộc Trung đoàn Không quân 917 (hay còn gọi là Đoàn Không quân Đồng Tháp) đóng căn cứ tại sân bay Cần Thơ.
Đồng Tháp một tên gọi gần gũi, quen thuộc mà mọi người thường gọi là xứ sở Sen Hồng. “Từ khóa” Đoàn Không quân Đồng Tháp gợi ý cho tôi tìm đến quyển sách “Vĩnh Long anh hùng” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Vĩnh Long xuất bản năm 1996. Trong danh sách được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được in trong sách, tôi thấy có nhiều tập thể, cá nhân anh hùng thuộc tỉnh Đồng Tháp. Qua tìm hiểu được biết trong kháng chiến chống Mỹ có lúc một số địa phương của tỉnh Đồng Tháp ngày nay như các huyện Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung, TX Sa Đéc thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Trong danh sách cá nhân anh hùng tôi thấy có phi công Nguyễn Văn Bảy quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 1/1/1967. Viết về người phi công anh hùng “rặt chất phèn Nam Bộ” này, đã có nhiều nhà văn, nhà báo viết về ông, nhưng trong số này phải kể đến một nhà văn người quê Vĩnh Long đã bỏ công tiếp xúc và “cày xới miệt mài” trên mảnh đất văn chương để cho ra đời cuốn sách tựa đề: “Người anh hùng chân đất”- Đó là nhà văn Trúc Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, ông là người quê xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ. Nhà văn Trúc Phương vốn cũng là một người lính, ông từng là Đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang an ninh TX Vĩnh Long (1970); Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Vĩnh Long (1975). Hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.
Phi công Nguyễn Văn Bảy và nhà văn Trúc Phương gặp nhau như một cái “duyên” giữa người anh hùng và người nghệ sĩ. Họ có điểm chung là đều tham gia kháng chiến và nay đã nghỉ hưu. Nguyễn Văn Bảy tuổi đã trên 80, còn Nguyễn Minh Nghiệp (Trúc Phương) cũng đã sắp sửa 70 rồi! Một năm sau đó cuốn sách dày 400 trang theo thể loại truyện ký, nội dung chủ yếu dựa vào lời kể của phi công Nguyễn Văn Bảy và một số tư liệu khác mà nhà văn Trúc Phương dày công tiếp xúc, tìm thêm tư liệu đã được hoàn thành và xuất bản ra mắt bạn đọc vào tháng 4/2019.
Xin trích một đoạn trong cuốn sách “Người anh hùng chân đất” qua ngòi bút của nhà văn Trúc Phương để thấy phần nào cuộc đời và cá tính của phi công Nguyễn Văn Bảy thời trai trẻ “… Với phương châm “lấy cần cù bù thông minh”, Bảy tập trung học tập ngày đêm để không bị các bạn đồng học bỏ lại sau. Không có ai để nhớ.
Thật như là một ân huệ với Bảy lúc này. Không mất chút thời giờ nào cho công việc thương nhớ ai hết. Một ba lô rỗng, nhẹ tâng trên vai người lính Không quân chân đất. Người ta hay nói đến tâm hồn đa cảm. Những người mang tâm hồn ấy thường hay yêu đương, rắc rối. Lại hay suy nghĩ vẩn vơ, hay làm thơ làm thẩn.
Với Bảy thì tuyệt nhiên không có chuyện trai gái lôi thôi. Chỗ nào anh em đem chuyện yêu đương, trai gái ra bàn, Bảy chỉ biết nghe như nước chảy lá môn, trơn tuột, tâm hồn trấm tra trấm trất, không nghe cái món quyến rũ đối với cánh đàn ông trai tráng kia nó đọng lại giọt nào. Không phải Bảy không thích yêu thương, mà bởi vì Bảy không có rảnh để nghĩ đến và chạy theo nó.
Với lại, Bảy không phải đã từng sợ đôi chân thiên lý mã bị quấn bởi huyền mao đó sao, không từng cãi lại lệnh ông già để không phải cưới vợ đó sao, nên bây giờ dại gì Bảy lại vô ý đút đầu vào dây thòng lọng. Bảy tự biết mình không có năng lực và trí thông minh về việc học hành như bạn bè, nên phải tự biết thu vén, sắp xếp cho tâm hồn mình gọn nhẹ, bớt rườm rà, dễ đi, dễ đến.
Và chừng mực nào thì Bảy cũng đã cố gắng theo kịp bạn bè, mặc dù điểm số không cao, thường chỉ trung bình, còn có cả những môn trung bình kém nữa. Nhưng các thầy rất quý tính chuyên cần của Bảy, động viên Bảy cố học, đến một lúc nào đó sẽ đủ tự tin để cùng tiến như bạn bè. Trong các phần học, Bảy thích nhất là học chiến kỹ thuật không chiến. Ngày xưa trên ruộng, Bảy đã từng “đánh giặc” trên mặt đất. Bây giờ học cách đánh giặc trên trời, thật là sướng…”
Là một trong những người vinh dự nhiều lần gặp Bác Hồ, được Bác trao huy hiệu sau mỗi lần lập chiến công. Nhưng khi Nguyễn Văn Bảy với chiếc Mig-17 “cổ lỗ sĩ” không được trang bị radar và tên lửa không đối không, vũ khí chỉ gồm 1 pháo cỡ 37 ly với 40 viên đạn và 2 pháo cỡ 23 ly, mỗi khẩu mang theo 80 viên đạn, đương đầu với máy bay tiêm kích hiện đại của không quân Mỹ đông gấp bội, với sự thông minh, gan dạ, mưu trí ông đã bắn hạ 7 máy bay Mỹ.
Cũng chính Bác Hồ là người ra lệnh cho lãnh đạo Quân chủng Phòng không- Không quân không cho ông trực chiến bay chiến đấu mà lui về làm nhiệm vụ chỉ huy điều hành và huấn luyện, vì Bác lo nếu để ông tiếp tục lái máy bay chiến đấu, có thể ông sẽ bắn rơi máy bay địch nhưng có thể sẽ hy sinh!
Ngày 2/9/1969 Bác Hồ qua đời, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vinh dự được Quân chủng Phòng không- Không quân chọn tham gia đứng canh bên linh cữu Bác Hồ.
Ngày 9/9/1969, cũng chính ông là người lái chiếc máy bay Mig-17 dẫn đầu biên đội 12 chiếc Mig bay thấp ở độ cao khoảng 300m ngang qua Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người.
Ở cuối truyện, cái chất nông dân chân phèn của Nguyễn Văn Bảy lại hiện lên sau ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975: “…Hơn 20 ngày sau, nhận nhiệm vụ tiếp quản sân bay Cần Thơ, thu gom hàng trăm chiếc máy bay các loại từ các sân bay nhỏ của ngụy để đảm bảo công tác quản lý, với nhiều công việc chưa kịp đặt tên, Bảy mới thu xếp để về quê thăm mẹ, thăm ông ngoại của mấy đứa nhỏ và bà con quê nhà.
Bà mẹ ôm thằng con vào lòng mà không nói được lời nào. Hai mốt năm cho một lần mẹ con gặp mặt. Ông thân của Bảy lặng im nhìn Bảy với đôi mắt đợi chờ thằng con cứng đầu về lại quê nhà. Rời mẹ, Bảy bước lại bàn thờ cha. Anh thắp nén hương cho cha, ông nội, bà nội và nói lời xin lỗi.
- Con về rồi. Ba, ông nội, bà nội hãy về mà đánh đòn thằng Bảy hồi nào đi...
Đi ngang bộ ngựa gõ đen bóng, nhìn thấy cả hình mình trong ấy, chỗ nằm cúi cho ba đánh đòn ngày xưa, bất giác Bảy dừng lại, nhìn vào chiếc bóng của mình in trong nó, rồi khẽ buông người nằm lên, lăn nghiêng thân hình như cúi xuống đợi ông già cầm roi hỏi tội...
Bảy về Sài Gòn với những ngày bề bộn.
Và đi...
Rồi giúp bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, làm cho đất nước Campuchia hồi sinh…”
Lúc 21 giờ ngày 22/9/2019 ông qua đời tại Bệnh viện Quân y 175, hưởng thọ 84 tuổi.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy và nhà văn Trúc Phương. |
Nhắc lại câu chuyện của những người con quê hương Vĩnh Long- Đồng Tháp có duyên nợ được tiếp xúc, làm việc với nhau để ra đời tác phẩm kể về cuộc đời của một người thanh niên vùng ĐBSCL, trình độ mới lớp 3 nhưng sau những năm tháng miệt mài rèn luyện trong môi trường quân đội được sự chăm lo, giáo dục của Bác Hồ đã trở thành phi công chiến đấu, được tuyên dương danh hiệu anh hùng… vào dịp tròn 5 năm ngày phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy về với lòng đất mẹ (2019-2024), để tưởng nhớ về những đóng góp của người anh hùng chân đất đối với quê hương, dân tộc.
Tôn vinh bút lực dồi dào, đậm chất văn chương, chiêm nghiệm, giàu vốn sống của nhà văn- nhà thơ Trúc Phương, một người con của xứ sở Long Hồ. Cũng như gửi gắm niềm tin vào lớp phi công hậu duệ thuộc lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng với những cánh bay ngày đêm huấn luyện, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, biên giới, biển đảo quê hương.
Bài, ảnh: TRẦN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin