Kỳ 3: Những tỷ phú trên đồng phèn

01:06, 12/06/2024

Chạy dọc theo con đường nhựa cặp kênh "ông Kiệt", không khó để nhận thấy sức sống của một vùng NTM trải dài từ tỉnh An Giang xuống Kiên Giang. Từ cuộc sống bấp bênh nay người dân đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ biết cách "bắt" đất phèn…"đẻ ra tiền".
 

Từ những quyết tâm bám trụ, mạnh dạn khai phá vùng đất mới, ngày càng nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú giữa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Từ những quyết tâm bám trụ, mạnh dạn khai phá vùng đất mới, ngày càng nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú giữa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Chạy dọc theo con đường nhựa cặp kênh “ông Kiệt”, không khó để nhận thấy sức sống của một vùng NTM trải dài từ tỉnh An Giang xuống Kiên Giang. Từ cuộc sống bấp bênh nay người dân đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ biết cách “bắt” đất phèn…“đẻ ra tiền”.
 
Người hiểu tình đất
 
Tỷ phú đồng phèn là cách người dân ở đây gọi ông Nguyễn Lợi Đức- người làm giàu ngay trên vùng đất phèn chua ngày nào. Cùng ông Đức tham quan vườn chuối rộng hàng chục hecta đang vào độ thu hoạch, ông Đức ôn tồn kể cho chúng tôi về cái duyên của ông với vùng đất Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) này.
Linh hoạt tìm ra hướng đi riêng, ông Nguyễn Lợi Đức nổi danh khắp vùng với mô hình nông nghiệp sạch, khép kín “trồng chuối và nuôi bò”.
Linh hoạt tìm ra hướng đi riêng, ông Nguyễn Lợi Đức nổi danh khắp vùng với mô hình nông nghiệp sạch, khép kín “trồng chuối và nuôi bò”.
“Từ nhỏ tôi đã theo cha sinh sống ở Campuchia, đến năm 1973 mới về Việt Nam và lập gia đình vào năm 1978. Lúc đó, tôi sinh sống bằng nghề mua bán nhỏ, rồi mở vựa mắm tại Khánh An (huyện An Phú) cung cấp cho các vựa mắm lớn ở TP Châu Đốc. Đến năm 1981, tôi lại chuyển sang nuôi cá tra lồng bè. Khi con cá tra xuống dốc, tôi “lên bờ” tìm đến vùng kinh tế mới- xã Lương An Trà để khai phá ruộng đất, trồng lúa”- ông Đức nhớ lại.
 
Với số tiền tích lũy được, ông thuê người cải tạo đất. Chỉ đến khi con kênh T5 được vận hành, đất mới mang lại hoa lợi để ông có niềm tin và quyết định gắn bó lâu dài với vùng đất này. 
 
“Năm 1996, đất ở đây hoang hóa, đầy lau sậy, nhiễm phèn, đường sá không có, thiếu nước ngọt nên giá đất rất rẻ, chỉ chừng 1 triệu đồng/ha”. Cũng theo ông Đức, thời gian đầu cải tạo rất là khó khăn, nước dưới kênh là nước phèn, bơm nước lên ruộng thì bơm tới đâu là đóng vàng tới đó. “Qua năm thứ 2 thì kênh T5 đã thông rồi, có nước nên từ đó về sau cải tạo rất thuận lợi. Kinh nghiệm là phải đào kênh để xả phèn và dùng phân lân bón cho lúa, năng suất lúa nâng cao qua từng năm, khoảng 32 giạ/công”- ông chia sẻ. 
 
Từ đó nhiều bà con đến học hỏi, ông hết lòng chia sẻ, giúp cho nhiều người khai thác thành công. Thành công từ cây lúa gián tiếp giúp ông Đức khẳng định đồng đất Lương An Trà vẫn đầy tiềm năng. Từ đó, ông quyết định đầu tư mua thêm trên 1.000 công đất, nâng tổng diện tích lên 1.500 công. Đất được ông cải tạo dần để trồng lúa, đặc biệt là sản xuất lúa giống. Có những năm, ông cung cấp ra thị trường trên 10.000 tấn lúa giống.
 
Năm 2013, ông giảm việc sản xuất lúa giống chuyển hướng dần sang mở trang trại bò giống và thực hiện mô hình trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu trên diện tích hơn 50ha. “Một trong những điều giúp tôi thành công là tạo ra được nguồn thức ăn tươi ngon, đủ chất nhưng không tốn tiền nhờ tận dụng rơm rạ, thân chuối, quầy chuối bị lỗi để cho bò ăn”- ông Đức bộc bạch.
 
Cũng theo ông Đức, với sự tiến bộ của khoa học, nông dân không cần lo vùng đất này phèn hay xấu quá. Vấn đề là cần hiểu vùng đất này phù hợp với cây trồng, vật nuôi nào rồi vận dụng khoa học kỹ thuật phát triển nó theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao sẽ thành công. 
 
Đất không phụ lòng người
 
Rời xã Lương An Trà, chúng tôi tiếp tục hành trình đi dọc vùng Tứ giác Long Xuyên. Những cánh đồng lúa bạt ngàn xa tận chân đồi, thấp thoáng là luống dưa, ao nuôi cá, nuôi tôm nối dài, khung cảnh của vùng đất biên giới Tây Nam trù phú, bình yên.
 
Gặp được anh Phan Văn Bul (ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) một nông dân chân chất, có nụ cười sảng khoái. “Hồi ông nội vô đây, đất hoang hóa, chàm, năn và phèn chua dữ lắm. Cũng may có kênh T5 tháo chua, rửa phèn dẫn nước sâu vào nội đồng, đất ngày một tốt hơn, người ta trồng lúa năng suất năm sau cao hơn năm trước”.
 
Anh Bul cho biết, gia đình anh đã 3 đời làm nông trên mảnh đất này. Thế nhưng nhận thấy tìm năng kinh tế mà đất mang lại chưa được khai thác hết, năm 2010 anh lặn lội sang tận Đồng Tháp để tìm hiểu về kỹ thuật trồng dưa hấu trên đất lúa.
 
“Tui thấy người ta trồng dưa hấu, tui mê dữ lắm. Đất lúa mà trồng dưa hấu cực kỳ tốt, ngược lại sau vụ dưa mình trồng lúa năng suất cũng sẽ đạt cao hơn. Lượng phân bón lúa cũng giảm đi, nhờ tận dụng được phân dư thừa sau vụ dưa”.
 
Nhờ chăm chỉ cùng kỹ thuật chăm sóc được tích lũy sau nhiều năm vun trồng và tính toán kỹ lưỡng về thời gian, mỗi năm anh Bul có thể sản xuất 6 vụ dưa trên đất lúa.
 
Nhờ chí thú làm ăn, anh Phan Văn Bul (bên trái) cũng có doanh thu tiền tỷ mỗi năm với phương thức canh tác trồng dưa hấu luân canh trên đất lúa.
Nhờ chí thú làm ăn, anh Phan Văn Bul (bên trái) cũng có doanh thu tiền tỷ mỗi năm với phương thức canh tác trồng dưa hấu luân canh trên đất lúa.
“Tui có 60 công đất trồng dưa xong tui cho thuê để người ta trồng lúa, sau đó trồng dưa cứ như vậy luân phiên. Bên cạnh đó, tui thuê vài trăm công đất để trồng dưa. Cứ canh thời gian gieo trồng và xử lý trái, tui có dưa bán quanh năm cho lái riết thành quen không sợ ế hàng”.
 
Tiêu chuẩn để anh Bul chọn đất thuê là đất vừa kết thúc vụ lúa có vị trí cao, nhanh rút nước, cập lộ cho tiện việc vận chuyển. “Người ta trồng lúa có 3 vụ, được mùa được giá thì chỉ lợi nhuận khoảng 2 triệu/công. Còn tui trồng dưa đến 6 vụ/năm, 1 công dưa mà trúng mùa trúng giá thì lãi khoảng 10 triệu đồng, còn trung bình cũng 5-6 triệu đồng. Làm ăn được, tui chỉ dẫn cho anh em, họ hàng chuyển sang trồng dưa nhiều lắm”.
 
Mô hình nuôi trồng khép kín của ông Đức hay trồng dưa luân canh trên đất lúa của anh Bul là minh chứng cụ thể về vùng đất đã được hồi sinh, đẻ ra tiền, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội, quê hương thay đổi.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN ANH
>> Kỳ cuối: "Đất nhờ người có tên"
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh