Chiến thắng Cái Sơn

09:06, 16/06/2024

Cách đây 64 năm, giữa lúc cách mạng ở miền Nam Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn, Nhân dân Vĩnh Long nằm trong sự kìm kẹp gắt gao của chính quyền, quân đội Sài Gòn mà sau này khi tổng kết các giai đoạn chiến lược, các nhà phân tích cho rằng giai đoạn 1954-1960, Mỹ- Diệm tiến hành kiểu "chiến tranh một phía", lúc này các lực lượng bảo an tức "địa phương quân" và dân vệ tức "nghĩa quân" chịu trách nhiệm "an ninh lãnh thổ", và đặt trực thuộc Bộ Nội vụ.

 

 Tượng đài Chiến thắng Cái Sơn được đặt ven Lộ 16 (nay là ĐT905) trên phần đất thuộc Khu trù mật Cái Sơn cũ.
Tượng đài Chiến thắng Cái Sơn được đặt ven Lộ 16 (nay là ĐT905) trên phần đất thuộc Khu trù mật Cái Sơn cũ.

Cách đây 64 năm, giữa lúc cách mạng ở miền Nam Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn, Nhân dân Vĩnh Long nằm trong sự kìm kẹp gắt gao của chính quyền, quân đội Sài Gòn mà sau này khi tổng kết các giai đoạn chiến lược, các nhà phân tích cho rằng giai đoạn 1954-1960, Mỹ- Diệm tiến hành kiểu “chiến tranh một phía”, lúc này các lực lượng bảo an tức “địa phương quân” và dân vệ tức “nghĩa quân” chịu trách nhiệm “an ninh lãnh thổ”, và đặt trực thuộc Bộ Nội vụ.

Từ đó, giai đoạn này còn được gọi là “chiến tranh cảnh sát”. Tổng thống Ngô Đình Diệm tập trung lực lượng tiêu diệt phong trào và lực lượng cách mạng; liên tiếp tổ chức 4 chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” hết sức dã man, tàn ác với khẩu hiệu “thà giết lầm hơn bỏ sót”; ban hành Luật 10/59; lê máy chém đi khắp miền Nam. Chúng rêu rao “Luật mười năm chín ra đời/ Ai theo cộng sản thì rơi cái đầu”. Các nhà tù chật ních cán bộ chiến sĩ và Nhân dân nòng cốt cách mạng, kể cả những người chúng nghi ngờ hoạt động cho “cộng sản”.

Nâng “tố cộng diệt cộng” lên thành chiến lược. Để bổ sung cho chiến lược này, Diệm ban hành chủ trương xây dựng khu dinh điền và khu trù mật. Mục đích của khu trù mật là tách dân ra khỏi cách mạng, dùng dân loại C, loại D để kìm kẹp dân loại A, loại B. Mục tiêu là tiêu diệt lực lượng cách mạng, làm nhũn ý chí, tinh thần đấu tranh của người dân.

Ở Vĩnh Long, kế hoạch lập khu trù mật được đích thân Ngô Đình Diệm phê duyệt với 2 khu trù mật là Cái Sơn và Cái Dầu; giao Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba trực tiếp chỉ huy, điều hành xây dựng.

Khu trù mật Cái Sơn được xây dựng trên đồng ruộng, nằm cặp Lộ 16, là con lộ chạy dọc theo Kinh Xáng vừa được nâng cấp rải đá, mặt đường cao, địa hình trống trải. Địa đoạn từ Ba Càng đi TT Tam Bình, cách QL4 nay là QL1 khoảng 4km và cách quận lỵ Tam Bình 8km về hướng Đông thuộc xã Song Phú.

Đây là nơi trung tâm tiếp giáp các xã như Mỹ Lộc, Loan Mỹ, Mỹ Thạnh Trung và Ngãi Tứ. Với chiều dài 2km dọc lộ và chiều sâu 1km. Từ tháng 7/1959, địch đưa lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát hành quân lùng sục, đánh dạt lực lượng cách mạng ra xa; bắt dân làm xâu, nhổ lúa, đào kinh phân lô, đắp nền nhà.

Chúng dự định gom vào đây 4.000 hộ gia đình dân thuộc 4 xã trên và của cả quận Tam Bình. Ngay từ khi mới khởi công, địch đã vấp phải sự chống đối của người dân, số có đất đai, ruộng lúa thì đòi bồi thường. Tráng đinh từ 18-45 tuổi ở khắp các xã bị bắt làm xâu. Mỗi người phải đi làm 10 ngày, cơm nước, phương tiện, dụng cụ lao động đều phải tự lực.

Dân nghèo không có gạo ăn, số đông trốn tránh, giả đau bệnh, số bị bắt buộc thì đòi phải có cơm ăn mới đi làm xâu. Nhưng với chủ trương của Diệm là “Phá nhà, phá vườn rẫy, lấy đất ruộng, bắt xâu, không bồi thường cho ai cả”. Số bị bắt buộc vào khu trù mật cất nhà ở, người dân gọi là “quy khu” thì chống đối, không chịu dỡ nhà, bọn lính phải thúc ép, bắt buộc dân phải dỡ nhà vào khu.

Nhân dân sục sôi căm thù, có bà má uất ức cầm dao chém tên cảnh sát đến dỡ nhà, bà bị quy tội là “Cộng sản” và bị bắt tù đày. Đến tháng 5/1960, với sự chỉ huy ráo riết của Tỉnh trưởng, dưới nòng súng binh lính, Khu trù mật Cái Sơn cũng cơ bản hoàn thành việc đào đắp. Khưu Văn Ba thường xuyên xuống đốc thúc để kịp ngày Tổng thống Diệm xuống khánh thành.

Từ khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết số 15, Nhân dân phấn khởi “Đảng cho đánh rồi”, khắp các xã, huyện bắt đầu hình thành lực lượng vũ trang bí mật hoạt động diệt ác bảo vệ Nhân dân. Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt từ đơn vị Liên quân giáo phái, đến tháng 8/1957 trở thành đơn vị vũ trang tuyên truyền của Đảng, do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo nhiệm vụ chiến đấu.

Tiểu đoàn được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ diệt ác ôn và đơn vị ác ôn làm đòn xeo đưa phong trào quần chúng nổi dậy chuẩn bị đồng khởi. Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt phải tiêu diệt Khưu Văn Ba để hỗ trợ quần chúng vùng lên phá rã khu trù mật này.

Nhận được mệnh lệnh, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt xây dựng quyết tâm kiên quyết khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Quyết tâm đó được quán triệt sâu sắc trong cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn, thể hiện xuyên suốt trong quá trình tổ chức chuẩn bị chiến đấu cũng như trong quá trình chiến đấu.

Tháng 5/1960, Tiểu đoàn đưa Đại đội 256 về đứng chân khu vực Đồng Đế, tổ chức điều nghiên địa hình lên kế hoạch chiến đấu. Địch phát hiện đưa một lực lượng lớn tiến công vào khu vực bộ đội ta đóng quân.

Trận chiến đấu diễn ra ác liệt. Lực lượng ta bị thương 2 đồng chí (trong đó có đồng chí Năm Lê Minh, Chính trị viên đại đội); lực lượng ta giữ vững được trận địa nhưng phải rút quân trở về Bắc QL4. Giữa tháng 6/1960, tiếp tục thực hiện quyết tâm, Đại đội 256 đưa quân trở lại Nam QL4 chuẩn bị trận chiến trường.

Chiều ngày 15/6, được cơ sở báo cáo Tỉnh trưởng cùng một số tên tùy tùng vào ngày 16/6/1960 sẽ xuống kiểm tra khu trù mật. Được tin đó, anh Ba Thuận- Đại đội trưởng mời cán bộ đại đội, trung đội đến họp bàn bạc bổ sung nhiệm vụ từng phân đội, tổ chức hiệp đồng trận đánh. Trong cuộc họp có anh Năm Giao- Bí thư xã Song Phú, tham dự và đảm nhiệm việc phối hợp cơ sở báo tin, truyền tin.

Sau khi đơn vị được quán triệt lại nhiệm vụ, đội hình chiến đấu chia thành 3 bộ phận:

Bộ phận chủ yếu: 10 người, do anh Phạm Phi Hùng (tức Tám Chè), Đại đội phó chỉ huy, được tăng cường 2 khẩu trung liên, còn lại tiểu liên súng trường. Các anh phải vượt Kinh Xáng, vượt Lộ 16, ém quân trên một cụm gò tranh nhỏ giữa đồng trống, cách cống Cây Sao khoảng 70m. Đây là cách bố trí đội hình hết sức táo bạo.

Nếu chưa đến thời gian nổ súng, mà địch phát hiện thì hết sức nguy hiểm vì bộ phận này phải chiến đấu đơn độc trong điều kiện địa hình không thuận lợi, đường rút quân phải vượt qua lộ, qua kinh là nơi địch đang chiếm lợi thế. Khi phát hiện mục tiêu phải tính toán thời gian, nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh mặt lộ, nổ súng chính diện, xung phong tiêu diệt địch rồi nhanh chóng vượt Lộ 16, vượt Kinh Xáng rút về hướng Nam.

Điểm bố trí lực lượng này bất ngờ lớn đối với địch. Sau này khi Trung tá Nguyễn Văn Phước- Tỉnh trưởng Vĩnh Long, báo cáo diễn biến trận đánh này về Phủ Tổng thống ngụy, chúng vẽ sơ đồ cho rằng lực lượng “Cộng sản” từ Nam bờ Kinh Xáng bắn qua, chứ không phải từ hướng Bắc Lộ 16 đánh xuống.

Bộ phận chặn viện 1: gồm 16 người, do anh Nguyễn Văn Mẫn, tức Hai Lọ, Đại đội phó chỉ huy sử dụng trang bị sẵn có. Bố trí Nam Kinh Xáng, gần khu trù mật, có nhiệm vụ đánh vào xe hộ tống và lực lượng địch từ khu trù mật chi viện ra. Bố trí đội hình bộ phận này phải tính toán vừa nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh tuyến bờ Kinh Xáng, vừa phải nổ súng chặn được xe hộ tống ngay khi bộ phận chủ yếu nổ súng vào mục tiêu chính tức xe chở Tỉnh trưởng.

Bộ phận chặn viện 2: gồm 20 người, do anh Trần Văn Lễ, tức Ba Thuận, Đại đội trưởng chỉ huy, tăng cường một trung liên, còn lại súng trường. Bố trí Nam Kinh Xáng, gần ngã ba Thợ Ty. Có nhiệm vụ khống chế lực lượng bảo vệ của địch ở ngã ba Thợ Ty xuống chi viện. Bố trí lực lượng này phải hết sức bí mật, vừa đảm bảo bám sát đội hình số quân địch nằm đường ở ngã ba Thợ Ty, vừa phải khống chế được số này, không cho chúng chi viện cứu nguy cho xe của Tỉnh trưởng.

Hoàn thành mọi công tác tổ chức chuẩn bị, các bộ phận tổ chức hành quân chiếm lĩnh trận địa, tổ chức đào công sự, ngụy trang. Trời chưa sáng, bộ đội xuống công sự làm nhiệm vụ vừa quan sát phát hiện mục tiêu, vừa canh gác lính tuần tra.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 16/6/1960, địch cho rải quân nằm dọc Lộ 16 như cầu Sập, ngã ba Thợ Ty, cầu Rạch Rừng. Ban chỉ huy nhận định địch sẽ xuống nên chúng mới bố trí đội hình bảo vệ nghiêm ngặt như vậy. Mũi trưởng từng mũi ra lệnh luôn quan sát và sẵn sàng nổ súng diệt địch.

Đến khoảng 7 giờ 30 phút, anh Hai Y, cơ sở mật trong nội ô, chạy chiếc xe Mobylette ngang cống Rạch Rừng báo tin cho liên lạc chỉ có tên Tỉnh phó xuống, không có tên Tỉnh trưởng.

Anh em trong mũi chủ yếu hội ý, nhất trí chờ đánh tên Tỉnh trưởng, vì Tỉnh ủy giao nhiệm vụ và đơn vị đã quyết tâm diệt cho được tên Tỉnh trưởng. Nếu hôm nay tên Tỉnh trưởng không xuống thì đến tối sẽ lấp công sự, rút quân chờ dịp khác. Thời gian chầm chậm trôi qua dưới cái nắng gay gắt giữa đồng ruộng, các anh phải nằm ém quân dưới công sự chờ từng phút từng giờ.

Khoảng 14 giờ, anh Hai Y chạy xe ngang báo tin: “Tỉnh trưởng xuống tới Ba Càng, hắn đi trên chiếc xe Dodge màu trắng, chuyến đi có xe chở lính theo hộ tống”. Được tin trên các anh em bộ đội vô cùng phấn khởi và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một lần nữa các anh hội ý và đi đến quyết định chờ cho tên Tỉnh trưởng quay trở về, khi đó bọn lính sẽ có nhiều chủ quan, sơ hở hơn.

Khoảng 15 giờ xe hộ tống và xe chở Tỉnh trưởng đi ngang qua trận địa an toàn. Đến khu trù mật, Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba đắc chí với kế hoạch xây dựng sắp hoàn thành. Tỉnh trưởng vừa đi kiểm tra xung quanh vừa huênh hoang nói rằng “Chừng nào gà có mọc răng Việt cộng mới đánh phá nổi khu trù mật này”.

Tổ trung liên được lệnh xuất phát. Từng “bụi cỏ” di động rời công sự ẩn nấp tiến dần ra lộ. Còn lại 7 đồng chí hồi hộp chờ đợi.

Chưa có lệnh thì không thể rời công sự ẩn nấp được. Vì từ công sự ra lộ chỉ hơn 70m, đồng ruộng trống trải, cỏ mọc lưa thưa, từ xa dễ dàng quan sát. Nếu kẻ địch phát hiện được có dấu hiệu khả nghi, địch dừng lại cho bọn lính bảo vệ lên trước lùng sục thì nguy hiểm vô cùng. Lực lượng ta có 10 anh em trong khi địch có cả trung đội đang cơ động bằng xe trên lộ, chúng đang có lợi thế là trang bị mạnh, cơ động nhanh, tầm quan sát rộng.

Kiểu bố trí đội hình này các anh gọi là “chiến thuật đội mồ”, nhưng thực chất là bí mật phục kích, các anh ém quân từ sáng đến chiều trong công sự có ngụy trang khi thời cơ đến thì “giở nắp mồ” bật lên chiến đấu.

Vị trí bố trí mũi chủ yếu này hết sức nguy hiểm. Vì lực lượng bộ đội quá ít, khi nổ súng phải diệt được mục tiêu. Đường rút phải vượt qua mục tiêu rồi vượt Lộ 16, vượt Kinh Xáng. Do vậy buộc phải thắng, các mũi khác phải kìm chân được lực lượng chi viện của địch. Vì nếu không thắng, không kìm chân được bọn địch chi viện thì đội hình rút của bộ đội khi vượt lộ, vượt kinh là phơi lưng trước nòng súng địch.

Khi chiếc xe chở Tỉnh trưởng đi đầu chạy chậm khi đến ổ gà trên lộ ngay cống Cây Sao. Loạt đạn trung liên nổ giòn. Chiếc xe trúng đạn, tài xế bị thương, chiếc xe chồm lên rồi chúi đầu bên lề lộ. Anh Tám Chè chỉ huy mũi dõng dạc ra lệnh: “Xung phong!”, đồng loạt các anh bộ đội bật dậy khỏi công sự như những mũi tên lao thẳng vào mục tiêu.

Khưu Văn Ba, Tỉnh trưởng Vĩnh Long, cùng 3 tùy tùng vội vã mở cửa xe nhảy xuống mương nước ngay miệng cống Cây Sao tránh đạn.

“Tất cả giơ tay lên. Đầu hàng là sống, chống cự là chết”. Khẩu lệnh đanh gọn của các anh bộ đội được phát ra. Ba tên tùy tùng lập cập giơ tay khỏi đầu, tên cao to, bụng phệ còn lại cố bường chạy. Không thể trì hoãn thời gian, 3 khẩu súng cùng hướng vào một mục tiêu. Khưu Văn Ba bị tiêu diệt. Ba tên tù binh được dẫn giải vượt lộ, vượt kinh rời khỏi trận địa.

Gần như cùng lúc với tiếng súng nổ ở cống Rạch Rừng, bộ phận chặn viện thứ nhất do anh Hai Lọ chỉ huy, nổ súng vào chiếc xe chở bọn lính hộ tống khi nó chưa kịp chồm lên dốc cầu Rạch Rừng. Từng loạt đạn trung liên đầy uy lực bắn thẳng vào xe bọn lính. Theo quán tính, bọn lính nằm rạp xuống sàn xe tránh đạn. Tài xế gài số, xe chạy giật lùi cố tránh làn đạn càng xa, càng tốt, bỏ mặc quan thầy đang gặp hiểm nguy phía trước.

Nghe tiếng súng nổ ở mũi chủ yếu, anh Ba Thuận chỉ huy bộ phận chặn viện 2, ra lệnh nổ súng vào đội hình bọn lính nằm đường đang chốt ở ngã ba Thợ Ty. Bị đánh bất ngờ, bọn này tán loạn lo né tránh, chống trả, không dám “phơi lưng trên lộ” để cứu nguy cho đoàn xe quan thầy.

Sáng ngày hôm sau khi gia đình của hai vị Trưởng ty và vị Chủ sự hành chánh tìm xuống nơi xảy ra trận đánh để hy vọng tìm xác các người này về chôn cất thì từ hướng nhà thờ Phú Yên, Thầy Năm chở 3 người này trên 1 chiếc xuồng cặp vào bên Lộ 16 đưa 3 người này lên bờ.

Niềm vui mừng những tưởng trong mơ khiến những giọt nước mắt lăn dài trên má của những người thân và cả của 3 người vừa được cách mạng khoan hồng, tha bổng. Trong lễ tang của Khưu Văn Ba, 3 người này nói lên sự thật về việc được các anh bộ đội cách mạng cứu sống khi lội qua kinh xáng bị “chết thụt”, các anh đã lặn xuống đẩy chân cho họ vào đến bờ an toàn.

Một người trong bọn họ nói “Tôi tên Trần Văn Trị, làm Trưởng ty Thông tin Vĩnh Long, được các anh bộ đội giải phóng miền Nam giải thích chỉ dẫn rõ ràng chủ trương của Đảng Lao động là đem lại hạnh phúc cho Nhân dân khiến tôi thức tỉnh, hối hận vì đã làm điều tội lỗi, theo lời đồn đãi tuyên truyền của Mỹ- Diệm. Hôm nay gặp các anh tôi mới thấy rõ bộ đội miền Nam hết sức tử tế, khoan hồng chỉ muốn giác ngộ cho tôi”.

Tên Khưu Văn Ba bị tiêu diệt, bọn tay sai nhũn chí, bọn ác ôn chùn bước, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, lo sợ nói với nhau: “Tỉnh trưởng mà còn bị giết huống hồ bọn mình”, “Việt cộng có tài xuất quỷ nhập thần, thôi thì trời kêu ai nấy dạ”.

Trận đánh góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân vùng lên phá khu trù mật của Nhân dân Vĩnh Long nói riêng và cả miền Nam nói chung, làm cho địch hoang mang, mất lòng tin vào hiệu quả chính sách “gom dân tát nước bắt cá” của Ngô Đình Diệm; góp phần phá rã chương trình xây dựng khu trù mật. Đến tháng 8/1960, “Tổng thống Việt Nam cộng hòa” Ngô Đình Diệm tuyên bố tạm ngừng xây dựng các khu trù mật.

Chiến thắng Cái Sơn tạo thế chính trị ngày càng đi lên trong các tầng lớp nhân dân, tạo đà cho cuộc nổi dậy trong phong trào Đồng Khởi 14/9/1960 của quân và dân tỉnh Vĩnh Long; là một điểm son trong lịch sử đấu tranh vũ trang của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và của phong trào cách mạng miền Nam nói chung.

Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long. Các kinh nghiệm này được áp dụng ngay cả trong chiến tranh chống Mỹ (như trận đánh ở Liên tỉnh lộ 8 lực lượng bộ đội Tiểu đoàn 857 cũng có thế bố trí gần giống như trận này) và có thể vận dụng trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân hiện nay.

Bài, ảnh: ĐẶNG VĂN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh