Kỳ 2: Những chồi xanh trên kết cấu thép

11:06, 19/06/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh- người thủy thủ danh dự số một của quân chủng hải quân đã từng căn dặn: "Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của Nhân dân".

[links()]

(VLO) Chủ tịch Hồ Chí Minh- người thủy thủ danh dự số một của quân chủng hải quân đã từng căn dặn: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của Nhân dân”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, các cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cụm Dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật (gọi tắt là DK1) trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã vượt qua muôn trùng khó khăn, vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn và đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống bộ đội và nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Công tác tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm phong phú phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội hải quân được xem như là... “một kỳ tích” vì phải canh tác ở một nơi bốn bề là đại dương mênh mông, cách đất liền hàng trăm hải lý (1 hải lý = 1,852km), điều kiện thời tiết thừa nắng gió, muối mặn, lại thiếu nước ngọt và thiếu đất sản xuất...

Song, chính nhờ bàn tay khéo léo vun trồng, chăm sóc của những người lính cụ Hồ, từ trong gian khó, những mầm xanh đã không ngừng vươn mình sinh sôi, nảy nở, tạo nên sức sống mới, niềm tin mới nơi trùng khơi.

Vươn mình trong nắng gió, biển mặn

Được thành lập từ ngày 5/7/1989, Tiểu đoàn DK1 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) có hệ thống các Nhà giàn DK1 trên biển. Đối mặt với “nắng cháy da, gió rát mặt, mưa bão triền miên”, nhưng những người lính hải quân vẫn ngày đêm trực canh quan sát, vững tay súng, chắc chân sóng bảo vệ vùng biển. Đồng thời, thiết lập cuộc sống “tự lực trên sóng”.

Một góc Nhà giàn DK1/21 (cụm Ba Kè).
Một góc Nhà giàn DK1/21 (cụm Ba Kè).

Trước đây, lương thực từ đất liền đem ra chủ yếu là gạo, muối, lương khô và thịt hộp... Riêng rau xanh được xem là “hàng hiếm” vì mỗi năm chỉ có vài chuyến tàu ra thăm nhà giàn, thời gian di chuyển phải mất vài ngày, mà rau xanh thì không thể dự trữ lâu.

Thiếu rau xanh, dẫn tới cơ thể bộ đội bị thiếu chất, đề kháng yếu... Điều này đã đặt ra “bài toán” là làm thế nào để “trồng rau xanh giữa đại dương đầy nắng gió và muối mặn”.

Thông qua đề xuất “xin chuyển đất ra nhà giàn” của bộ đội hải quân, những bao đất đầu tiên đã theo những chuyến tàu “rẽ sóng, vượt gió” đến với nhà giàn. Và cứ thế, trong những chuyến ra thăm nhà giàn tiếp theo lại có thêm vài bao đất, vài chậu nhựa cùng những túi hạt giống... để các anh tăng gia.

Trong những năm đầu đầy gian khó ấy, nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm, cả nhà giàn chỉ có vài chục khối nước dự trữ ăn uống, tắm giặt trong 6 tháng mùa khô. Với ngần ấy nước để nấu ăn, rửa mặt còn... thiếu thốn, thì việc tắm giặt, tưới rau... đã trở thành chuyện không tưởng.

Để giải “bài toán” nước sinh hoạt và tưới rau, chỉ huy nhà giàn ra quy định: “Mỗi người 10 lít nước/tuần, tắm 2 lần” và “phát ra 10 lít, thu về 4 lít”.

Bộ đội nhà giàn còn nảy sinh ra sáng kiến... “tắm kiểu em bé”. Tức là, ngồi vào chậu lớn, dội nước lên đầu cho ướt cả người rồi kỳ cọ, nhưng không được dùng dầu gội đầu và xà bông, để... tận dụng phần “nước đặc biệt” này cho việc tưới rau.

Nhờ được “tắm mát” từ những giọt nước ngọt hiếm hoi giữa trùng khơi, mà nhiều loại rau phổ biển như ở đất liền, gồm: mồng tơi, rau muống, rau mùi, cải, ớt... đã sinh sôi, nảy mầm, vươn mình trong nắng gió, biển mặn.

Nhà giàn đứng chân giữa trùng khơi, thời tiết khắc nghiệt, đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây trồng.

Trên thực tế, việc trồng rau ở nhà giàn là cả một hành trình đầy gian khó. Mỗi lần có đoàn ra thăm nhà giàn chỉ đem theo được vài bao đất, nguồn nước ngọt cũng không dồi dào như ở đất liền.

Không những vậy, muối từ dưới biển thổi lên dễ làm hư lá, chết cây, rau non cấy lên cũng bị giập, gãy gốc... Bộ đội nhà giàn phải dùng lưới che chắn cẩn thận để tránh... sóng biển mặn, gió táp và nắng thiêu.

Theo Trung sĩ Nguyễn Hữu Thắng- Nhà giàn DK1/9, Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, bàn tay con người mới là yếu tố quan trọng nhất để cho các vườn rau phát triển xanh tốt.

Còn theo Hạ sĩ Phạm Văn Nhân- Nhà giàn DK1/21, việc trồng rau ở nhà giàn cũng có lợi thế riêng. Đó là, không có sâu bệnh nên rau rất tươi ngon và nhờ được nuôi trồng hữu cơ nên đảm bảo cho sức khỏe bộ đội hải quân.

Lính nhà giàn chăm sóc vườn tăng gia rất kỹ từ khâu chuẩn bị đất, phơi đất, bổ sung phân bón, chọn loại cây giống phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết. Vườn rau ở giữa đại dương, nên cũng được chăm sóc theo cách khá đặc biệt.

Để rau xanh tốt, các anh em thường chôn dưới đáy khay một lớp cá kìm. Sau đó, rải lên trên một lớp rác hữu cơ là những cọng rau, vỏ các loại củ quả...

Trên cùng là lớp đất đã được xử lý trộn cùng một tỷ lệ phân vô cơ hợp lý. Để có nước tưới rau phải tận dụng nước vo gạo, nước rửa thực phẩm... và nước sinh hoạt. Theo đó, lượng nước “phát ra, thu vào” dùng cho sinh hoạt phải đảm bảo chỉ tiêu, nhằm đáp ứng đủ nước cung cấp cho rau tăng trưởng.

Qua nhiều năm “trồng rau trên sóng”, bộ đội hải quân đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Đó là, chọn trồng các giống rau xanh theo thời tiết và “mùa nào thức ấy”.

Đặc biệt, vào mùa mưa bão hay khí hậu gió mùa, nồng độ muối trong hơi nước tăng cao dễ làm rau chết, khi đó vườn rau phải được chuyển tới nơi kín đáo, khuất gió.

Cùng với việc trồng trọt, lính nhà giàn còn chăn nuôi heo, gà, vịt và đánh bắt hải sản để tạo nguồn thực phẩm phong phú. Các chuồng chăn nuôi được đầu tư với vật liệu bằng kim loại, cứng cáp, bền và che chắn cẩn thận.

Phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, bất chấp gió bão”, những người lính cụ Hồ vẫn miệt mài chăm sóc những luống rau.

Từ chính sự lao động cần cù, sáng tạo của bộ đội hải quân, đến nay các Nhà giàn DK1 không những cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày, mà còn dành một phần hỗ trợ cho CBCS của các tàu trực, làm nhiệm vụ trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/21 tăng gia sản xuất.
Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/21 tăng gia sản xuất.

Đại úy Thang Huy Nam- Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Nhà giàn DK1/21, cho biết: Nhà giàn luôn đảm bảo chế độ tiêu chuẩn, định lượng ăn cho bộ đội. Đồng thời, tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn và nâng cao đời sống bộ đội.

Theo đó, năm 2023 đã tăng gia sản xuất rau xanh đạt 1.674kg, cá 1.673kg, giá đỗ 386kg, tàu hủ 130kg. Chỉ tiêu tăng gia đạt 1,85 triệu đồng/người/năm.

Cũng trong năm qua, Nhà giàn DK1/21 cấp hỗ trợ cho ngư dân 15.000 lít nước ngọt, 50kg gạo, 20 lít dầu ăn. Con số này tuy không lớn là bao so với đất liền, nhưng giữa trùng khơi, thì nó có ý nghĩa rất lớn.

Xanh giữa trùng khơi

Hoạt động tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống được đẩy mạnh thực hiện và ngày càng lan tỏa. Đến nay, màu xanh mát của những vườn rau đã hiện diện trên khắp các Nhà giàn DK1. Đây được xem là công trình sáng tạo, độc đáo của lính nhà giàn.

Trên thực tế, trong thiết kế xây dựng các “pháo đài thép canh biển” không có khu vực tăng gia. Song, những người lính cụ Hồ đã rất sáng tạo và linh hoạt.

Trong không gian chật hẹp chỉ vài chục mét vuông, bộ đội nhà giàn đã tận dụng tối đa diện tích để tăng gia sản xuất, chủ động trong việc tạo nguồn thực phẩm từ việc chăn nuôi, đánh bắt hải sản và trồng rau xanh để tạo nguồn thực phẩm phong phú, cải thiện chất lượng bữa ăn. Đây là cả sự nỗ lực, cố gắng rất lớn.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các nhà giàn bây giờ được xây mới khang trang, chắc chắn hơn. Bộ đội hải quân đã tận dụng các nhà giàn cũ làm nơi tăng gia, để đảm bảo vệ sinh, tách biệt với nhà giàn thế hệ mới.

Chiến sĩ nhà giàn bây giờ cũng không còn... “tắm kiểu em bé” vì đã có hàng trăm khối nước dự trữ, các cây rau cũng được tắm tưới bằng nước mưa dự trữ.

Các chiến sĩ chia sẻ, trồng rau là cách giải tỏa tinh thần hữu hiệu. Chăm chút từng cây rau như chăm sóc người thân, vừa giúp các anh em vơi đi nỗi nhớ gia đình và quê nhà, mà còn tạo niềm vui cho các anh em sau những giờ huấn luyện căng thẳng.

Theo Đại úy Trần Hùng Sơn- Quân y Nhà giàn DK1/21, tất cả chiến sĩ ngoài thời gian huấn luyện, đều tận dụng thời gian nghỉ ngơi để tăng gia. Đồng thời, phát huy mỗi cá nhân đều trồng được một mầm xanh để cho mình sử dụng.

“Song song với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đã triển khai các nội dung về công tác hậu cần tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, bữa ăn cho bộ đội”- Đại úy Trần Văn Thanh- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/21, chia sẻ và thông tin: Trong năm qua, đơn vị đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu hậu cần. Qua đây, không chỉ giúp CBCS hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mà còn phải đảm bảo sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.

Nhờ bàn tay chăm sóc khéo léo của những người lính cụ Hồ, vườn tăng gia trên những Nhà giàn DK1 đã “bất chấp gió bão, muối mặn” với những chồi xanh tươi tốt vươn mình giữa trùng khơi.

Đối với bộ đội hải quân, mỗi bình minh thức giấc được nghe tiếng gà gáy sáng, nhìn những vườn rau không ngừng đâm chồi, nảy lộc trên những “pháo đài thép canh biển”, đã tiếp thêm cho CBCS nơi đây ý chí, niềm tin và nghị lực đối mặt trước hiểm nguy, làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó.

Kỳ cuối: Kiên định nơi “đầu sóng ngọn gió”

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh