Lan tỏa tình yêu nghề với những "Viên phấn vàng" 9X

07:11, 20/11/2023

Danh hiệu "Viên phấn vàng" dành cho giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên, là người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức; là những người luôn nghiên cứu để có những sáng kiến hay, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành. Và, các thầy cô cũng là những tấm gương lan tỏa tình yêu nghề giáo.

Danh hiệu “Viên phấn vàng” dành cho giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên, là người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức; là những người luôn nghiên cứu để có những sáng kiến hay, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành. Và, các thầy cô cũng là những tấm gương lan tỏa tình yêu nghề giáo.

Điểm đặc biệt trong 34 giáo viên ngành giáo dục (GD) Vĩnh Long được vinh dự nhận danh hiệu “Viên phấn vàng” năm 2023 là sự xuất hiện của những thầy cô giáo trẻ. Đó là những đảng viên trẻ 9X với tình yêu nghề, sự đam mê học tập và sáng tạo không ngừng đáp ứng những chương trình, giai đoạn GD khác nhau. Các thầy cô đã lan tỏa đến cho đồng nghiệp của mình lòng yêu nghề, mến trò góp sức cho sự nghiệp phát triển GD là quốc sách hàng đầu.

Kỳ 1: Cô Thạch Thị Dàng- “ươm mầm” hiếu học cho học trò vùng sâu

Với cô Thạch Thị Dàng, học sinh lớp 1 như tờ giấy trắng, cần được dạy chữ và dạy người.
Với cô Thạch Thị Dàng, học sinh lớp 1 như tờ giấy trắng, cần được dạy chữ và dạy người.

Sinh ra trong gia đình nông dân tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ (Trà Ôn), hiểu được sự vất vả của cha mẹ từ nhỏ cô Thạch Thị Dàng- giáo viên Trường Tiểu học Thiện Mỹ A (Trà Ôn) đã cố gắng học tập và thực hiện ước mơ làm cô giáo.

Với cô Dàng, dạy học cũng là một quá trình không ngừng học, học để đáp ứng nhu cầu chương trình, từng đối tượng học sinh; nhờ đó, cô Dàng không chỉ dạy giỏi, được trò yêu, đồng nghiệp mến còn góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học cho học trò, cho các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Từ tình yêu nghề, mến trò

Cô Thạch Thị Dàng, SN 1991 đã có 11 năm gắn bó với học sinh tiểu học xã Thiện Mỹ, là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Trà Ôn. Trong gia đình có 5 chị em thì chỉ có cô Dàng được học hành đến nơi, đến chốn.

Cô Dàng nói: “Thích đi học nên tôi cũng ước mơ được làm cô giáo, rồi chọn bậc tiểu học vì thấy thương ánh mắt ngây thơ của các em, cảm thấy độ tuổi tiểu học phù hợp với mình”.

Để nuôi dưỡng ước mơ, cô học trò Khmer ngày ấy mặc cho bạn bè, chị em bỏ học giữa chừng vẫn ngày ngày cọc cạch đạp xe đến lớp. Từng bước, từng bước một cô Dàng tốt nghiệp THPT, học CĐ, đi dạy rồi vừa dạy học vừa học liên thông lên ĐH.

Có lẽ từng là học sinh vượt khó đến trường, cô Dàng càng cảm thông và hết lòng dìu dắt các em học sinh, như người mẹ dạy con bước đi những bước đầu đời. “Học sinh lớp 1 rất ngây thơ, dễ thương nhưng giáo viên cực vì các em còn nhỏ nên cần phải hướng dẫn rất nhiều. Các em như tờ giấy trắng, cần được dạy chữ kết hợp dạy người”- cô Dàng nói.

Lớp 1 là ngôi nhà mới của học sinh, cho các em học chữ, yêu thầy cô, thích đến trường. Vì lẽ đó, cô Dàng luôn cố gắng làm đồ dùng dạy học, thực hiện nhiều phương pháp cho buổi học hấp dẫn. Cô Dàng quan tâm đến đổi mới, đa dạng phương pháp dạy học phù hợp với từng chương trình.

Cô Dàng chia sẻ: “Học trực tiếp thì giáo án khác với trực tuyến, cũng trong thời gian này, tôi học thêm tin học để ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình dạy, soạn bài giảng thú vị hơn”.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô Thạch Thị Dàng được tiếp cận với nhiều đối tượng học sinh: hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, khuyết tật, ba mẹ ly hôn sống với ông bà,… mỗi đối tượng học sinh khác nhau có phương pháp GD khác nhau.

“Tôi dạy các em từng chút, từng chút một phải kiên trì, tìm hiểu tâm lý học sinh”- cô Dàng nói thêm và chia sẻ kinh nghiệm khi dạy học sinh tăng động, khuyết tật học hòa nhập: “Tôi phát huy những thế mạnh của học sinh, không ép buộc, áp lực cho các em hứng thú học tập”.

Cùng với các hoạt động đó, cô Dàng còn tổ chức cho học sinh tham gia các phong trào như: kế hoạch nhỏ, nuôi heo đất… nhằm GD cho các em học sinh biết chia sẻ, yêu thương với các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cô Dàng còn thường xuyên vận động nhà hảo tâm để gây quỹ trao quà trung thu, quà tết, học bổng, sách giáo khoa,... tiếp sức cho học sinh đến trường.

Học tập, sáng tạo không ngừng

Nghiên cứu, học tập chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp đã giúp cô Dàng cũng như tập thể sư phạm của Trường Tiểu học Thiện Mỹ A thích ứng với hình thức dạy học mới, giữ chất lượng GD. Quen dần với chương trình mới, cô Dàng áp dụng các hình thức dạy học thu hút, để học sinh là trung tâm.

Yêu nghề, tâm huyết với nghề, cô Dàng quan tâm xây dựng môi trường học tập thân thiện, tạo thói quen đẹp, văn hóa cho học sinh. Trong đó, GD truyền thống cho học sinh được Trường Tiểu học Thiện Mỹ A rất quan tâm. Các thầy cô trong trường dạy cho học sinh lòng yêu nước, tự hào dân tộc qua những tiết học trải nghiệm sinh động.

Cô Dàng cũng có nhiều sáng kiến, ứng dụng đạt hiệu quả cao. Sáng kiến “Nâng cao phương pháp học tốt tiết đọc thư viện” đoạt được giải nhất tiết đọc thư viện cấp tỉnh. Cô Dàng vui vẻ nói: “Thực hiện sáng kiến này, các em học sinh rất yêu thích tiết đọc thư viện, yêu mến các nhân vật trong câu truyện bằng sự cảm nhận rất ngây thơ và đáng yêu”.

Để học sinh học tốt tiết đọc thư viện, thích đọc sách, cô Dàng đã “hô biến” các câu chữ nằm im trong sách, nay đã được làm sống động lên qua lời kể hấp dẫn của cô và trò; qua việc chia sẻ, sắm vai, vẽ tranh, viết cảm nhận... của các em học sinh.

Cô Dàng nói: “Tiết đọc thư viện là nơi mang lại cho các em nhiều lợi ích ngoài mục đích đọc sách. Ngoài ra còn tạo cơ hội thuận lợi nhất cho các em phát triển các tiềm năng của mình một cách toàn diện”.

Cô Thạch Thị Dàng, cười thật tươi, nói: “Đây là một trong những động lực rất lớn để giúp bản thân cố gắng nhiều hơn trong tương lai. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện sáng kiến giúp năng lực đọc của học sinh đã có sự thay đổi. Các em đã đọc được trôi chảy, lưu loát và học tập rất tốt ở các môn học còn lại”.

Ngoài ra, dựa trên thực tế giảng dạy cô Dàng thực hiện các giải pháp nâng cao kỹ năng đọc đúng cho học sinh lớp 1; tích hợp dạy học Tiếng Việt trong các môn học khác. Cô còn tích cực làm đồ dùng học tập, tham gia các hội thi GD kỹ năng cho học sinh. Nhờ đó, 3 năm liền, các học sinh lớp 1 do cô Dàng dạy đảm bảo chất lượng GD với 100% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt chương trình.

Cô Thạch Thị Dàng còn đoạt giải thưởng trong cuộc thi làm đồ dùng học tập.
Cô Thạch Thị Dàng còn đoạt giải thưởng trong cuộc thi làm đồ dùng học tập.

Có thể nói đồng hành với những tiến bộ xã hội, cô Thạch Thị Dàng cũng như nhiều nhà giáo chủ động, sáng tạo khác là chiến sĩ tiên phong lĩnh hội những tri thức, cách làm mới,… để đáp ứng nhu cầu công việc, là tấm gương cho bao thế hệ học trò.

Cô Dương Thị Linh- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Mỹ A, nói: “Cô Dàng là một giáo viên trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người, năng lực chuyên môn vững vàng. Cô sử dụng các phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học rất tốt. Qua đó, phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh. Cô còn nhiệt tình dạy bảo các em học sinh, cô dạy được nhiều đối tượng học sinh, đặc biệt là đối với những học sinh hòa nhập”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ cuối: Thầy Bùi Nhật Khoa- “Viên phấn vàng” hiếm hoi của giáo dục thường xuyên Bình Tân

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh