Tản mạn chuyện văn chương ở xứ nầy

01:10, 31/10/2023

Sáng nay ngồi uống cà phê cùng mấy anh em họa sĩ, nhạc sĩ, soạn giả trong cái quán rợp bóng hàng sao cạnh bến phà An Bình. Ngoài sông chiếc phà cứ lừ lừ vượt sóng Cổ Chiên đưa rước khách, mặt sông đầy ăm ắp chở đám lục bình theo nước trôi xuôi.

 

 Nhà văn Trúc Phương hát vọng cổ trên chuyến đò xuôi dòng Cổ Chiên.
Nhà văn Trúc Phương hát vọng cổ trên chuyến đò xuôi dòng Cổ Chiên.

Sáng nay ngồi uống cà phê cùng mấy anh em họa sĩ, nhạc sĩ, soạn giả trong cái quán rợp bóng hàng sao cạnh bến phà An Bình. Ngoài sông chiếc phà cứ lừ lừ vượt sóng Cổ Chiên đưa rước khách, mặt sông đầy ăm ắp chở đám lục bình theo nước trôi xuôi.

Câu chuyện bên bàn nước, râm ran về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện được, chuyện mất… mà mất đối với những văn nghệ sĩ lớn tuổi thời gian gần đây coi ra cũng “bộn”, nhưng đó là quy luật của cuộc đời, chuyện sinh, lão, bệnh, tử ai mà tránh khỏi!

Bỗng một phụ nữ ăn mặc kín mít với áo chống nắng, mắt kính, khẩu trang bước ngang khẽ gật đầu chào. Anh họa sĩ sau một giây định thần- ai vậy ta? rồi chợt thốt lên: Chị Song Hảo, nhà thơ Song Hảo!

Nghe tiếng gọi, nhà thơ Song Hảo quay lại chào cả bàn và chỉ tay về chuyến phà đang cập bến, chị từ chối lời mời cà phê vì phải đi cùng người bạn sang sông, nhà chị cách bến phà không xa thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ.

Tay nhạc sĩ nhìn chuyến phà từ từ tách bến rồi nói: Chị Song Hảo có bài thơ “Bên cửa sổ” được nhạc sĩ Xuân Hồng phổ nhạc thành bài hát “Mùa xuân bên cửa sổ” được nhiều người yêu thích. Là người sống cạnh dòng sông nên có lẽ vì vậy trong thơ Song Hảo dòng sông quê hiện lên thật đẹp: Sông ơi cứ vậy mà xinh/ Chảy trong tôi suốt hành trình tuổi thơ/ Đã qua biết mấy bến bờ/ Bao nhiêu dòng đục bây giờ vẫn trong… (bài Sông ơi).

Còn nhạc sĩ Trúc Phương trong thời gian sống ở Hội Văn học nghệ thuật đã sáng tác bản nhạc “Chín dòng sông hò hẹn”. Phải công nhận ca từ ổng sử dụng chắt lọc và mượt mà làm sao: Em về đó biển xanh đất rộng. Nên phù sa đổ chín cửa sông. Nơi em qua đất nở lời yêu. Lúa nhớ em thật nhiều. Từ say ngất giọng hò chiều…

Từ nhạc sĩ Trúc Phương, câu chuyện chuyển sang nhắc đến nhà văn Trúc Phương, một người con của cù lao- xã Bình Hòa Phước. Nhà văn Trúc Phương tham gia cách mạng từ năm 1965, công tác tại Đội Trinh sát vũ trang, Ban An ninh TX Vĩnh Long (nay là Công an TP Vĩnh Long, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân); Phó Ban Tuyên huấn TX Vĩnh Long; Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Cửu Long và Vĩnh Long.

Từ 1997, về công tác ở Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu. Nhắc đến nhà văn Trúc Phương mọi người đều khâm phục về bút lực khỏe khoắn của ông cho ra đời nhiều tác phẩm như: Cây sầu đâu sinh đôi; Chân dung của đất; Người anh hùng chân đất; Mẹ, đất nước và lưu dân; Từ hai phía mặt trời…

Nhớ lại một lần cùng ông đi đò trên sông Cổ Chiên, chỉ tay về phía xa xa hướng nhà ông bên cù lao trong màn mưa trắng xóa. Ông cho biết dù ra đi nhưng lòng vẫn luôn nhớ về những dòng sông quê nhà, nỗi nhớ da diết của một người con trót phải xa quê.

Ông nhắc lại thời buổi chiến tranh những dòng sông quê hương phủ trùm bom đạn, rồi ông nhắc đến người bạn văn chương- nhà thơ Hoài Vũ cũng là một người tham gia kháng chiến trên chiến trường Nam Bộ, nhiều tác phẩm của nhà thơ Hoài Vũ gắn chặt với những dòng sông qua các bài thơ được phổ nhạc như: Vàm Cỏ Đông; Anh ở đầu sông em cuối sông; Đi trong hương tràm…

Thế là câu chuyện tiếp tục xoay quanh đề tài quê hương, sông nước, những chuyện tình đẹp của thầy giáo với cô gái bán chôm chôm ở Vĩnh Long, chen lẫn cuộc tình đơn phương, dang dở của anh chàng bán chiếu bên vàm sông Ngã Bảy… sau một hồi hoài cổ, câu chuyện chuyển về hiện tại và cả tương lai khi nhắc đến cây cầu Mỹ Thuận 2 cùng cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm nay, rồi bao chuyện làng xóm đổi thay trên con đường xây dựng NTM, đất nước phát triển và hội nhập, rồi khẳng định công nghệ trí tuệ nhân tạo dù có giỏi cỡ nào cũng thua xa trí tuệ, sự sáng tạo, cùng tâm huyết của người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật.

Một người nãy giờ ngồi im lặng liền lên tiếng: Viết về quê hương xứ sở, về con người, về cuộc sống… thì chúng ta không sợ thiếu đề tài, nhưng viết làm sao để người đọc, người nghe thấm vào tim, thuộc vào lòng mới “thiệt đã”.

Tác giả phải là người am tường về cuộc sống, đặc biệt phải là người đi nhiều, hỏi nhiều, hiểu nhiều… phải khó tính với từng con chữ, phải cần cù “cày ải, vun bón” trên mảnh đất văn học nghệ thuật để chọn ra những gì tinh túy dâng cho đời những tác phẩm sống được với thời gian, đi vào lòng người.

Đơn cử bài vọng cổ “Về lại khúc sông quê” của soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn có đoạn như vầy:… ở xứ nầy chỗ nào cũng có khúc sông quê… soạn giả dùng chữ “xứ nầy” nghe rặt Nam Bộ, giọng văn chân phương bình dị nhưng chân thành đằm thắm với quê hương xứ sở.

Rồi tất cả trong bàn cùng có chung suy nghĩ: Quê hương mình đẹp lắm có 2 dòng sông Tiền, sông Hậu chảy hai bên, rồi có sông Măng, sông Cổ Chiên cùng biết bao nhiêu dòng kinh, con rạch, vàm, bến… nhất quyết phải viết, vẽ, chụp ảnh, sáng tác nhạc, viết bài vọng cổ, tuồng cải lương… về vùng đất, con người, những dòng sông, bến nước ở xứ nầy.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh