Tấm gương hiếu học và say mê nghiên cứu khoa học của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

03:09, 13/09/2023

Sinh thời, GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực học tập, lao động hết mình, đem những kiến thức uyên bác học được của nhân loại phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc Việt Nam.
 

Khách đến nhà trưng bày sẽ được tìm hiểu, những vật dụng, sách báo, tài liệu nghiên cứu vũ khí của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ảnh: PHƯƠNG THÚY
Khách đến nhà trưng bày sẽ được tìm hiểu, những vật dụng, sách báo, tài liệu nghiên cứu vũ khí của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ảnh: PHƯƠNG THÚY
Sinh thời, GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực học tập, lao động hết mình, đem những kiến thức uyên bác học được của nhân loại phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc Việt Nam.
 
Tinh thần hiếu học và đam mê nghiên cứu đó đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Ngày nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng các thế hệ trẻ tỉnh Vĩnh Long đã noi gương GS.VS Trần Đại Nghĩa, cố gắng phấn đấu học tập và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đem trí tuệ, tài năng, góp công sức xây dựng quê hương, đất nước. 
 
Tinh thần hiếu học của Trần Đại Nghĩa
 
Ngay từ nhỏ Phạm Quang Lễ đã nổi bật về trí thông minh. Ông học rất giỏi, đặc biệt xuất sắc về môn Toán. Năm lên 7 tuổi, ông mồ côi cha, gia cảnh thiếu thốn nhưng thấy ông học giỏi nên mẹ và chị ông đã cố gắng để ông tiếp tục việc học.
 
Phạm Quang Lễ phải xa mẹ và người chị gái để theo học ở tỉnh lỵ Vĩnh Long, cách quê nhà Hòa Hiệp khoảng 20 cây số. Hoàn cảnh như vậy nhưng cậu học trò nghèo Phạm Quang Lễ vẫn vượt khó vươn lên với thành tích đáng nể.
 
Nhờ tinh thần chịu khó, thông minh, hiếu học, hè năm 1926, Phạm Quang Lễ tốt nghiệp bậc tiểu học với thành tích hạng ưu, rồi thi đỗ hạng ưu vào Trường Collège de Mỹ Tho (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
 
Năm 1930, Phạm Quang Lễ tiếp tục thi đỗ vào Trường Pétrus Ký nổi tiếng ở Sài Gòn (nay là Trường PTTH Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh). Suốt 4 năm học ở Trường Collège de Mỹ Tho và 3 năm học ở Trường Pétrus Ký, Phạm Quang Lễ đều được nhận học bổng. 
 
Năm 1933, Phạm Quang Lễ đỗ cả tú tài Tây và tú tài bản xứ. Phạm Quang Lễ về làm thư ký ở Tòa sứ Mỹ Tho, chờ cơ hội du học. Được sự giúp đỡ của ông Vương Quang Ngưu- một nhà báo, Việt kiều yêu nước, mến mộ tài đức và ý chí của cậu học trò nghèo Phạm Quang Lễ, đã giúp ông có được suất học bổng một năm của Trường Chasseloakp Laubat.
 
Ngày 5/9/1935, Phạm Quang Lễ rời Sài Gòn sang Pháp du học. Ông lần lượt tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường nổi tiếng: ĐH Bách khoa Paris, ĐH Mỏ, ĐH Điện, ĐH Sorbonne, ĐH Cầu đường Paris. 
 
Say mê nghiên cứu để cống hiến cho đất nước
 
Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp. Phạm Quang Lễ đã từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở một hãng nghiên cứu chế tạo máy bay với mức lương 500 franc, tương đương 22 lượng vàng một tháng, theo Bác Hồ về nước. Từ đây, kỹ sư Trần Đại Nghĩa bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật không ngơi nghỉ của mình, dốc lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã tập hợp các cộng sự, mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo ra nhiều loại vũ khí mang tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực cho cách mạng. Trong đó có các loại vũ khí chống tăng nổi tiếng như Bazoca, SKZ,…
 
Công lao của Trần Đại Nghĩa không thể không nhắc đến thành tựu khoa học rất vĩ đại của ông là tìm ra cách chống nhiễu của máy bay B-52 và nâng cấp độ bay cao của tên lửa SAM-2. Nhờ đó, cùng với việc kết hợp các loại vũ khí phòng không, ta đã bắn rơi được máy bay B-52 của Mỹ.
 
Khi đất nước thống nhất, GS.VS Trần Đại Nghĩa lại tiếp tục có những cống hiến to lớn trên mặt trận mới, củng cố và phát triển nền khoa học nước nhà, vận dụng một cách sáng tạo thành tựu khoa học kỹ thuật đẩy mạnh công cuộc kiến thiết đất nước.
 
Đánh giá những đóng góp to lớn của ông, trong một bài viết đăng trên Báo Nhân dân ngày 12/6/1952 với tiêu đề “Dân tộc anh hùng và anh hùng của dân tộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B, đã viết: “Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng Lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”. 
 
Ông xứng đáng là người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người con ưu tú của đất Vĩnh Long anh hùng. Cả cuộc đời lao động khoa học khó nhọc mà cũng hết sức vinh quang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến hôm nay và mai sau, dấu ấn Trần Đại Nghĩa mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc, đi vào lòng Nhân dân, trở thành biểu tượng đầy tự hào, kiêu hãnh của nền khoa học nước nhà, của hào khí đất học Vĩnh Long. 
 
GS.VS Trần Đại Nghĩa với quê hương và thế hệ trẻ
 
Khi có dịp về thăm quê hương, làm việc với lãnh đạo tỉnh nhà, GS.VS thường nhắc nhở các cấp lãnh đạo quan tâm đến việc đào tạo lực lượng khoa học của tỉnh nhà, tạo điều kiện để cán bộ khoa học cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
 
Riêng với lớp đoàn viên thanh niên, ông động viên thế hệ trẻ phải cố gắng học tập: “Tuổi trẻ phải có hoài bão lớn. Hãy cố gắng giữ gìn và phát triển đất nước. Đó là mong mỏi của đời tôi. Không có đất nước nào trên thế giới này phải chống trả mười bốn cuộc xâm lăng như nước mình”. 
 
Nhân dân Vĩnh Long hết sức tự hào về người con của quê hương mình- từ thuở nhỏ đã nuôi chí lớn, có quyết tâm, nghị lực thực hiện bằng được vì Tổ quốc thân yêu trên con đường tiếp cận nhanh chóng trình độ khoa học và công nghệ hiện đại của thế giới.
 
Tấm gương sáng ngời của GS.VS Trần Đại Nghĩa đã góp phần tô điểm thêm truyền thống hiếu học, tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm của người dân Vĩnh Long. Tấm gương sáng ấy vẫn còn luôn đọng mãi trong lòng của mỗi người chúng ta. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ đã và đang ra sức phấn đấu trên con đường tiếp thu tri thức, nghiên cứu và sáng tạo khoa học kỹ thuật.
 
Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long được chính thức ra đời từ năm 2002. Học bổng tập trung ưu tiên mục tiêu đào tạo nhân tài, nhân lực cho tỉnh nhà. Qua học bổng này và các phong trào học tập khác, hàng ngàn sinh viên đã được chắp cánh, nuôi dưỡng ước mơ học tập, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ trí thức tài năng của quê hương, đất nước.
 
Phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tên Trần Đại Nghĩa được ra đời và có nhiều đóng góp tích cực cho đời sống sản xuất, xã hội, tăng năng suất lao động, tập hợp và phát huy mạnh mẽ đội ngũ trí thức yêu nước, động viên tinh thần nghiên cứu khoa học phục vụ quê hương Vĩnh Long.
 
Nhiều nông dân, công nhân lao động giỏi, nhiều nhà giáo, học sinh, quân nhân, kỹ sư, nhà quản lý,… quan tâm và tích cực tham gia phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật. Có nhiều sáng kiến được áp dụng rộng rãi, vượt ra ngoài tỉnh và lan tỏa các tỉnh trong cả nước.
 
Riêng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa gần đây nhất nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của người lao động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long.
 
Để ghi nhớ công lao của ông và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhiều công trình đường sá, trường học trải dài khắp mọi miền đất nước được vinh dự mang tên của GS.VS Trần Đại Nghĩa.
 
Thực hiện di huấn của ông, cán bộ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Vĩnh Long đã và đang noi theo tấm gương hiếu học và lòng yêu quê hương đất nước, nỗ lực học tập và lao động khoa học, cống hiến tài năng, trí tuệ của mình, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để luôn xứng đáng với truyền thống của đất học Vĩnh Long, một vùng đất địa linh nhân kiệt.
 
ThS NGUYỄN VĂN SĂN
Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh