Những ký ức về một thời hoàng kim gạch gốm

06:09, 17/09/2023

"Con đường nghệ thuật gốm đỏ", công trình nằm trong sự kiện Festival Nông sản Việt Nam- Vĩnh Long năm 2023, với những sản phẩm gốm đỏ đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, tô điểm cho con đường thêm rực rỡ. Với lò gạch đang đỏ lửa, ngôi nhà 3 gian 2 chái và những sản phẩm gốm,… đã tặng khách tham quan hội chợ một vé tìm về ký ức xưa.

Lò gạch tròn truyền thống dùng để nung những sản phẩm gạch gốm.
Lò gạch tròn truyền thống dùng để nung những sản phẩm gạch gốm.
“Con đường nghệ thuật gốm đỏ”, công trình nằm trong sự kiện Festival Nông sản Việt Nam- Vĩnh Long năm 2023, với những sản phẩm gốm đỏ đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, tô điểm cho con đường thêm rực rỡ. Với lò gạch đang đỏ lửa, ngôi nhà 3 gian 2 chái và những sản phẩm gốm,… đã tặng khách tham quan hội chợ một vé tìm về ký ức xưa.
 
Lò gạch
 
Khách đưa ánh nhìn chiếc lò tròn truyền thống dùng để nung những sản phẩm gạch gốm đang đỏ lửa. Một vị khách cầm khúc củi chắc đưa vào miệng lò, các ống khói chậm rãi nhả làng khói trắng. Các chị gái trong trang phục áo dài chụp ảnh bên chiếc lò gạch. Chiến lò nhắc nhớ một thời hoàng kim của các lò gạch miền Tây. 
 
Chẳng biết viên gạch nung ra đời từ khi nào chỉ biết viên gạch được làm bằng từ đất sét nhào nặn với nước, rồi cắt, đem phơi thành màu xám trước khi cho vào lò nung để xây dựng từ xa xưa. Đốt lò bằng củi, trấu,… suốt nhiều giờ đồng hồ. Khi gạch chín chuyển thành màu đỏ, chín quá thì chuyển sang màu nâu sẫm. Với nhiều loại gạch như gạch thẻ, gạch tàu, gạch ống. 
 
Ở ĐBSCL hình như tỉnh nào cũng có lò gạch mọc lên cạnh các mé sông nhưng nhiều nhất là Vĩnh Long, Đồng Tháp. Ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long được xem là “Vương quốc gạch gốm” của miền Tây, với nhiều lò gạch mọc san sát nhau và tuổi đời trên trăm năm. Với loại lò tròn truyền thống, mái vòm. Người ví những lò gạch như lâu đài nhỏ, người ví như những ngọn tháp…
 
Có người thì bảo: “Tuổi thơ của tôi là những viên gạch đỏ au”. Người kể: “Tôi làm gạch thời mười mấy ngàn đồng một ngày. Làm nghề này vất vả lắm”. Họ chỉ cần nhìn vào kiểu dáng là biết lò của ai trong xóm liền. Không ít người đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với gạch, với gốm, với lò nung.
 
Ở miền Tây, người chủ các phương tiện đường thủy như tàu, ghe đánh bắt thủy sản, đi buôn, đi bán thờ đấng siêu nhiên ở trên sông. Với quan niệm đấng siêu nhiên luôn giúp đỡ thoát khỏi sóng gió, đó là Bà Cậu. Với nghề gạch gốm thì thờ “Tổ nghề” hay có nơi gọi “Táo lò”. Ở bên phải miệng lò dành một nơi để trang thờ “Tổ nghề”. Với quan niệm và niềm tin vào thánh thần bảo vệ. Những nguy hiểm được xua tan, với những sản phẩm gạch gốm ra lò chín đẹp… 
 
Nghề làm gạch truyền thống đã gắn bó với miền Tây trong khoảng những năm 70 của thế kỷ XX. Đây là khoảng thời gian hưng thịnh, những lò gạch đỏ lửa ấy là cơ nghiệp của nhiều hộ gia đình và là công việc mưu sinh của không ít lao động tại địa phương.
 
Đời sống chảy trôi, những chiếc lò gạch dần tắt lửa. Những gì còn lại của nghề gốm gạch thịnh vượng ngày nào có nguy cơ chỉ còn là một chương ký ức giữa thời hiện đại. 
 
Rồi được ấm áp lòng, điểm sáng được lóe lên như những than hồng đỏ trong lò gạch, khi lò gạch Mang Thít được bảo tồn, chuyển mình thành một di sản kiến trúc đương đại điểm đến tham quan cho du khách trong và ngoài nước.
 
Nhà 3 gian 2 chái
 
Trên “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” rất nhiều khách thích chiêm ngưỡng và chụp ảnh với ngôi nhà 3 gian 2 chái đặc trưng của vùng đất, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất miền Tây.
 
Từ trầm tích của dòng sông Mekong, con người dùng đất sét nhào nặn và chế tác vật liệu để dựng nên chốn cư trú. Không có gì sống động hơn nơi ăn chốn ở của người nông dân, căn nhà của đồng quê. Căn nhà tiêu biểu cho sự vĩnh cửu và riêng tư trong sự định cư của con người. Một kiểu nhà ở nông thôn là kết quả của một cuộc tiến hóa lâu dài, được đúc kết qua kinh nghiệm của bao thế hệ.
 
Những ngôi nhà ngày trước toàn bộ các công đoạn đều được làm bằng thủ công nên rất mất công sức và thời gian. Vẻ ngoài của ngôi nhà đã toát lên vẻ giàu có một thời của chủ nhân. Trong “Sinh hoạt của người Việt”, Nguyễn Văn Huyên kể: “Ở Nam Kỳ, các điền chủ giàu có, có thu nhập hàng năm vượt quá 30-50 ngàn đồng, có những căn nhà bằng gạch ngay giữa đồng quê không thua kém gì những cư thất hoa lệ của người thành thị”.
 
Nói một cách khái quát, nhà giàu thì tường bằng gạch, sườn mái bằng gỗ chắc, mái nhà lợp ngói. “Sườn mái trau chuốt đến mức tối đa: kèo nhà và xà nhà kết chặt nhau bằng những đường cong tài hoa, cách chồng những khúc gỗ đỡ mái và những hòn đá kê cột để chống đòn nóc bằng sự dồi dào đến thừa thãi và lối trang trí của nó, tất cả tạo nên ấn tượng tràn đầy và vững chãi, và do đó càng tôn cao lên rất nhiều vẻ uy nghi của bàn thờ tổ tiên lúc này choán hết tất cả 3 gian chính giữa nhà”- Nguyễn Văn Huyên kể tiếp trong “Sinh hoạt của người Việt”.
 
Ngôi nhà 3 gian 2 chái đặc trưng của vùng đất, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất miền Tây.
Ngôi nhà 3 gian 2 chái đặc trưng của vùng đất, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất miền Tây.
Có tiền thì mái lá được đổi thành mái ngói, đồ đạc bằng tre được thay thế bằng gỗ, bằng đồng. Rồi tùy theo điều kiện kinh tế và sinh hoạt gia đình mà xây 3 gian, 5 gian hoặc 7 gian. 
 
Những sản phẩm trên “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” thể hiện tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, qua bàn tay khéo léo của bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ hơn trăm năm. Giúp khách tìm về nguồn gốc văn hóa và truyền thống của vùng đất Nam Bộ.
 
Thế hệ hôm nay với tâm huyết giữ gìn văn hóa và truyền thống của tiền nhân. Những người con đất gạch gốm muốn “lò nung luôn đỏ lửa”. Để làng nghề trăm tuổi sống mãi với thời gian. Để dấu ấn dòng sông Thầy Cai chở đầy những ghe thuyền ngược xuôi, chở vật liệu, chở sản phẩm gạch ngói nức tiếng nhờ chất liệu đất và kỹ thuật nung đặc trưng và chở văn hóa của miền đất sông nước tỏa đi khắp các ngả sông còn mãi theo thời gian.
 
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh