Những kỷ niệm về người cha thân yêu

07:09, 14/09/2023

Ngày 13/9/2023 là kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cha tôi- GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Thời gian trôi thật nhanh. Năm 2013 Tỉnh ủy Vĩnh Long, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã đồng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Vậy là đã 10 năm trôi qua. Tuy nhiên, những kỷ niệm về người cha thân yêu của mình vẫn luôn hiện ra trong tâm trí, phảng phất quanh tôi. 

Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa (người ngồi giữa hàng đầu tiên, tay ôm mũ) tại lễ chúc thọ Hồ Chủ tịch 60 tuổi. Hình chụp tháng 5/1950 tại chiến khu Việt Bắc.
Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa (người ngồi giữa hàng đầu tiên, tay ôm mũ) tại lễ chúc thọ Hồ Chủ tịch 60 tuổi. Hình chụp tháng 5/1950 tại chiến khu Việt Bắc.
Ngày 13/9/2023 là kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cha tôi- GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Thời gian trôi thật nhanh.
 
Năm 2013 Tỉnh ủy Vĩnh Long, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã đồng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Vậy là đã 10 năm trôi qua. Tuy nhiên, những kỷ niệm về người cha thân yêu của mình vẫn luôn hiện ra trong tâm trí, phảng phất quanh tôi. 
 
Bài học đầu tiên
 
Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 7/1967, khi tôi mới 12 tuổi và đang sơ tán cùng cơ quan ba tôi (Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước) ở một vùng nông thôn tỉnh Hà Tây (cũ) để tránh bị thiệt hại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân do đế quốc Mỹ phát động, thì được ba tôi gọi về Hà Nội. Vừa về hôm trước thì sáng hôm sau ông gọi tôi lên phòng làm việc của mình. Thấy ba tôi trong bộ trang phục quân đội với quân hàm thiếu tướng trên cổ áo tôi hiểu sẽ có chuyện quan trọng xảy ra. Đúng vậy.
 
Ba nói tôi ngồi xuống và nói, đại ý: “Nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác Hồ và quân đội, thể theo nguyện vọng của con, ba đã đề đạt và xin được cho con vào học Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi giống như hai anh con (Trần Dũng Trí và Trần Dũng Triệu). Tại trường con sẽ được đào tạo về kiến thức cũng như trau dồi tác phong của người chiến sĩ.
 
Con nên biết rằng được vào học ở đó là thuận lợi hơn nhiều bạn cùng trang lứa, nhưng cũng sẽ vất vả hơn khi đây là lần đầu con sống xa nhà trong môi trường mới. Vì vậy tuy nhỏ nhưng con cần phải cố gắng nhiều”. Sau phần “giao nhiệm vụ” ba tôi đã dành nhiều thời gian để trò chuyện, truyền kinh nghiệm học tập cũng như kinh nghiệm sống độc lập thời còn niên thiếu của ông với tôi.
 
Đặc biệt có lẽ đó là lần đầu tiên ông nói với tôi về hoài bão của tuổi trẻ khi nói rằng cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam có thể còn kéo dài, con phải chuẩn bị sẵn sàng để trong tương lai không xa trở thành một người chiến sĩ tham gia vào cuộc hành quân của dân tộc.
 
Muốn vậy phải rèn luyện đạo đức và học thật tốt. Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi (thường gọi là Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi) chỉ tồn tại có 5 năm (từ năm 1965-1970), sau đó chúng tôi lại trở về sống với gia đình để học nốt hệ phổ thông 10/10 của mình.
 
Tuy nhiên, bài học đầu đời mà cha tôi đã dạy khi tiễn đưa tôi tới trường, hình ảnh người cha mặc quân phục thiếu tướng giao nhiệm vụ cho người con trai mới 12 tuổi của mình bằng giọng nói hào sảng, trang nghiêm nhưng đầm ấm, đầy tình cảm còn đọng mãi trong tâm thức tôi.
 
Không thể nào quên! Chính vì vậy sau khi tốt nghiệp phổ thông, cũng như hai anh, khi được cán bộ tuyển quân hỏi, tôi đã tình nguyện nhập ngũ, không chút đắn đo và cũng không hỏi ý kiến ba mẹ tôi trước. Bởi vì tôi biết rằng hai ông bà sẽ đồng ý với lựa chọn của mình.
 
“Không hối tiếc” và niềm tự hào của gia đình, dòng họ
 
Cha tôi, để thực hiện hoài bão nắm vững kiến thức chế tạo vũ khí tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đã tìm ra con đường khả thi nhất để có thể hoàn thành sứ mệnh. Đó là có được học bổng sinh viên tại chính nước Pháp vào năm 1935.
 
Chính tại nơi đó, bằng nghị lực phi thường, bằng sự nỗ lực không ngừng, tập trung cao độ, trong một thời gian ngắn ông đã tốt nghiệp và có được bằng của nhiều trường ĐH Pháp: kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện, cử nhân toán, kỹ sư hàng không và nhiều chứng chỉ khác ở các trường mỏ, bách khoa…
 
Đồng thời, bằng nghiệp vụ riêng, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu nguyên tắc hoạt động và kỹ thuật chế tạo các loại vũ khí mà ông quan tâm, một nhiệm vụ mà nếu bằng con đường công khai sẽ không thể nào đạt được. Với khả năng chuyên môn của mình ông đã được nhận vào làm việc tại nhiều công ty của Pháp, và cả tại nhà máy vũ khí của phát xít Đức vào những năm cuối chiến tranh thế giới thứ hai, tất cả nhằm có thêm kiến thức thực tế.
 
Vào năm 1946, ông làm kỹ sư trưởng của một công ty chế tạo máy bay tại Pháp với mức lương 5.500 franc/tháng (tương đương 22 lượng vàng/tháng). Nếu ở lại Paris, cha tôi sẽ có cuộc sống đầy đủ như nhiều bạn bè khác của mình. Tuy nhiên đó không phải là mục đích sống của ông.
 
Vì vậy cũng năm đó cha tôi đã theo Bác Hồ về nước, tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Ông được Bác Hồ trao cho nhiệm vụ quan trọng- Cục trưởng Cục Quân giới- với vai trò tổ chức nghiên cứu, thiết kế chế tạo vũ khí trang bị cho bộ đội ta đánh giặc. Ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành hoài bão tự đặt ra lúc 17 tuổi: “Chuẩn bị để lo về vũ khí trong các cuộc nổi dậy trong tương lai và tất nhiên đi đôi với khoa học quân sự”.
 
Cha tôi cũng hoàn thành lời hứa với Bác Hồ khi Bác hỏi trên chuyến tàu thủy từ Pháp trở về Việt Nam (mà sau này cha kể lại).
 
“Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi tôi:
 
- Đời sống ở trong nước còn đang rất khó khăn, chú về nước có chịu nổi không?
 
Anh Lễ (GS Trần Đại Nghĩa) trả lời: 
 
- Thưa, tôi chịu nổi.
 
Bác hỏi tiếp: 
 
- Ở trong nước không có kỹ sư, công nhân về vũ khí, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không?
 
- Thưa, tôi tin là làm được vì tôi đã chuẩn bị 11 năm ở bên Pháp”.
 
Là một người con, ngay từ nhỏ tôi đã phần nào hiểu được đóng góp của cha mình đối với cách mạng vì thời đó, khi tôi học lớp 2 tiểu học, trong sách giáo khoa có bài về “Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa”. Tôi còn nhớ được cô giáo chủ nhiệm chỉ định lên đọc bài viết về cha mình trước tất cả các bạn trong lớp. Một chút tự hào của tuổi thơ. 
 
Ba tôi tuy bận công tác nhưng vẫn luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc và dạy bảo con cái. Tôi nhớ khi còn đang học ở Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi ở nơi sơ tán, hàng tháng cha mẹ tôi đều lên thăm. Khi con cái có việc gì đề đạt ông đều tìm hiểu và giải thích, tìm giải pháp giải quyết hợp lý.
 
Ví dụ có lần, khi đang học ở Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, tôi có viết thư gửi về nhà nói “con cảm thấy không khí trong nhà mình hơi tẻ nhạt quá”. Thực ra đó là do tôi khi tới chơi nhà người bạn cùng học thấy không khí nhà họ rất ấm cúng, cha mẹ con cái chuyện trò vui vẻ còn nhà mình ít khi có được không khí như vậy. Vậy mà vài tuần sau khi tôi về thăm nhà ba tôi hỏi ngay lý do của câu thư đó, điều mà tôi tưởng ông đã quên.
 
Sau khi nghe tôi nói lý do ông không một chút biện minh mà nói ngay, đó là lỗi tại ba, và đề nghị mẹ tôi cùng ông sửa chữa để “cải thiện tình hình”. Đó cũng là một trường hợp nằm ngoài trí tưởng tượng của tôi vì tôi nghĩ có thể ba tôi sẽ trách tôi không thông cảm với ông khi có nhiều công việc phải giải quyết.
 
Ông là vậy đó. Dù bận trăm công nghìn việc với các trọng trách nhưng trong đời thường ba tôi thực sự là người ông, người cha mẫu mực, nhân hậu, hết lòng thương yêu con cháu, tôn trọng mọi người. Ông sống hết sức giản dị, tiết kiệm và hòa đồng.
 
Khi con cái có thắc mắc gì thì ông tự tìm hiểu và giải đáp ngay, nếu không sẽ cùng mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Khánh) phối hợp tìm phương pháp đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi nếu đó là chính đáng, còn không sẽ giải thích rõ ràng, cẩn thận. Tuy nhiên biết ông bận nhiều công việc nên thường anh em chúng tôi luôn cố gắng tự giải quyết những vấn đề của riêng mình, tránh làm ảnh hưởng tới công việc của ông. 
 
Tôi còn nhớ những năm đầu sau khi giải phóng miền Nam (30/4/1975) đất nước gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, bầu nhiệt huyết của những năm chiến tranh giải phóng dân tộc và đất nước bị suy giảm.
 
Cũng có những người tỏ ra bi quan, khi gặp ba tôi họ so sánh cuộc sống của gia đình tôi lúc đó với cuộc sống gia đình những người bạn của ông đang ở bên Pháp. Nhưng ba tôi luôn kiên định với con đường ông đã chọn. Ông nói: “Bạn bè của tôi ở bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.
 
Với ông “Tổ quốc”, “Đất nước” là những từ thiêng liêng mà tham gia giành độc lập, làm cho Tổ quốc giàu có, sung túc và hùng mạnh luôn là mục đích cuộc sống của mình. Có lần, trong bữa ăn, tôi hỏi ba tôi về ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học của đất nước mình là bao nhiêu vì đó là khái niệm mới mẻ với tôi thời gian đó.
 
Lập tức ông say mê nói chuyện với tôi và tính ngay là Việt Nam đang thực chi bao nhiêu, nên chi bao nhiêu thì sẽ đạt mục tiêu như các nước tiên tiến khác, sẽ là một trong những yếu tố đảm bảo cho khoa học kỹ thuật nước nhà phát triển.
 
Thấy vậy mẹ tôi muốn kết thúc việc trình bày của ông để tập trung vào ăn cho ngon miệng. Bà nói vui: “Ông thì lúc nào cũng nói những con số tiền lớn trong khi nhà mình hầu như không có đồng nào đây nè”. Theo bản tính ba tôi trả lời ngay: “Một đất nước mà ai cũng chỉ nghĩ tới bản thân mình hoặc gia đình mình thì làm sao mà phát triển được”. Đó cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của ba tôi với con cháu mình.
 
Luôn đau đáu suy nghĩ về đất nước, về Nhân dân nên ngay cả khi đã hoàn thành hoài bão và nhiệm vụ của mình trong hai cuộc kháng chiến, ba tôi lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới là góp phần xây dựng nền khoa học kỹ thuật của nước nhà, không chút nghỉ ngơi. Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục tin tưởng và giao cho ông các trọng trách mới. Và ông vẫn tiếp tục với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho tới khi nghỉ hưu. 
 
Rồi điều gì phải tới cũng sẽ tới. Vào đầu năm 1997 ba tôi vài lần phải nhập viện, mỗi lần vài ba tuần rồi lại ra. Ba tôi đang bị trọng bệnh. Một lần vào giữa tháng 7 năm đó, khi tôi lên chào ông vào buổi sáng ở nhà như thường lệ, ông nói tôi nán lại ngồi cùng.
 
Ông tâm sự nhiều chuyện về cuộc đời mình, những điều mà chúng ta đã biết qua báo chí thời kỳ đó, không có gì bí mật. Tôi cũng không gợi hỏi vì biết rằng nếu có điều gì bí mật trong công việc mà tổ chức chưa cho ý kiến thì ông cũng không nói. Tính ông là vậy.
 
 
Cuối cùng ông nói, đại ý: “Trình à. Ba sống tới bây giờ cũng là đầy đủ lắm rồi. Cuộc sống của ba không phải dễ dàng mà nhiều khi rất khó khăn, nhưng ba đã vạch ra và thực hiện được hoài bão của mình, hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ và Đảng giao phó, đóng góp vào công cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Ba không có gì phải hối tiếc!”
 
Tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt người cha của mình. Khi ông nói câu cuối cùng tôi cảm thấy mắt ông, dù đã mờ, nhưng như ánh lên một tia sáng nào đó.
 
Tôi nắm chặt bàn tay ông và khẽ khàng nói: “Vâng Ba”. Chỉ nói được hai từ đó nhưng thực lòng tôi muốn nói với ba tôi rằng: “Ba ơi. Ba là người hạnh phúc nhất”. Một con người ngay từ tuổi thanh niên đã vạch ra hoài bão cho mình là phải phụng sự Tổ quốc, tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng cách chế tạo vũ khí đánh lại kẻ thù.
 
Và con người đó đã tìm ra phương pháp ngắn nhất để học, để thực hành trong hoàn cảnh bí mật nhằm có được kiến thức về chế tạo vũ khí và khoa học quân sự; đúng đắn lựa chọn con đường đi cho mình là đứng dưới ngọn cờ của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
 
Con người đó đã có những thành công, được Bác Hồ và Đảng, Nhà nước trân trọng, đánh giá cao, được bạn bè, đồng chí và Nhân dân yêu mến. Ba ơi, ba là người hạnh phúc nhất đó. Chúng con tự hào về ba. 
 
Niềm tự hào về một con người còn thể hiện ở chỗ con người đó luôn lạc quan ngay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong suốt cuộc sống chung với ba tôi, từ khi tôi còn bé nhưng đã có nhận thức, tới khi ông qua đời, tôi chưa bao giờ thấy ông tỏ ra bi quan trong cuộc sống, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất của đất nước hoặc trong gia đình.
 
Thường vào những lúc khó khăn ông đều tìm thấy hoặc gợi ý phương pháp để giải quyết. Chính vì vậy hầu như lúc nào ông cũng lạc quan, yêu đời. Gần đây tôi được một người bạn gửi cho một tấm hình ba tôi, trong Đoàn đại biểu quân đội, chụp cùng với Bác Hồ tại lễ kỷ niệm Hồ Chủ tịch 60 tuổi tại chiến khu Việt Bắc năm 1950. Cùng tham dự có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác.
 
Trong hình tôi thấy ba tôi (ngồi giữa hàng đầu tiên, tay ôm cái mũ cối của bộ đội thời kháng chiến chống Pháp) cười thật to, thật hồn nhiên. Điều gì đã làm cho ông có được nụ cười vui vẻ như vậy trong ngày chúc thọ Bác, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới kết thúc giai đoạn 1 (giai đoạn cầm cự), trong lúc bao nhiêu khó khăn còn đang ở trước mắt.
 
Có lẽ ông tin tưởng rằng giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ đã qua. Và ngành quân giới do ông đứng đầu cũng góp phần trong cuộc chiến đấu đó. Đó cũng là chiến công mà ông muốn dâng lên chúc mừng ngày sinh của Bác Hồ. Vậy thì tại sao mà không cười!
 
Lời kết
 
Nhờ có nghị lực phi thường và phương pháp học tập, làm việc khoa học, ba chúng tôi- Trần Đại Nghĩa- đã có những đóng góp to lớn vào các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vào sự nghiệp xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, được Đảng, Bác Hồ đánh giá cao, được đồng chí, đồng đội và Nhân dân trân trọng, yêu mến.
 
Từ Phạm Quang Lễ tới Trần Đại Nghĩa là cả một chặng đường dài của ông đồng hành cùng dân tộc. Chúng tôi, những người con, luôn tự hào về những cống hiến của ông đối với Tổ quốc.
 
Thật tự hào khi có dịp đi thăm, công tác hay ghé qua nơi nào đó, bất kể là cơ quan hay Nhân dân địa phương, khi biết chúng tôi là con của GS.VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa thì những cái bắt tay đầm ấm, những cái nhìn đầy thiện cảm và những lời nói chân tình luôn làm cho chúng tôi ấm lòng.
 
Gia đình và dòng họ chúng tôi luôn tự hào về ông- Phạm Quang Lễ- Trần Đại Nghĩa. 
Xin cảm ơn ba!
TS TRẦN DŨNG TRÌNH
Con trai Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
 
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh