Tối qua (11/9), Festival Nông sản Việt Nam- Vĩnh Long năm 2023 chính thức khai mạc, nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của GS.VS Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2023).
Con đường nghệ thuật gốm đỏ- điểm nhấn đặc biệt tại Festival Nông sản Việt Nam- Vĩnh Long năm 2023.Ảnh: HÙNG HẬU |
Tối qua (11/9), Festival Nông sản Việt Nam- Vĩnh Long năm 2023 chính thức khai mạc, nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của GS.VS Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2023).
Trong một tuần lễ diễn ra (11-17/9), festival giới thiệu và quảng bá đến người dân, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh những thành tựu kinh tế- xã hội nổi bật, hình ảnh quê hương, con người Vĩnh Long. Là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền, đặc sản địa phương tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng…
Không chỉ là địa điểm tham quan triển lãm, mua sắm, đến với festival, người dân và du khách còn được thưởng lãm, chiêm ngắm và tham gia nhiều hoạt động khác.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt đó là “Con đường nghệ thuật gốm đỏ”. Trước đó, dù chưa chính thức khai mạc, “con đường gốm đỏ”- như cách gọi của nhiều người dân, trở nên “nổi như cồn” khi được “cư dân mạng” nhiệt tình chia sẻ trên các trang nền tảng số và rỉ tai nhau đến check-in.
Các kỳ festival trước đó đều thực hiện con đường nghệ thuật với tạo hình cây trái, đặc trưng sông nước đồng bằng như là “khúc dạo đầu” giúp người dân hình dung một phần chủ đề và nội dung của lễ hội trước khi bước chân vào tham quan khu vực chính. “Con đường gốm đỏ” năm nay nhận được sự yêu thích rất lớn từ phía người dân và đem về nhiều phản hồi tích cực.
Thật thú vị khi tận tay sờ vào từng sản phẩm gốm đỏ màu sắc tự nhiên, thành hình từ đất sét qua bàn tay khéo léo nhàu nặn của người thợ. Có cả lò gốm đỏ lửa phả đọt khói lên nghi ngút…
Cạnh đó là mô hình ngôi nhà gốm đỏ với kiến trúc truyền thống 3 gian 2 chái… Xem các sản phẩm gốm thấy “đã con mắt” nhưng nhiều người vẫn có chút tiếc tiếc, bởi nếu BTC “làm cho tới” tạo thêm vài địa điểm để người tham quan có thể được “vọc đất” nhàu nặn nên những sản phẩm lưu niệm cho riêng mình thì quả là trải nghiệm nhớ đời!
Dù vậy, chúng ta kỳ vọng những sản phẩm, mô hình từ “con đường gốm đỏ” sẽ gợi mở dẫn lối du khách đến với “vương quốc gạch gốm” trăm năm của Vĩnh Long. Mà hiện nay, đề án “Di sản đương đại Mang Thít” chính là nền tảng để tỉnh biến ý tưởng phát triển du lịch đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, sớm thành hiện thực.
Chủ đề chính của lễ hội là festival nông sản, nên chúng ta gửi mong ước về gốm đỏ đến ngành chức năng như một gợi ý nhỏ. Trở lại festival, cùng với các nội dung trưng bày, triển lãm chính, người dân và du khách không thể bỏ qua các hoạt động vừa xem vừa thưởng thức như: Khu triển lãm sinh vật cảnh; hội thi: món ăn ngon chế biến từ nông sản đặc trưng của Vĩnh Long, mâm cơm ngon “cây nhà lá vườn”…
Đến hôm nay, không khí festival đã rộn ràng với những cuộc hẹn đầy háo hức: Đi hội chợ mua sắm, tham quan và ăn đặc sản nha!
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm (bìa phải) cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tham gia Hội chợ Công thương sau lễ khai mạc.Ảnh: KHÁNH DUY |
Ở góc độ người tham quan, du khách, chúng ta không chỉ muốn được “nhìn” các sản phẩm trưng bày, triển lãm đẹp và bắt mắt; mà còn mong được “nếm thử” sản phẩm từ nông sản bản địa. Ví dụ như từ khoai lang của Bình Tân chế biến ra những món ăn gì? Sầu riêng, xoài, nhãn… ngoài ăn tươi, còn làm ra món nào nữa? Những sản phẩm chế biến đó sẽ là cách truyền thông, tư vấn tốt nhất cho người mua một công dụng khác của nông sản đặc trưng quê mình.
Trong khi đó, chúng ta cũng kỳ vọng sẽ có những đóng góp xác đáng, sáng kiến đột phá để thúc đẩy nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh nói riêng, ĐBSCL và cả nước nói chung. Trước bối cảnh nông sản Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt hàng nông sản nhập khẩu, làm thế nào để “Nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam” cũng là vấn đề đặt ra cho hội thảo trong khuôn khổ festival này.
TRẦN PHƯỚC