Hào khí Nam Bộ kháng chiến sống mãi

05:09, 23/09/2023

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong không khí sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 23-28/8/1945, Nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân.

 

 

Không gian văn hóa lịch sử nhắc nhở những sự kiện lịch sử và những con người lịch sử của quê hương Vũng Liêm, quê hương Vĩnh Long.
Không gian văn hóa lịch sử nhắc nhở những sự kiện lịch sử và những con người lịch sử của quê hương Vũng Liêm, quê hương Vĩnh Long.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong không khí sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 23-28/8/1945, Nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, giờ đây đồng bào Nam Bộ, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Lẽ ra, từ đây Nhân dân ta được sống trong hòa bình, thế nhưng, với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Đến giữa tháng 10/1945, chiến tranh lan rộng khắp vùng đồng bằng Nam Bộ: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá và mở ra đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân dân ta.

Mùa thu lịch sử kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ đã bắt đầu như thế đó.

Điểm lại những trận đánh nổ ra trong giai đoạn đầu Nam Bộ kháng chiến, không phải ngẫu nhiên, 2 trận đánh được tổng kết đánh giá nổi bật nhất đều có liên quan đến quê hương Vĩnh Long, mà cụ thể hơn là Vĩnh Long- Trà Vinh, trong đó không thể không nhắc đến vai trò lịch sử của vùng đất thiêng Vũng Liêm anh hùng.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, để biểu thị sự đồng lòng với đồng bào cả nước, kiên quyết giữ vững nền độc lập, quân và dân Nam Bộ đã có nhiều hoạt động để phân tán lực lượng, giam chân không cho thực dân Pháp đưa quân đội ra đánh ở miền Bắc và miền Trung.

Đó là những trận đánh, quấy rối của hàng chục đội tự vệ Thành và các đội cảm tử Sài Gòn kết hợp với các trận “kinh tế chiến”, “giao thông chiến” phá hoại đường giao thông và nhiều máy móc, nguyên liệu, cơ sở hậu cần của địch. Vì vậy, suốt mấy tháng liền, gần 4 vạn quân địch bị giam chân ở Nam Bộ, không thực hiện được tăng viện cho chiến trường miền Bắc.

Trên chiến trường Tây Nguyên, quân và dân ta tổ chức những trận phục kích địch trên các trục đường lớn, kết hợp với từng đợt bao vây uy hiếp đồn bốt, phá hoại cầu đường. Lực lượng vũ trang Cực Nam Trung Bộ cũng tổ chức các trận đánh giao thông trên đường số 1, đường số 11, đường xe lửa Phan Thiết- Sài Gòn, Tháp Chàm- Đà Lạt, đánh địch cơ động trên sông Phan,…

Có 2 trận nổi bật trong những trận đánh hòa nhịp cùng toàn quốc kháng chiến. Đó là tại Vĩnh Long, ngày 15/12/1946, địch huy động 2 đại đội có máy bay yểm trợ, càn vào xã Bình Phước (Châu Thành), lực lượng ta đã tổ chức phục kích ở cầu Cái Sao, bắn bị thương 40 tên, thu hơn 30 súng các loại; đồng thời, tiến hành bao vây các đồn lẻ, phá cầu đường trên Tỉnh lộ 17, cắt đứt đường từ Vĩnh Long đi Trà Vinh và các huyện, buộc địch chiếm đóng ở quận lỵ Vũng Liêm phải rút chạy về Trà Vinh.

Trận thứ hai, tại Trà Cú (Trà Vinh) quân, dân địa phương vây ép đồn Trà Cú bằng cả áp lực về kinh tế và quân sự; nửa đêm ngày 30/12/1946, ta công đồn, địch không có cứu viện, buộc phải tháo chạy, nhưng đã bị ta bắt sống toàn bộ người và vũ khí,...

Như vậy, sau ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh của toàn thể Nhân dân Việt Nam chính thức bắt đầu. Với ý chí kiên cường, đồng bào Nam Bộ cùng Nhân dân cả nước đã thực sự chia lửa và hiệp đồng tác chiến chặt chẽ trên khắp các chiến trường, quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.

Ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của đồng bào Nam Bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, và nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Người đã gửi điện khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.

Sự động viên và cũng là lời tiên đoán của Bác đã trở thành sự thật bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” lập lại hòa bình ở miền Bắc, sau đó là đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 9 tìm về không gian văn hóa lịch sử linh thiêng, đứng dưới chân tượng đài sừng sững Lê Cẩn- Nguyễn Giao, bên kia là gò bia khắc ghi sự kiện lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, khắc họa hình tượng đồng chí nữ lãnh đạo trẻ Nguyễn Thị Hồng ở tuổi 20, đã cùng với nhiều đồng chí trẻ tuổi khác, trong đó có đồng chí Phan Văn Hòa mới vừa 18 tuổi đã bản lĩnh lãnh đạo, góp công lớn vào cuộc khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm đạt thắng lợi hoàn toàn.

Do đó, mùa thu năm 1945 mở đầu cho Nam Bộ kháng chiến dẫn dắt đến cuộc kháng chiến toàn quốc, vai trò quan trọng của Vũng Liêm tạo tiếng vang trong buổi đầu Nam Bộ kháng chiến không phải là câu chuyện ngẫu nhiên.

Lịch sử luôn vận động theo quy luật tất yếu và luôn có tính biện chứng của lịch sử, dân tộc ta gọi đó là truyền thống của quê hương. Người dân tôn kính gọi là đất thiêng sinh những hào kiệt, hiền tài cho đất nước.

Tuổi trẻ về nguồn trong niềm tự hào với di sản vô giá của nền độc lập, hòa bình cha ông để lại và cả sứ mệnh vì tương lai thịnh vượng, phồn vinh của đất nước.
Tuổi trẻ về nguồn trong niềm tự hào với di sản vô giá của nền độc lập, hòa bình cha ông để lại và cả sứ mệnh vì tương lai thịnh vượng, phồn vinh của đất nước.

Nhắc chuyện lịch sử không đơn thuần là những sự kiện của quá khứ, mà thêm hiểu sâu sắc về dân tộc, về đất nước, về những anh hùng, nhân kiệt; qua đó mà tự hào, mà thêm động lực để nhìn lại mỗi người về trách nhiệm với gia tài, di sản vô giá của nền độc lập, hòa bình cha ông để lại và cả sứ mệnh vì tương lai thịnh vượng, phồn vinh của đất nước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh