Đối với người làm báo, được đi và được viết không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm vinh dự đầy tự hào. Đặc biệt, những chuyến công tác biển đảo Tây Nam, ra với Nhà giàn DK1, đón Tết ở Trường Sa… luôn là những hải trình mơ ước của mỗi người làm báo góp phần đem hơi ấm, tình cảm của đất liền ra với cán bộ, chiến sĩ thuộc quần đảo Trường Sa và mang tiếng nói của quân dân nơi đảo xa về với đất liền.
|
Nhà giàn DK1- ngôi nhà giữ biển giữa trùng khơi. |
Đối với người làm báo, được đi và được viết không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm vinh dự đầy tự hào. Đặc biệt, những chuyến công tác biển đảo Tây Nam, ra với Nhà giàn DK1, đón Tết ở Trường Sa… luôn là những hải trình mơ ước của mỗi người làm báo góp phần đem hơi ấm, tình cảm của đất liền ra với cán bộ, chiến sĩ thuộc quần đảo Trường Sa và mang tiếng nói của quân dân nơi đảo xa về với đất liền.
Mỗi chuyến hải trình cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc và trải nghiệm không bao giờ quên.
Ra với Nhà giàn DK1- những ngôi nhà giữ biển giữa đại dương xanh
Đầu năm 2019, chúng tôi háo hức lên chuyến tàu Trường Sa 08, hành trình mùa Xuân trên biển với hơn 700 hải lý, đến thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn với rất nhiều kỷ niệm, ấn tượng khó quên.
Nhớ mãi ánh mắt rạng ngời, giọng nói chắc nịch của các anh bộ đội nhà giàn: “Có chúng tôi ở đây thì chủ quyền vùng biển, vùng trời, thềm lục địa của Tổ quốc sẽ được bảo vệ toàn vẹn, vững chắc”.
Cụm Kinh tế- Khoa học kỹ thuật- Dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, gọi tắt là DK1, là vùng biển rộng lớn với diện tích trên 200.000km2 nằm trên thềm lục địa Đông Nam của nước ta.
Toàn khu vực DK1 có 9 bãi ngầm được đặt tên Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đinh. Các bãi khu vực DK1 hình thành và phát triển theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, nằm trọn trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sau hải trình lênh đênh trên biển, chúng tôi vô cùng phấn khích xen lẫn xúc động, bồi hồi khi thức dậy giữa đại dương bên Nhà giàn DK1 thuộc cụm bãi cạn Ba Kè. Nhà báo Minh Trạng- Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, bảo anh vô cùng háo hức không ngủ được, nên đã thức từ 3 giờ sáng để nhìn ngắm sao trời, đón Nhà giàn DK1 đầu tiên trên biển.
Theo nhà báo Minh Trạng, trước khi tác nghiệp chuyến hải trình dài gần nửa tháng lênh đênh trên biển ra với Nhà giàn DK1, điều làm anh ấn tượng nhất đó là sự hy sinh thầm lặng của các anh cán bộ, chiến sĩ dành cho phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí.
|
Nhà báo Minh Trạng trong chuyến công tác ra với Nhà giàn DK1 năm 2019. |
“Đó là nhường cho chúng tôi những chiếc giường đơn sơ. Đó là những viên thuốc chống say sóng, các anh đã nhường cho chúng tôi- những người lần đầu “ra biển lớn” say sóng “ói tới mật xanh”.
Và hơn tất cả, các anh đã hy sinh niềm vui cá nhân, gia đình mình để vì cái lớn hơn đó là niềm vui chung của dân tộc, của những mùa xuân bình yên trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Trở về đất liền, tôi đã viết về chuyến đi, về tình cảm thiêng liêng của các anh lính nhà giàn dành cho đoàn công tác, cho đất liền, cho quê hương.
Thế nhưng điều lắng đọng sâu sắc nhất, trực tiếp nhất và trọn vẹn nhất đó là tình yêu thiêng liêng dành cho biển đảo mà tôi từng có được. Nó ngấm vào trong mình như làn hơi gió biển sớm mai len nhẹ vào da, quyện vào cơ thể. Đối với tôi, tình yêu biển đảo làm tôi có nhiều xúc cảm sâu sắc nhất”- nhà báo Minh Trạng chia sẻ.
Một lần đến với Trường Sa
Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, chúng tôi theo chuyến tàu Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra khơi, mang theo những món quà, hơi thở mùa Xuân đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo. Đến với quần đảo Trường Sa- vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, là mong ước, khát khao lớn lao của mỗi người dân Việt Nam.
Quần đảo Trường Sa có tên tiếng Anh là Spratley Islands nằm ở phía Nam Biển Đông. Điểm gần nhất của quần đảo cách Vũng Tàu khoảng 340 hải lý và cách Cam Ranh khoảng 250 hải lý. Quần đảo Trường Sa có khoảng trên 150 đảo nổi, chìm lớn nhỏ với diện tích các đảo nổi vào khoảng 10km2.
Trong hải trình đó, chúng tôi được đến thăm một số đảo, điểm đóng quân thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Chuyến tàu cập cảng đảo Trường Sa khiến chúng tôi vô cùng phấn chấn và quên hết những sóng gió trên hành trình do thời tiết không thuận lợi. Đứng ở cột mốc đảo Trường Sa, chúng tôi vui sướng vì: “Đã chạm tới ước mơ”.
Đối với rất nhiều người dân Việt Nam, được một lần ra với Trường Sa luôn là ước mơ thật lớn lao, càng đặc biệt hơn khi chúng tôi còn được tác nghiệp nơi vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảo Trường Sa như một viên ngọc xanh lấp lánh giữa trùng khơi, các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khang trang, con đường từ cầu cảng dẫn đến khu trung tâm, trường học, trạm xá, chùa, khu nhà ở của các hộ dân… đều được đầu tư đẹp đẽ rợp bóng cây xanh. Nước ngọt, điện năng lượng sạch đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Trải qua hành trình dài xây dựng và phát triển, tầm quan trọng của việc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển đã được xác định từ sớm. Trong lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) tại đảo Trường Sa ngày 7/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: “...
Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa- một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”.
Huyện Trường Sa hôm nay đã mang diện mạo mới, đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng tốt hơn. Trường Sa đã và đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
|
Phóng viên Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tác nghiệp trên đảo Trường Sa đầu năm 2023. |
Ngày nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn phát huy cao độ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ- Người chiến sĩ Hải quân”, luôn nhận rõ vinh dự và trọng trách của mình, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với những tình cảm và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thời gian neo lại bên đảo cảm giác trôi qua thật nhanh. Nhưng những trải nghiệm trên những hải trình biển đảo thân yêu đã cho chúng tôi những cảm nhận rất đặc biệt về mảnh đất biển đảo quê hương thật thiêng liêng và gần gũi! Chúng tôi vẫn nhớ những cái bắt tay thật chặt của quân dân trên đảo, cùng tiếng hát ríu rít của các em nhỏ trong bài đồng dao rộn rã: Nu na nu nống… Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin