Đối với nghề báo, phụ nữ ít được đánh giá cao phù hợp với nghề hơn nam giới vì tính chất công việc phải đi nhiều, có khi còn gặp nguy hiểm. Tuy nhiên không vì vậy mà thiếu đi những nhà báo nữ năng động, giỏi giang. Chỉ cần có nhiệt huyết, có lòng yêu nghề, không ngừng học tập rèn luyện thì nhà báo nữ vẫn tỏa sáng.
|
Nhà báo nữ tác nghiệp trên Nhà giàn DK1 với những trải nghiệm tuyệt vời. |
Đối với nghề báo, phụ nữ ít được đánh giá cao phù hợp với nghề hơn nam giới vì tính chất công việc phải đi nhiều, có khi còn gặp nguy hiểm. Tuy nhiên không vì vậy mà thiếu đi những nhà báo nữ năng động, giỏi giang. Chỉ cần có nhiệt huyết, có lòng yêu nghề, không ngừng học tập rèn luyện thì nhà báo nữ vẫn tỏa sáng.
Nhiều cung bậc cảm xúc
Nhiều chị em yêu thích mới quyết tâm theo nghề, nhưng cũng có không ít chị em vì “dòng đời đưa đẩy” mà theo nghề rồi yêu luôn lúc nào không hay.
Bất cứ ai lựa chọn làm báo cũng phải đối mặt với những khó khăn, vất vả. Công việc của một phóng viên dường như không có ngày nghỉ, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua đều phải sẵn sàng trong trạng thái “tác chiến” với tin, bài, sự kiện “nóng” vào bất cứ lúc nào.
Phụ nữ làm báo cũng có nhiều thế mạnh mà nam giới không thể hơn được. Trong đó nổi bật là sự cẩn thận, chỉn chu và tư duy nhạy bén. Thuận lợi hơn trong các mối liên hệ công tác, dễ dàng gần gũi và đồng cảm tiếp xúc với nhân vật, lời nói dịu dàng mềm mỏng dễ thuyết phục lòng người.
Tuy nhiên, đối với những phóng viên nữ đã có gia đình, công việc bận rộn, những chuyến công tác dài ngày khiến thời gian dành cho gia đình ít đi, không thể chu toàn trách nhiệm với gia đình. Đặc biệt là nhà báo nữ bị hạn chế về thể chất và sức khỏe so với nam giới khi phải tác chiến ở những mặt trận “gai góc”.
|
Nhiều lúc phải “trầm mình” để trải nghiệm thực tế cùng với nhân vật. |
Tuy nhiên, lòng yêu nghề và nhiệt huyết đã biến thành sức mạnh để họ làm việc, cống hiến không thua kém gì nam giới. Các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành báo chí.
“Phóng viên nữ cũng xông pha giống như nam giới. Dù ở hoàn cảnh khó khăn nào cũng cố gắng hết sức mình để kịp thời thông tin tới công chúng những nội dung hay, chính xác. Chọn cái nghề vất vả này, nhà báo nữ phải chịu nhiều áp lực, trong đầu vẫn luôn quẩn quanh với những suy nghĩ, ý tưởng, kế hoạch phải làm gì cho ngày mai”- nhà báo Tuyết Hiền (Báo Vĩnh Long) chia sẻ.
Viết về mảng NTM, nhà báo Xuân Tươi (Báo Vĩnh Long) đi cơ sở hàng ngày. “Muốn gặp nông dân thì gặp ở đồng, ở nhà dân, mới có chất liệu từ cơ sở. Hôm nào đi huyện xa thì phải thức từ rất sớm để chuẩn bị. Có ngày phải đi liên tiếp mấy huyện để theo kịp sự kiện, đến tận 10 giờ đêm mới về tới nhà. Những lúc đó tôi lại nghĩ nghề mình sao vất vả đến thế. Nhưng khi những tác phẩm “ra lò” có thành tựu thì lại rất vui, rất tự hào, những khó khăn vất vả như tan biến”.
Viết về mảng kinh tế nông nghiệp, môi trường, nữ nhà báo Thảo Ly (Báo Vĩnh Long) như luôn “gắn với” thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Nắm bắt kịp thời và nhanh chóng có mặt tại “hiện trường” trong những trận thiên tai, sạt lở hay lội đồng lội ruộng, phải tiếp xúc với bệnh dịch trên gia súc, gia cầm đều là “chuyện bình thường”.
|
Nhà báo Thảo Ly lội ruộng nhưng cũng không quên chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm cùng cây lúa vàng ươm. |
“Những lúc cực khổ và nguy hiểm, tôi thầm nghĩ sao mình có thể mạnh mẽ như thế, lòng yêu nghề và những trải nghiệm thú vị khi tác nghiệp đúc kết cho tôi nhiều bài học hay về giá trị của cuộc sống. Điều đó khiến tôi thêm sức mạnh bước tiếp”.
Phụ trách mảng y tế, nhà báo Thúy Quyên (Báo Vĩnh Long) cũng từng xông pha mặt trận phòng chống dịch COVID-19 với nhiều cung bậc cảm xúc khó nói nên lời. Không ngại trang bị kín mít như lực lượng y, bác sĩ để vào thăm bệnh nhân, để thông tin thời sự kịp thời hay theo những đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch, những đoàn hỗ trợ an sinh xã hội các khu vực cách ly.
“Có con nhỏ nên tôi cũng khá lo, nhiều khi về phải tự cách ly với con. Nhưng với lòng yêu nghề tất cả cũng đã vượt qua”- nhà báo Thúy Quyên chia sẻ.
Nhà báo Cẩm Huệ thì không bao giờ quên khoảng thời gian gần nửa tháng say sóng khi đi tác nghiệp thăm Nhà giàn DK1. Nhà báo Cẩm Huệ chia sẻ: “Phóng viên muốn lên được nhà giàn thì ngoài sức khỏe tốt, sự nhanh nhẹn còn đòi hỏi phải có một bản lĩnh kiên cường. Đây sẽ là trải nghiệm có một không hai đối với nghề báo của tôi. Khi bước lên được nhà giàn tôi có một cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng vô cùng tự hào. Đặc biệt, là sự cảm phục về tinh thần của tất cả các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm công tác trên các
nhà giàn”.
Không ngừng phấn đấu nâng cao nghiệp vụ
Với những ưu thế và với trách nhiệm của những người cầm bút, các nhà báo nữ đã không ngừng học hỏi, hăng say, tận tâm với nghề nên đã tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều tác phẩm của chị em đã có sức ảnh hưởng, có tác động tích cực với xã hội.
Trong nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, có rất nhiều nhà báo nữ đang đảm nhận các chương trình, chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài tạo được dấu ấn trong lòng độc giả. Một số nhà báo nữ còn được tin tưởng giao giữ những chức vụ cao trong đơn vị. Nhiều tác giả với những đứa con tinh thần của mình đã xuất sắc đạt nhiều giải thưởng cao từ Trung ương đến địa phương.
Đây chính là động lực to lớn để chị em tiếp tục phấn đấu, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề, tiếp tục cống hiến cho công tác thông tin tuyên truyền, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Ở nhiều cơ quan đơn vị, các nữ nhà báo, phóng viên đã và đang đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, họ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, chăm lo, xây dựng tổ ấm gia đình, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Nam hay nữ làm báo thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải trang bị đủ kỹ năng, đủ kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ, công việc cơ quan giao.
Nhà báo nữ cũng như những người làm báo phải không ngừng học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn lẫn ngoại ngữ; biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Vào nghề hơn 1 năm, phóng viên Thảo Tiên (Báo Vĩnh Long) chia sẻ: “Bằng sức trẻ và sự năng động tôi sẵn sàng dấn thân. Cái khó của người mới bước chân vào nghề như tôi là cách phát hiện đề tài, xây dựng được lòng tin để thiết lập mối quan hệ trong công tác. Vì thế tôi phải cố gắng rất nhiều để học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh của những người làm báo chuyên nghiệp. Tôi đọc nhiều báo, học tập cách viết tin, bài của anh chị đi trước và rèn luyện khả năng giao tiếp”.
|
Nhà báo nữ được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đúc kết được nhiều giá trị cuộc sống. |
Nhà báo Xuân Tươi cũng cho rằng, bối cảnh công nghệ hiện đại kéo theo sự cạnh tranh về thông tin, đòi hỏi phóng viên luôn trong tư thế sẵn sàng để tác nghiệp nhanh, chính xác, cẩn trọng. Đối với tôi để làm tốt nghề báo, có những tác phẩm hay thì mình phải không ngừng học hỏi, rèn luyện khả năng tư duy, thường xuyên đi cơ sở phát hiện vấn đề bạn đọc quan tâm để bài viết mang hơi thở của cuộc sống. Điều quan trọng nhất của người làm báo vẫn là làm sao để bản thân trở thành một nhà báo có phẩm chất, đạo đức của người làm báo, luôn giữ cho mình “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Hồng Thư
Một bài báo hay, thuyết phục độc giả đòi hỏi nhà báo phải học tập, nghiên cứu và vận dụng từ thực tiễn cuộc sống vào bài viết. Viết báo là một nghề vất vả, phải đi nhiều, suy nghĩ nhiều, đôi khi không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí gặp nguy hiểm, tất cả điều này cho thấy nó càng khó khăn hơn đối với nhà báo nữ. Tính chất công việc khiến nhà báo nữ phải chịu nhiều áp lực khi công việc đòi hỏi sự đầu tư cả công sức và trí tuệ. Để làm tốt thì phải học tập không ngừng nghỉ, luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng và sự khéo léo trong giao tiếp. Ngoài công việc, nhà báo nữ còn có gia đình phải chăm lo, vai trò làm vợ, làm mẹ cũng không thể bỏ qua. Một khi đã chọn nghề báo đòi hỏi chị em phải thật sự yêu nghề, bởi chỉ có niềm đam mê cùng với sự nhiệt huyết mới giúp ta vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
|
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin