Tặng nội một đóa hoa yêu thương

06:03, 06/03/2023

8/3 năm nay, tôi sẽ mua hoa tặng nội. Vì dường như cả cuộc đời chắt chiu vì con cháu... bà chưa từng mua hoa cho mình.

Bà luôn dành cho các cháu tình yêu thương vô bờ bến.
Bà luôn dành cho các cháu tình yêu thương vô bờ bến.

8/3 năm nay, tôi sẽ mua hoa tặng nội. Vì dường như cả cuộc đời chắt chiu vì con cháu... bà chưa từng mua hoa cho mình.

Nội sinh ra khi chiến tranh còn trên dải dài đất nước. Ngoài 80 tuổi nhưng nội vẫn nhớ như in nỗi đau mất em trai trong một trận mưa bom. Chồng mất sớm, nội không đi bước nữa. Những mất mát, những ngày đói ăn, thiếu mặc, một mình gồng gánh nuôi các con đã dần hình thành tính cách rắn rỏi, đầy chịu đựng của nội.

Tuổi thơ chúng tôi sống cùng nội đầy ắp tiếng cười dù không có internet, không trò vui trên điện thoại. Chúng tôi lớn lên từ câu hát “ầu ơ ví dầu” của nội. Nội có chiếc cassette nhỏ, nâng niu những chiếc băng thâu đủ loại tuồng cải lương, nội ngân nga hát, rồi chúng tôi cũng bất giác ê a câu nói đầu đời, yêu tiếng hát quê mình thiết tha.

Buổi trưa hè, nội đốn cây dừa nước, chằm lá lợp lại mái nhà. Nội sẽ chặt bập dừa làm phao để chúng tôi học bơi và nhiệt tình cổ vũ khi thấy cháu mình đua “thuyền” giỏi hơn bé hàng xóm. Lúc tắm xong, chúng tôi lên bờ len lén ăn cắp tấm lá chằm của nội để cất nhà chòi. Dù biết nhưng nội phì cười, cứ để cháu chơi. Nội hay làm bánh lá, nội biểu đi hái lá mơ cho nội vò lấy nước rồi trộn vào bột. Bánh khéo léo nắn trên lá mít, hấp lên thơm nức cả mũi, quệt trong nước cốt dừa béo ngậy. Nhắc lại mà thèm đến chảy nước mắt. Ước gì mình bé lại để được ăn bánh lá!

Ký ức với nội đong đầy nhất là những ngày Tết. Tết vừa là thời khắc chuyển giao của đất trời, cũng trùng vào ngày giỗ của ông nên nội luôn tất bật hơn ngày thường. Bà tự tay chăm chút gói từng đòn bánh tét, biết chúng tôi thích bánh không nhưn nên lúc nào trong nồi bánh cũng có đòn bé tí chỉ gói toàn với nếp. Gà chưa gáy đã thấy nội dậy, cả gian bếp sáng choang. Ánh sáng hắt lên từ bếp củi chập chờn, khói cay xè mắt nhưng ấm áp đến lạ vì luôn có bóng bà nội loay hoay trong bếp.

Bà nội có một cái túi áo “thần kỳ”. Nội luôn gom góp tiền bán trái cây cất trong túi. Dù chúng tôi trưởng thành đến mấy, đi xa thế nào thì mỗi lần quay về, bà đều thò tay vào túi, có dăm ba trăm dúi cho con cháu.

Một trong những đoạn trích đoạn đắt giá nhất trong tiểu thuyết “Nếu em không phải một giấc mơ” của Marc Levy mà tôi nhớ mãi là: “Nếu anh muốn biết giá trị của một năm cuộc đời, thì cứ đi hỏi cậu sinh viên vừa trượt kỳ thi cuối năm ấy/ Một tháng, hãy hỏi một bà mẹ vừa sinh hạ đứa con đầu lòng/ Một tuần, hãy hỏi người thợ đang làm việc trong lòng đất hay hầm mỏ để nuôi gia đình/ Một giờ, hãy hỏi đôi bạn trẻ đang yêu háo hức đợi chờ khoảng khắc gặp lại nhau lần nữa/ Một giây, hãy hỏi ai đó vừa sống sót sau một tại nạn/ Còn một phần nghìn giây, anh hãy hỏi ai đó vừa giành huy chương vàng thế vận hội”.

Đôi khi việc sống trong những điều thường nhật quen thuộc khiến ta quên mất sự kỳ diệu của tình yêu hay sự kỳ diệu của cuộc đời này. Một đời người chẳng mấy chốc mà trăm năm. Khi nhìn nội- người phụ nữ một thời tung hoành ngang dọc, nay giống như một nhánh cây khô giữa cánh đồng thời gian. Chúng tôi mới vỡ òa. Thời gian quý nhất lúc này là mỗi một giây còn có thể nắm lấy tay nội.

8/3 là dịp đặc biệt để tỏ lòng tri ân và thể hiện tình yêu thương với những người phụ nữ quanh mình. Tôi sẽ mua hoa tặng nội. Vì dường như cả cuộc đời chắt chiu vì con cháu... bà chưa từng mua hoa cho mình. Dù biết có một ngày bông hoa kia sẽ tàn, nhưng nội thì mãi mãi trong tim chúng tôi...

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh