Giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Cập nhật, 10:53, Thứ Năm, 02/03/2023 (GMT+7)

 

Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tổ chức tối 28/2, tại Thủ đô Hà Nội.Ảnh: Chụp màn hình
Chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tổ chức tối 28/2, tại Thủ đô Hà Nội.Ảnh: Chụp màn hình

80 năm trước, tháng 2/1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam”- văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, bản đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.

Đề cương về văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề cương), xác định chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhìn lại 80 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, những giá trị cơ bản và cốt lõi của Đề cương vẫn luôn luôn là những định hướng có ý nghĩa chiến lược, được kế thừa, phát huy và phát triển trong hoạt động thực tiễn, là cội nguồn và động lực để khơi dậy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Đặng Duy Đức- nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng: “Trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh hiện nay, nhìn lại những giá trị cơ bản và cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về ý nghĩa, vai trò của Đề cương, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của Đề cương trong xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay”.

Trong hoàn cảnh lịch sử của những năm 40 thế kỷ XX, đời sống văn học, nghệ thuật dân tộc bị bế tắc, trong bối cảnh hỗn loạn về tranh chấp ảnh hưởng của các thế lực ngoại xâm.

Việc Đảng ta lựa chọn lĩnh vực văn học, nghệ thuật để lãnh đạo, chỉ đạo là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật và đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ phát huy vai trò tích cực trong việc định hướng, tuyên truyền, vận động cách mạng, cổ vũ, động viên nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Như vậy, sự lựa chọn 3 lĩnh vực cơ bản của văn hóa là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật để lãnh đạo và chỉ đạo là sự lựa chọn mang tính tiên quyết những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết được đặt ra.

Các lĩnh vực này không phải là những thành tố biệt lập mà có mối quan hệ biện chứng với nhau, hỗ trợ, thúc đẩy nhau để nâng cao trình độ văn hóa chung của xã hội, gắn kết văn hóa với mục tiêu chính trị nhằm khơi dậy và phát huy vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại giải phóng dân tộc và đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển chế độ xã hội mới, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.

Đề cương đã nhấn mạnh đến tính tất yếu của cách mạng văn hóa và vai trò của cách mạng văn hóa đối với nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời, Đề cương đã khẳng định một nguyên tắc cơ bản là cách mạng văn hóa muốn thành công thì phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng lãnh đạo văn hóa vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là động lực để phát huy sức mạnh con người và giá trị văn hóa Việt Nam trong cuộc kháng chiến kiến quốc.

Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa đã được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam thông qua bản Đề cương này. Đảng lãnh đạo văn hóa nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước.

Theo PGS.TS Đặng Duy Đức: “Vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa được khẳng định trong Đề cương này cũng đồng nghĩa với việc xác định trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với vấn đề xây dựng đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa dân tộc trong mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể.

 Đờn ca tài tử- nét đặc sắc văn hóa Nam Bộ.  Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN
Đờn ca tài tử- nét đặc sắc văn hóa Nam Bộ. Ảnh: HUỲNH THANH THIỆN

Vì tính chất của nền văn hóa cách mạng, Đề cương đã xác định là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Nền văn hóa này dựa trên cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa Mác- Lênin, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là những mục tiêu lớn cần phấn đấu liên tục và bền bỉ để hiện thực hóa mục tiêu này trong thực tiễn cách mạng”.

Giá trị lý luận nổi bật của Đề cương là Đảng ta đã nêu lên 3 nguyên tắc của vận động xây dựng văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này. Đó là: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

3 nguyên tắc này đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của thực tiễn làm cơ sở để Đảng lãnh đạo, tổ chức và huy động các lực lượng văn hóa, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy khát vọng giải phóng dân tộc, đập tan chế độ phát xít, thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đánh giá về bản Đề cương văn hóa, GS Nguyễn Đức Bình- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đã nhận xét: “Đó là đỉnh cao trí tuệ đương thời, là nhận thức sắc bén về tình hình, là dự báo khoa học về tương lai, là sức mạnh tinh thần to lớn mà đất nước đang cần”.

Có thể nói Đề cương là sự tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng qua 12 năm (1930-1943) của Đảng, đồng thời đây là Tuyên ngôn có ý nghĩa chiến lược của Đảng về xây dựng nền văn hóa cách mạng, vừa có ý nghĩa lịch sử, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam đương thời, vừa có ý nghĩa vượt thời đại, làm kim chỉ nam cho quá trình lãnh đạo văn hóa của Đảng không chỉ trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ mà cả trong thời kỳ xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG