Nhớ Tết quê xưa

10:01, 19/01/2023

Những câu chuyện ngày xưa tưởng chừng xa lơ, xa lắc lại hiện lên trong niềm nhớ của chúng tôi trong những ngày giáp Tết. Tết quê xưa không đầy đủ như bây giờ nhưng vui vẻ, đầm ấm và gần gũi, rất chân quê và rất Tết.

 

Tết về vàng rực mái nhà quê.Ảnh minh họa
Tết về vàng rực mái nhà quê.Ảnh minh họa

Những câu chuyện ngày xưa tưởng chừng xa lơ, xa lắc lại hiện lên trong niềm nhớ của chúng tôi trong những ngày giáp Tết. Tết quê xưa không đầy đủ như bây giờ nhưng vui vẻ, đầm ấm và gần gũi, rất chân quê và rất Tết.

Những ngày tháng Chạp, khi chú hàng xóm đang mở nhạc xuân miễn phí cho cả xóm nghe, tôi nhớ Tết của những năm 90 của thế kỷ XX. Nghe như xa lắc lơ nhưng mới hai mươi mấy năm trước,…

Lối đầu tháng Chạp, 3 lò tráng bánh xóm tôi sẽ hoạt động hết công suất, bà con phải xếp hàng để mang bột sang tráng bánh. Nhà nào cũng tráng ít nhất vài ký bánh để dành ăn Tết, nên lò bánh đỏ lửa từ khuya. Những cái bánh tráng nóng hổi đầu tiên ra lò được đám trẻ tranh nhau ăn ngon lành như mĩ vị - dù chỉ được làm từ bột gạo, nước cốt dừa và chút muối hột. Đến lượt những cái bánh tròn trịa ngon lành ra lò thì được để lên vỉ phơi - đương bằng lá dừa nước, đủ một nắng là ráo hoảnh.

Bánh tráng phổ biến nhất là bánh tráng nhúng nước dùng gói cá lóc nướng, gói mứt… gói tất cả những gì có thể gói được bằng sự sáng tạo của bọn con nít chúng tôi. Bánh tráng ngọt để ăn chơi, bánh tráng dừa để lên than củi nướng thơm phưn phức, giòn rụm, ngon không thể diễn tả bằng lời. Những buổi tối giáp Tết, sau khi đồng áng, cơm nước xong xuôi, làng xóm lại rộn ràng trong tiếng chày cối quết cốm dẹp đều đều. Hòa cùng âm thanh đó, tiếng trẻ con trong xóm tụ tập chơi đuổi bắt, lò cò, trốn tìm,…

Ba tôi thì Tết nào cũng hái một hai chục dừa cứng cạy để cho má làm mứt. Cùng với mứt dừa là mứt dẻo, mứt chuối, mứt gừng… tất cả đều “made in nhà mình”. Có lẽ vì vậy mà mùi mứt thơm ngọt béo đó tôi còn nhớ đến bây giờ. Và dù năm tháng có đi qua, có được ăn nhiều loại bánh mứt ngon hơn, đẹp hơn tôi vẫn không quên mứt Tết xưa nhà làm. Xong mứt lại tới làm dưa chua theo lịch trình: dưa kiệu làm trước, dưa cải làm sau, chua chua, giòn, ngọt,… Sau dưa là bánh tét, bánh in, thịt kho hột vịt,… Tất cả như một hành trình mùa xuân, mỗi năm lại đến mà tôi vẫn háo hức trông mong.

Những buổi chợ Tết, khuya lơ khuya lắc tôi và má đã có mặt “giành chỗ ngồi” để bán có khi mớ rau cải, có khi mấy con cá ba cắm câu, mớ mận ổi,… Tôi thích đi chợ Tết để cảm nhận cái rộn ràng, sôi động mà ngày thường chợ huyện chưa từng có. Hơn hết là những chợ hoa xuân, chợ dưa hấu đủ sắc màu mà tôi luôn thèm thuồng mỗi khi đi chợ. Tôi đã từng trông đến Tết để được ăn dưa hấu no nê và trong mắt tôi lúc đó, không có loại trái cây nào ngon hơn dưa hấu!

Bữa cơm Tết của gia đình đông con thôn quê chỉ có đúng món thịt kho hột vịt ăn với bánh tét, dưa chua, dưa hấu mà “ngon lành cành đào”. Thỉnh thoảng có chút lạp xưởng thì chị em tranh nhau, ăn vừa ngon vừa vui, …

Thương lắm… Tết xưa!

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh