Bắt đầu từ giữa tháng Chạp, "nghề xưa" chỉ xuất hiện bằng vài dòng đơn sơ trên thùng xe cùng tiếng rao dài theo những bước chân cuối phố, hay "nghề nay" được sinh ra để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống hiện đại.
Ôm mùa Xuân vào lòng, mong được mùa, được giá. |
Có Tết mới có nghề, thấy nghề là thấy Tết.
Nghề xưa chưa cũ
Tết không chỉ gói gọn trong ba ngày, mà từ trước đó, từ những ngày rộn ràng với việc trang hoàng nhà cửa, việc lau dọn nơi thờ cúng tổ tiên, thay cát cho lư hương, đánh bóng chân đèn, cắm hoa, châm trà… đều trở thành nét đẹp truyền thống lâu đời, như niềm mong ước về một năm mới thêm nhiều điều may mắn, tốt đẹp.
Người bán cát lư hương nơi góc chợ. |
Từ đầu tháng Chạp, anh Nguyễn Hùng Cường sống tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã lấy về cả tấn cát trắng để lư hương từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để bán ở các chợ miền Tây. Theo anh Cường, cát trắng Nha Trang có độ mịn, ít tạp chất nên rút ngắn thời gian đãi sạch. Hàng năm, bốn anh em chia nhau đi bán khắp các tỉnh miền Tây, anh Cường chọn Vĩnh Long làm điểm buôn bán đầu tiên vì “chợ ở đây đông vui”.
Công việc vốn dĩ mang tính thời vụ nên anh Cường chỉ mang theo một chiếc ba lô, chiếc xe đẩy, hơn chục ký cát trắng đựng trong túi nilon loại 1kg, 10.000 đ/túi. Anh Cường nói: “Tết tui mới bán cát lư hương kiếm thêm thu nhập, hôm qua nay bán được trăm bịch rồi, mong cho bán hết sớm về nhà ăn Tết sớm”.
Cách đó không xa, bên cạnh chiếc mô tơ điện đang “hú liên hồi” là người thợ chùi lư đánh bóng “cấp tốc” cặp chân đèn thờ. Hơn 8 năm chùi lư đồng, anh Huỳnh Văn Lực (TX Bình Minh) cho biết: “Tui quý nghề dữ lắm, Tết nào tui cũng xách xe máy chạy đi chùi lư cho chùa, miếu, khách vãng lai ở khắp nơi. Alo là tui tới tận nhà”. Giá từ 100.000 - 150.000 đ/bộ, anh thợ chùi lư có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày vào dịp Tết.
Chùi lư đồng là hình ảnh quen thuộc ngày Tết. |
Nghề nay đắt khách
Khi rất nhiều người nuôi thú cưng thường hay vắng nhà để “đi chơi Tết” thì việc tìm kiếm một nơi an toàn, chăm lo cho thú cưng là rất cần thiết. Các dịch vụ “làm đẹp” cho chó, mèo cũng rất được ưa chuộng. Còn dịch vụ “khách sạn cho thú cưng” thì khách phải đặt lịch trước cả tháng với chi phí hơn 70.000 đ/ngày.
Chủ cửa hàng chăm sóc thú cưng (Phường 3, TP Vĩnh Long) anh Trần Vũ Linh cho biết: “Tiệm đã kín lịch tắm gội, cắt tỉa lông cho thú cưng vào cuối tháng Chạp. Có nhiều khách đã đặt chỗ trước để lưu giữ chó, mèo, chi phí trong mùa Tết tăng hơn ngày thường khoảng vài chục ngàn đồng”.
Người đô thị cuối năm còn tìm đến các tiệm giặt ủi để giặt mùng, màn, ga, gối... Nhân viên tại một cửa tiệm giặt ủi trên đường Trưng Nữ Vương (TP Vĩnh Long) cho biết: “Để tránh tình trạng quá tải, tiệm phải gia hạn thời gian nhận đồ của khách từ 1 - 2 ngày. Chi phí mỗi món đồ vài chục ngàn đồng/món”.
Còn rất nhiều nghề của Tết sống len lỏi trong khắp các hẻm nhỏ: mài dao, sửa thớt, sơn tủ, bàn ghế… |
Những nghề “xưa và nay” của Tết không chỉ gợi cho người ta nhớ về ký ức mà còn giúp những người làm nghề có thêm mùa Tết ấm.
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin