Đến xứ sở triệu voi cảm nhận nét đẹp văn hóa Lào

Kỳ 2: Viêng Chăn - Thủ đô hiền hòa bên dòng Mekong

Cập nhật, 21:15, Thứ Sáu, 09/12/2022 (GMT+7)
Viêng Chăn có nét đẹp bình yên, trầm lắng đậm màu sắc của đất nước có hơn 60% dân số theo đạo Phật. Đến đây, đừng quên “check in” các ngôi chùa với kiến trúc độc đáo là biểu tượng, niềm tự hào của người dân Lào. Dọc theo đại lộ, hãy dừng lại ngắm dòng Mekong nặng phù sa và những công trình hữu nghị Việt Nam - Lào. 
Chùa Thạt Luổng nhìn từ xa.
Chùa Thạt Luổng nhìn từ xa.
Đến với Viêng Chăn
 
Tôi đã dành quỹ thời gian khá nhiều để vi vu ở Viêng Chăn, dạo quanh những công trình kiến trúc Phật giáo, công trình Việt Nam tại Lào và ngắm dòng sông Mekong. Có thể nói, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, trang phục Lào… đều mang dấu ấn tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Văn hóa Phật giáo đi sâu vào tư tưởng để lại dấu ấn rõ nét trong đời sống của người dân nơi đây.
 
Một chiều nắng nhẹ, tôi đến viếng chùa Thạt Luổng - ngôi chùa cổ lớn nhất nước này là công trình kiến trúc độc đáo, mang màu sắc đặc trưng, tính tôn giáo sâu sắc, biểu tượng cho sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết của nhân dân Lào.
 
Nhìn từ xa, Thạt Luổng như một tòa sen khổng lồ đang nâng bảo vật dát vàng óng ánh. Hình chùa Thạt Luổng được in trên tờ tiền kip và Quốc huy Lào. Theo tiếng Lào, Thạt Luổng có nghĩa là tháp lớn. Chỉ cần nhìn ngôi chùa nguy nga vàng óng thì có thể hiểu tầm vóc của một đất nước Phật giáo. Màu vàng rực rỡ óng ánh dưới nắng, chùa Thạt Luổng như dấu ấn thời gian không thay đổi còn là nơi chụp ảnh cưới của các cặp đôi.
 
Nổi bật giữa Thủ đô Viêng Chăn là Khải hoàn môn (Patuxai) - biểu tượng chiến thắng của người dân Lào, được xây dựng vào năm 1957. Khải hoàn môn là công trình để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào. Do đó, còn có tên gọi khác là Đài chiến sĩ vô danh. Khải hoàn môn cao 55m có 4 mặt, mỗi mặt ngang 24m, gồm 7 tầng tháp và 2 tầng phụ. Buổi chiều, Khải hoàn môn còn là điểm dừng chân dạo mát, tản bộ của nhiều người.
 
Đến với xứ sở của hoa chăm pa không thể bỏ qua vườn tượng Phật (Wat Xieng Khuan), với gần 300 bức tượng về con người, thần, động vật, quỷ, mỗi bức tượng thể hiện sự hòa trộn giữa Hindu giáo và Phật giáo. Nổi bật là tượng Phật nằm khổng lồ dài 40m, hầu như tất cả du khách đều “check in” tại bức tượng này. 
 
Tại vườn tượng Phật, tôi gặp lại người quen là các cô chú hưu trí ở TP Hồ Chí Minh đi cùng chuyến bay lúc sang Lào. Cũng trong đồng phục áo dài - hôm nay là màu xanh, các cô làm đẹp thêm nơi đây bằng nét văn hóa Việt Nam truyền thống. 
Chùa Thạt Luổng được xây dựng vào thế kỷ XVI, khi Vương quốc triệu voi dời đô từ Luông Pha Băng về Viêng Chăn. Theo người Lào, Thạt Luổng là một trong số ít những chùa đạo Phật trên thế giới lưu giữ được xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi người nhập niết bàn.

Những công trình của tình hữu nghị

 
Dọc theo đại lộ Lan Xang rợp bóng cây là những công trình lớn, những di sản Lào không thể bỏ qua: Khải hoàn môn, chùa Thạt Luổng và Tòa nhà Quốc hội Lào nguy nga, hiện đại. Chúng tôi cố tình đến thăm công trình Tòa nhà Quốc hội Lào dù hơi lo lắng, vì không biết có được chụp ảnh không? Nhưng các anh bảo vệ chỉ nhìn cười rồi thôi, chắc nghe chúng tôi nói tiếng Việt! 
 
Tòa nhà Quốc hội Lào là “quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của hai đất nước. Đây còn là niềm vui, niềm tự hào của chúng tôi - những người Việt Nam khi được góp chút sức cho nước bạn Lào. Công trình nhà Quốc hội Lào là sự tiếp nối truyền thống hữu nghị giữa hai nước trong giai đoạn mới. Công trình được xây dựng trên nền Tòa nhà Quốc hội cũ tại quảng trường trung tâm Thủ đô Viêng Chăn với diện tích hơn 23.000m2, diện tích xây dựng hơn 7.000m2 gồm 1 tầng hầm và 5 tầng nổi. Tổng vốn đầu tư 112 triệu USD. 
 
Rời những công trình lớn trên đại lộ Lan Xang, tôi đến Trường Song ngữ Nguyễn Du, ngôi trường dạy 2 thứ tiếng Việt- Lào, cũng là công trình Việt Nam xây tặng Lào. Bước vào lớp 1 của ngôi trường có đủ cấp học, lòng tôi cảm thấy rất thân thương. Các bé mắt tròn xoe đang đọc theo cô giáo tiếng Lào và ở bên kia bảng là tiếng Việt. Phía trên bục giảng là hình ảnh hai lãnh đạo vĩ đại của Việt Nam và Lào là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
 
Một góc Thủ đô Viêng Chăn bên dòng Mekong.
Một góc Thủ đô Viêng Chăn bên dòng Mekong.
Tôi dạo dọc theo dòng sông Mekong hiền hòa, đỏ nặng phù sa, uốn lượn quanh Thủ đô Viêng Chăn như chiếc khăn choàng trên trang phục Sinh duyên dáng của người phụ nữ Lào. Từ bên đây bờ Viêng Chăn phóng tầm mắt qua bên kia bờ, có thể ngắm cảnh đất nước Thái Lan vì sông Mekong là ranh giới tự nhiên của hai quốc gia ở khu vực này. Nếu lấy “view” phía sau là bên kia sông và chụp một bức ảnh “tự sướng” bạn có thể “check in” ở Thái Lan.
 
Dòng sông Mekong mang phù sa cho cây trái tốt tươi, soi bóng những công trình cao tầng ở Thủ đô Viêng Chăn. Tôi yêu quý dòng sông Mekong không chỉ vì nó là 1 trong 7 con sông lớn nhất thế giới, mà bởi, nơi hạ lưu dòng sông này là đất nước Việt Nam, chỉ cần nghĩ bao nhiêu đó thôi, cũng đủ để thấy gần gũi, thân thương. Tôi đứng đợi gần 2 giờ, chờ tạnh mưa, để chụp ảnh dòng sông này.
 
Chợt nhớ đến lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Việt Nam và Lào có núi liền núi, sông liền sông” tin rằng hai dân tộc hai đất nước ngày càng phát triển về kinh tế, xã hội và cả tình đồng chí, anh em. Những yếu tố về lịch sử, địa lý và con người đã gắn kết hai đất nước bằng sợi dây vĩnh hằng là dòng Mekong, nối liền nhau cùng đổ ra biển lớn.
 
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
>> Kỳ cuối: Những “đại sứ” nâng tầm hữu nghị Việt Nam - Lào
    

 

Các tin khác: