"Kiến trúc sư khai phá Đồng Tháp Mười"

Cập nhật, 13:03, Thứ Ba, 22/11/2022 (GMT+7)
Ruộng lúa Đồng Tháp Mười hôm nay.Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Ruộng lúa Đồng Tháp Mười hôm nay.Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Câu chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo tiến công vào Đồng Tháp Mười (ĐTM) và sau đó là khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên, không chỉ đơn giản là giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

Nhìn rộng ra trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, công tác đối nội và đối ngoại trong hoàn cảnh đất nước bị cô lập, cấm vận, mới thấy hết được tầm nhìn sâu rộng của người. Đó là tầm vóc của bộ óc lãnh đạo kiệt xuất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong chỉ đạo phát triển ĐBSCL như “đòn bẩy nội lực” phá thế bao vây về mọi mặt giúp đất nước ta vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức.

Lấy hạt gạo phá thế bao vây

Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta nghiên cứu kỹ bài viết “Đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo” của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, để soi rọi lại những mối quan hệ ngoại giao và hoàn cảnh nước ta trong những thập niên đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mới thấy đó là những quyết định táo bạo, sáng suốt của người đứng đầu Chính phủ trong thời điểm cực kỳ khó khăn mà chúng ta không thể tranh thủ “ngoại lực”, bất kỳ hỗ trợ nào từ bên ngoài.

Qua những phân tích tình hình của đồng chí Đỗ Mười, cho thấy: “Đại hội VI (1986) của Đảng mở ra công cuộc đổi mới toàn diện, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Có một việc hết sức nan giải ở thời kỳ này là chống lạm phát. Đất nước ta đứng trước thực trạng rất khó khăn, kinh tế kiệt quệ, cung không đủ cầu, tiền nhiều, hàng ít, lạm phát đến 774%. Khủng hoảng nghiêm trọng. Đây cũng là lúc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cắt hoàn toàn viện trợ, Trung Quốc chưa bình thường hóa, Mỹ thì bao vây cấm vận Việt Nam”.

Trong hoàn cảnh đó, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán rằng, để giải quyết vấn đề lạm phát Việt Nam cần ít nhất 3 tỷ USD. Đó thực sự là con số “không tưởng” đối với đất nước ta lúc bấy giờ. Những người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ là các đồng chí Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã thống nhất với nhau quan điểm là “dựa vào dân” theo như lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tuy nhiên, từ quan điểm đến thực tiễn, quyết định phương cách giải quyết vấn đề lại là một khoảng cách rất xa. Khi mà dựa vào sức dân, lấy nội lực làm trụ cột chính để thoát khỏi cơn nguy cấp lạm phát 3 con số không hề đơn giản.

Đó là thời điểm lịch sử cần những nhà lãnh đạo thực tiễn, có óc sáng tạo và dám quyết, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, theo như đồng chí Đỗ Mười nhận xét: “Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội hay đối ngoại, thì anh thể hiện nhất quán tư tưởng, quan điểm của Đảng một cách sinh động, triệt để”. Do đó, trong 3 vấn đề lớn mà Chính phủ trình Bộ Chính trị lúc bấy giờ, thì giải pháp đầu tiên, trụ cột chính là nông nghiệp. Quyết định đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp. Giúp cho nông nghiệp “bung ra”, giải quyết được căn bản vấn đề lương thực.

Từ định hướng đó, rồi phải làm sao để “nhìn ra” và dám nghĩ đến những “vựa lúa” lớn của cả nước, từ những cánh đồng phèn hoang hóa hàng trăm năm qua chỉ có lúa ma và một vụ lúa mùa mùa nổi năng suất cực thấp. Những “rốn phèn” mà các chuyên gia thế giới đã khẳng định để khai thác 1ha đất phải cần tiêu tốn đến 1 triệu USD. Người dân đồng bằng khắc ghi hình ảnh vị Thủ tướng đã dám nghĩ chuyện chưa ai nghĩ và dám làm được kể cả thế giới, đó chính là “dấu ấn Võ Văn Kiệt” trên đồng đất miền Tây Nam Bộ, và như lẽ tự nhiên người dân miền Tây mãi nhớ ơn người.

Con người với tầm nhìn nhạy bén, sâu rộng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trui rèn từ thực tiễn cách mạnh và nhất quán trong những lời dạy của Bác Hồ. Sâu sát thực tế và phải biết lắng nghe, đặc biệt là “nghe ngược, nghe xuôi”, theo như nhận định của đồng chí Đỗ Mười: “Tuy không có điều kiện được học tập và tốt nghiệp ở các trường lớp một cách bài bản, nhưng anh là người có năng lực hấp thu kiến thức thực tiễn, chịu nghe, chịu học từ cuộc sống và thực tế công tác. Đặc biệt, anh biết khai thác trí tuệ trong dân, trong cán bộ, trong giới trí thức, các nhà khoa học... Từ đó mà tham khảo, chắt lọc tri thức, vận dụng vào thực tiễn và đưa ra những quyết định táo báo, chính xác”.

Mạnh dạn chỉ đạo tiến công vào ĐTM là một trong những quyết định táo bạo như thế. Để rồi từ đây, tiếp tục khai vỡ vùng Tứ giác Long Xuyên, trước mắt lo vấn đề an ninh lương thực ổn định kinh tế trong nước, từ hạt gạo làm “đòn bẩy” bung ra phá thế bao vây toàn diện từ bên ngoài.

“Kiến trúc sư khai phá ĐTM”

Hai vị giáo sư địa chất Liên Xô sau thời gian vào ĐTM nghiên cứu và khẳng định chắc nịch như thế hồi tháng 6/1981. Những lần về ĐTM khảo sát nhìn cánh đồng mênh mông gần 700.000ha bỏ hoang mà dân phải chịu đói, đồng chí Võ Văn Kiệt không cam tâm và có so sánh một câu mà nhiều lãnh đạo địa phương còn nhắc nhớ: “Hungary, họ có một cánh đồng nhỏ, nhưng họ có cách khai thác để làm giàu. Tại sao chúng ta có cánh đồng mênh mông như ĐTM lại không biết khai thác để làm giàu?”. Ý chí dẫn dắt đó, đã bắt đầu cuộc cách mạng cải tạo đồng phèn bằng chính sức dân, dựa vào trí tuệ, kinh nghiệm dân gian kết hợp với tri thức khoa học và xốc dậy quyết tâm của lãnh đạo 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang lúc bấy giờ.

Năm 1983, Chính phủ có quyết định về việc điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL. Đây là chương trình trọng điểm cấp Nhà nước do GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, làm chủ nhiệm đề tài. Phần điều tra nghiên cứu về ĐTM do TS Hồ Chín chủ trì. Có thể nói bắt đầu từ thời điểm này, Chính phủ chính thức tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang ĐTM. Đây cũng là thời gian đồng chí Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao việc khai hoang ĐTM.

Năm 1984 kênh Trung ương từ Hồng Ngự, Đồng Tháp đến Vĩnh Hưng, Long An được đào xong, dẫn nguồn nước ngọt và phù sa từ sông Tiền xuyên qua ĐTM về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó.

Một số tuyến kênh khác được đào những năm trước và thời điểm này cũng bắt đầu phát huy tác dụng tháo chua rửa phèn. Biện pháp giải quyết căn cơ tình trạng đất nhiễm phèn bằng cách đào kênh, xẻ mương được mọi người đồng tình, công nhận. Phong trào làm thủy lợi dẫn nước ngọt lan rộng ở khắp nơi trong vùng ĐTM. Để dân đến và bám trụ khai hoang, các địa phương cũng chú ý đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật sản xuất mới. Nhờ vậy, từ một vùng “đất chết” ngập úng bạt ngàn lau sậy năm nào đã trồng được 312.587ha lúa vào năm 1987, gần 700.000 ha vào 1996. Năng suất lúa từ 1 - 2 tấn/ha tăng lên 3 - 7 tấn/năm tùy vùng. ĐTM đã trở thành vùng sản xuất lúa, khóm, tràm, bạch đàn… chủ lực của 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.

Tại hội nghị sơ kết 10 năm tiến công khai phá vùng ĐTM tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp giữa năm 1997, phát biểu trước hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Công cuộc tiến công khai hoang, khai thác ĐTM thật sự là một cuộc cách mạng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một kiến trúc sư, cũng là vị tổng chỉ huy tài ba trong công cuộc khai phá ĐTM những ngày đầu đầy gian nan, thử thách. Đó là những bước khởi đầu thành công tạo đà, để Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tục chỉ đạo cuộc tiến công thứ hai vào vùng Tứ giác Long Xuyên, từ đó hoàn toàn thay đổi diện mạo những cánh đồng miền Tây Nam Bộ, để chúng ta có được đồng bằng như ngày hôm nay.

NGỌC TRẢNG