Ghi chép

Những kỷ vật của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung ương Cục miền Nam

Cập nhật, 06:55, Thứ Ba, 08/11/2022 (GMT+7)

 

Thăm ngôi nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Di tích Trung ương Cục miền Nam.
Thăm ngôi nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Di tích Trung ương Cục miền Nam.

Cách nay khoảng 3 năm, tôi theo đơn vị đến thăm Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh- nơi được mệnh danh là “thủ đô kháng chiến”, gắn liền với người dân Nam Bộ trong hai cuộc đấu tranh gian khó, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là cơ quan cao nhất chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cho cách mạng miền Nam, giữ vị trí trung tâm của các cơ quan như: Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây còn là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cách mạng cao cấp như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh,… và cả những nhà cách mạng ưu tú của quê hương Vĩnh Long, như đồng chí Phan Văn Đáng, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt,… Trong đó, tôi rất ấn tượng với những kỷ vật gắn liền với đồng chí Võ Văn Kiệt (xin được gọi là bác Sáu Dân) trong giai đoạn công tác tại đây, từ năm 1973 - 1975.

Ngôi nhà làm việc thoáng mát

Từ năm 1973 - 1974, trước những diễn biến mới của chiến trường miền Nam, Trung ương Cục tập trung vào công tác xây dựng và củng cố bộ máy tổ chức. Nhiều cán bộ cao cấp có năng lực và kinh nghiệm được tăng cường về. Trên cơ sở đó, tháng 9/1973, đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Khu 9 kiêm Bí thư Quân khu ủy Quân khu 9, được điều động về Trung ương Cục phụ trách Khối Dân vận, Binh vận và Mặt trận.

Theo lời người hướng dẫn nói với chúng tôi, trong thời gian công tác tại đây, bác Sáu được nhóm “thợ mộc bất đắc dĩ” (bộ phận phục vụ Thường vụ Trung ương Cục miền Nam - C15), thiết kế, cất một ngôi nhà để ở và làm việc mà bác Sáu rất ưng ý từ “nội thất” đến “ngoại cảnh”. Vị trí ngôi nhà ở bìa trảng tranh, rất thoáng mát, hưởng được đến 2/3 lượng ánh sáng mặt trời trong ngày chiếu đến nhưng vẫn đảm bảo kín đáo vì được bao bọc bởi cây rừng xung quanh. Ngôi nhà có thiết kế đơn sơ nhưng có cả cổng trước, cổng sau. Toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái lợp lá trung quân - một loại lá rừng rất bền và chịu được thời tiết khắc nghiệt.

Từ trong nhìn ra là phần sàn gỗ trước nhà (khoảng vài người để làm nơi hội ý, họp bàn công việc), phía bên trái tiếp nối trảng tranh, bên phải cách chừng 50m là nhà thư ký riêng của bác Sáu. Phía trước nhà có khuôn viên rộng, chung quanh trồng cây cảnh đẹp, mỗi gốc cây được tạo dáng bằng tre lồ ô như những chậu cây cảnh trong thời bình. Vườn cây cảnh kết hợp với cây rừng là một cách ngụy trang cho ngôi nhà ở bìa trảng không bị lộ. Với những trên thì đó chính là ngôi nhà độc đáo trong “xóm nhà” tại đây.

Chiếc xe đạp cuộc màu xanh

Một kỷ vật khác mà chúng tôi được giới thiệu đó là một chiếc xe đạp cuộc có màu xanh lá mà trước đây ông thường sử dụng khi di chuyển giữa các cơ quan ở Trung ương Cục.

Năm 1974, cơ sở của Ban Binh vận từ nội thành chuyển lên căn cứ hai chiếc xe đạp cuộc, trong đó gửi cho đồng chí Võ Văn Kiệt một chiếc. Từ giữa năm 1974 - 1975, bác Sáu chủ yếu sử dụng chiếc xe đạp trong cơ quan Khối Vận tại Trảng A Lân. Thỉnh thoảng, ông chạy từ cơ quan Khối vận qua cơ quan Giao bưu ngoại tuyến (A53) hay qua cơ quan Ban Binh vận (lúc bấy giờ đóng tại đồi Thơ). Cứ như thế, chiếc xe như người bạn luôn gắn bó cùng ông trên những chặng đường. Sau ngày giải phóng miền Nam, bác Sáu tiếp tục sử dụng chiếc xe này để tập thể dục hàng ngày. Hơn 10 năm đồng hành cùng nhau, đến năm 2005, bác Sáu đã trao chiếc xe đạp lại cho ông Trần Hữu Phước trưng bày, giới thiệu tại di tích Trung ương Cục miền Nam.

Những năm công tác tại đây, với trọng trách được Đảng giao phó, trong giai đoạn khó khăn, ác liệt của cách mạng miền Nam, bác Sáu luôn sát cánh cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, đưa ra những quyết sách đúng đắn, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Tiến tới ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhìn lại những kỷ vật lưu dấu một thời sống, làm việc và chiến đấu của bác Sáu Dân, đọng lại trong lòng chúng tôi rất nhiều tự hào và cảm xúc. Xin nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện, noi theo gương sáng của đồng chí Võ Văn Kiệt - người con ưu tú của đất nước và quê hương Vĩnh Long.

Bài, ảnh: KIM HƯỜNG