Chú Sáu Dân - con người của hành động và thực tiễn

01:11, 10/11/2022

Xin được gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng cách gọi mà mọi người yêu mến dành cho chú, nhất là theo cách gọi của bà con Nam Bộ: chú Sáu Dân.

Xin được gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng cách gọi mà mọi người yêu mến dành cho chú, nhất là theo cách gọi của bà con Nam Bộ: chú Sáu Dân.

Trong cuộc đời 40 năm làm báo của mình, một trong những điều tôi cho là may mắn nhất, đó là tôi có đến 7 lần được gặp, phỏng vấn, theo đoàn đưa tin về chú Sáu Dân, từ khi chú làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, cố vấn BCH Trung ương Đảng, về làm việc tại Đắk Lắk . Dân gian thường nói “sự bất quá tam” (chỉ 3 lần là cần và đủ để nói lên một điều gì), đằng này tôi có được đến 7 lần gặp chú Sáu. Hiểu hết một con người ở tầm lớn lao như chú Sáu thì không thể. Nhưng qua chứng kiến, được nghe, được đọc, và bây giờ có một khoảng lùi về thời gian, tôi càng nể trọng chú Sáu Dân - con người của hành động, của thực tiễn.

Khi làm Thủ tướng Chính phủ, chú Sáu Dân đã để lại nhiều dấu ấn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chú Sáu đã đi đến tận cơ sở, gặp gỡ nhiều người dân, nhiều giới để khảo sát, lắng nghe ý kiến, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Trước thực trạng hàng năm có đến hàng ngàn người chết, bị thương, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, tốn kém tiền bạc của nhân dân do đốt pháo, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, chú Sáu đã đi khảo sát các làng nghề sản xuất pháo, hướng chuyển đổi công ăn việc làm. Rồi lắng nghe ý kiến, phân tích cái được, cái chưa được, nhận thấy “cái được” lớn hơn, vậy là chú đã quyết: Ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406-Ttg, với nội dung: Kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).

Xem kỹ Chỉ thị 406 mới thấy hết “cái nhân văn” của người đứng đầu Chính phủ. Đó là phong tục ngàn đời của người dân Việt Nam muốn đêm giao thừa chuyển giao năm cũ với năm mới phải để lại một dấu ấn nào đó. Trước Chỉ thị 406 là tiếng pháo, vậy thì sau khi cấm đốt pháo, phải có một hoạt động nào đó để nhân dân ghi nhận thời khắc thiêng liêng này. Chỉ thị đã nêu: Trong các ngày lễ lớn, các ngày tết, tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa, thông báo cho nhân dân biết thời gian, địa điểm nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Và cái Tết Nguyên đán Ất Hợi, năm 1995, cái Tết đầu tiên cả nước yên bình, chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, cũng có thể nói là một cái Tết đi vào lịch sử vì đã chấm dứt việc đốt pháo, tránh đi bao hệ lụy từ hậu quả của việc này.

Một công trình thể hiện rõ nhất tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chú Sáu là đường dây 500KV Bắc Nam. Khi thủy điện Hòa Bình sắp đóng điện tổ máy cuối cùng thì nổi lên vấn đề là miền Bắc sẽ thừa điện, trong khi miền Nam đang rất thiếu điện cho công cuộc phát triển. Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, tham khảo ý kiến của các cấp, các ngành về các phương án khả thi, đầu năm 1992, Chính phủ đã quyết về chủ trương xây dựng đường dây này, mà trong đó, vai trò của chú Sáu là rất lớn. Khi ấy, chú Sáu đã nêu rõ quyết tâm: “Nếu đóng điện không thành công, tôi sẽ xin từ chức”.

Và chỉ sau 2 năm, vượt qua bao khó khăn, đường điện Bắc Nam dài 1.488km từ Hòa Bình đến Phú Lâm đã hoàn thành. Vào 19 giờ 6 phút, ngày 27/5/1994, từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình, chính thức đưa hệ thống đường dây 500KV vào vận hành.

Những ai đã được làm việc, được tiếp xúc với chú Sáu đều có chung một nhận định: Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một điển hình của lãnh đạo sâu sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình, không né tránh.

Nói về chú Sáu Dân, cũng không thể không nhắc tới sự gần gũi, tôn trọng giới trí thức. Chú tự nhận mình là người ít học nhưng lại có một khả năng tập hợp, thu hút được những trí thức giỏi, lắng nghe họ nhiều chiều trước khi “quyết” một vấn đề hệ trọng nào đó. “Trí thức tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng” (bài viết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta” nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2/9/2005). Quan điểm của chú Sáu Dân về đội ngũ trí thức và sử dụng đội ngũ trí thức rất đáng được quan tâm, triển khai thực hiện trong giai đoạn mới.

Tôi là nhà báo ở một cơ quan báo chí địa phương vùng Tây Nguyên, khi viết mấy điều về chú Sáu Dân nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú, tôi lại có một cảm nhận: Nụ cười hiền hòa, dễ gần gũi, thân thiện thật đúng với cái tên Phan Văn Hòa - ứng với cái tâm của chú là hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp. Còn với cái tên Võ Văn Kiệt khi đi hoạt động cách mạng, đảm nhận nhiều cương vị từ thấp đến cao, thể hiện qua ánh mắt tinh anh, cương nghị, giọng nói ấm áp, truyền cảm, đầy sức cuốn hút - ứng với một con người kiệt xuất, có công lớn với dân,
với nước.

Buôn Ma Thuột, tháng 11/2022.

Nhà báo TRẦN ĐẠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh