Chỉ cách mấy năm, mà đường vô ấp Cần Thay (xã Tân Mỹ- Trà Ôn), hoàn toàn đổi khác. Không chỉ bề nổi giao thông, cầu đường rộng, đẹp hơn, mà đổi thay từ đời sống đồng bào phát triển, nhiều gia đình làm ăn "phất" lên thấy rõ. Những câu chuyện làm ăn chục triệu, trăm triệu nghe nhiều hơn, rôm rả hơn.
Cầu Thường Quang vừa hoàn thành bắc qua sông Cần Thay. |
Chỉ cách mấy năm, mà đường vô ấp Cần Thay (xã Tân Mỹ- Trà Ôn), hoàn toàn đổi khác. Không chỉ bề nổi giao thông, cầu đường rộng, đẹp hơn, mà đổi thay từ đời sống đồng bào phát triển, nhiều gia đình làm ăn “phất” lên thấy rõ. Những câu chuyện làm ăn chục triệu, trăm triệu nghe nhiều hơn, rôm rả hơn.
Rất nhiều căn nhà tường khang trang cặp theo con lộ chạy dọc theo sông Cần Thay. Ngay như nhà ông Thạch Chu (73 tuổi) và bà Thạch Thị Sen (68 tuổi) nằm ngay góc đường có cổng vào chùa Cần Thay, nhà chỉ có 3 công ruộng, mấy mươi năm làm thuê mướn, chèo ghe mua bán dừa khô, cắc củm nuôi mấy con bò, cũng đã xây được căn nhà rộng thênh thang gần 500 triệu đồng. Bao nhiêu năm dành dụm, phần mấy đứa con chí thú làm ăn cũng khấm khá hơn, rồi gom góp lại. Bà Thạch Thị Sen là người gói bánh tét có tiếng ở địa phương, nên hễ lễ tết đều có bà con gần xa đặt bánh.
Cách đó không xa, căn nhà mới mọc lên của bà Thạch Thị Rô vốn thuộc hộ nghèo do ít đất sản xuất, ngày chạy lo cái ăn, cái mặc cho chục thành viên trong nhà cũng đủ mệt. Nhưng rồi, những đứa con lớn lên, cả nhà cùng phấn đấu cần mẫn sản xuất, chăn nuôi rồi trả sổ hộ nghèo, tiết kiệm mỗi năm cũng khoảng 50 triệu đồng, dần dà cũng cất được cái nhà đàng hoàng.
Huyện Trà Ôn hiện có trên 10.600 người Khmer, tập trung ở các xã: Tân Mỹ, Trà Côn, Hựu Thành và Thiện Mỹ, từ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước mà đời sống của đồng bào Khmer ở huyện có những chuyển biến rõ nét. Hiện tại, 100% đường liên ấp đi lại thuận lợi, hơn 95% hộ dân có điện, nước sạch sử dụng. Đặc biệt năm nay, từ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, huyện Trà Ôn đã bắc mới hàng chục cây cầu giao thông nông thôn, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường, xây mới hàng trăm căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, nhất là tại các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.
Cần Thay cũng mọc lên nhiều căn nhà mới khang trang, xây được nhiều cây cầu bắc qua sông Cần Thay, giúp bà con bên kia sông, mấy em nhỏ đi học dễ dàng hơn. Như cầu Thường Quang vừa được hoàn thành, từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ban đêm có đèn đường, xe cộ qua lại thuận lợi, an toàn, đông đúc hơn. Ông bà Thạch Then cũng vui mừng “lây”, vì những ngày xây cầu cũng góp công, góp sức vô, còn góp thêm khoảng đất nhỏ cho đường qua cầu thêm rộng rãi, dễ đi. Nhà có đến 10 người con, mỗi khi có dịp cháu con tụ họp mà đông đủ cũng gần 40 người, nằm chen chúc không đủ chỗ ngủ luôn, nhưng mà vui lắm.
Chuyện làm ăn thoát nghèo trở thành một phong trào, làm cho mọi người cùng nhau phấn đấu. Trước hết, là công tác vận động tuyên truyền của chính quyền địa phương, xây dựng những mô hình làm ăn nhỏ mà hiệu quả phù hợp với kinh tế hộ gia đình ít vốn, ít đất sản xuất. Dù khó khăn mấy, bà con cũng dành dụm hoặc được hỗ trợ vốn chăn nuôi, mà chủ yếu là nuôi bò, bỏ công chăm sóc vài ba năm thì có bò con, bò giống, mỗi năm bán ra cũng vài chục triệu, có người hàng trăm triệu đồng.
Phong trào mạnh, cũng nhờ có những hạt nhân như đầu tàu kéo phong trào mạnh mẽ đi lên. Bí thư, Trưởng ấp Cần Thay Thạch Tâm (39 tuổi) là người như thế. Còn rất trẻ nhưng anh Thạch Tâm đã có nguồn vốn tiền tỷ, dù xuất phát từ gia đình không mấy khá giả, anh cũng là tấm gương điển hình cho những người trẻ ở địa phương học tập noi theo. Gia đình cha mẹ chỉ có 1,5 công đất, người em gái có chồng đi buôn bán tận Sóc Trăng, Thạch Tâm từ nhỏ đã biết phụ giúp đủ chuyện trong gia đình, rồi tham gia làm việc ở Công an xã Tân Mỹ, đó cũng là thời gian anh phấn đấu hoàn thành chương trình ĐH luật. Cảnh nhà đơn chiếc rồi lập gia đình có con nhỏ, phải tập trung lo kinh tế. Vậy mà giờ đây anh Thạch Tâm có đến 3 chiếc máy cuốc, trị giá mỗi chiếc trên 300 triệu đồng. Nuôi bò mua đất, rồi chạy xe cuốc dành tiền mua đất lên đến 16 công.
Đàn bò chục con của anh Thạch Tâm. |
Nghe anh Thạch Tâm giải thích cách làm ăn của mình: “Tôi lên liếp trồng 10 công cam, tới bán trái được thì đổ vốn vô cũng cả tỷ, nhưng không vay ngân hàng. Tất cả đều từ thu nhập chăn nuôi và 3 chiếc xe cuốc. Dành 6 công đất nuôi chục con bò, giờ có người trả giá 40 triệu đồng/con. Gần tết sẽ xuất chuồng một lượt, thu về cũng gần 400 triệu đồng. Tết năm sau nữa, lại xuất bán lứa bò thứ hai, cộng với thu nhập 3 chiếc xe cuốc nên không phải vay mượn vốn trồng cam”.
Ở ấp Cần Thay ngày nay, nhiều hộ dân thoát nghèo đã là chuyện bình thường; còn những gia đình lên liếp trồng cam tính chuyện làm ăn bạc tỷ như anh Tâm thì cũng không còn hiếm nữa. Đường vô ấp Cần Thay cũng ngày một vui hơn, rộn ràng hơn.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin