Trời chiều gió mát, tôi đang nằm đung đưa trên chiếc võng sau nhà, mắt ngó mông lung ra bụi tre già mà tay thì đang cầm chiếc điện thoại "nấu cháo" với đứa bạn thân đang sống ở vùng Bảy Núi.
Chùm nho rừng gợi bao ký ức tuổi thơ. |
Trời chiều gió mát, tôi đang nằm đung đưa trên chiếc võng sau nhà, mắt ngó mông lung ra bụi tre già mà tay thì đang cầm chiếc điện thoại “nấu cháo” với đứa bạn thân đang sống ở vùng Bảy Núi.
Ngay giữa những câu chuyện, bạn tôi bổng xuýt xoa một cái gì như là thích thú lắm rồi bảo tôi giữ máy chờ xem một thứ hay ho. Chừng dăm ba phút sau, tôi nhận được vài bức ảnh được bạn tôi chụp vội, hóa ra là một chùm trái cây bé như trái trứng cá nhưng lại kết thành chùm như nho. Bạn tôi nói đây là trái nho rừng, một loài dây leo dại rất thích đu đưa giữa những rặng tre ẩn sâu trong rừng núi.
Chùm nho dại đó như chiếc chìa khóa mở ra ký ức tuổi thơ của bạn tôi. Đối với những đứa trẻ sống ở vùng đất được vây quanh bởi dãy Thất Sơn huyền bí thì cánh rừng sau nhà dẫu ẩn chứa nhiều mối nguy, nhưng không ngăn được sự hiếu kỳ và những chuyến thám hiểm của bọn trẻ. Bạn tôi kể, trong những năm tháng lớn lên tại vùng quê nghèo thiếu thốn, bọn trẻ con hay kéo nhau vào rừng để săn đặc sản theo mùa, mùa nào thức ấy, lúc thì ăn vặt thanh đạm với mớ trái trâm, khế tàu, nho rừng, trái trường... khi thì “ăn mặn” đậm đà với đám dế thui, cua đá, đuông măng xào sả ớt... bạn tôi nói “rừng cho gì thì mình ăn đó”.
Nhưng trong các thức quà được cánh rừng ban tặng, bạn tôi lại đem lòng say mê trái nho rừng bởi cái vị chua chua xen lẫn chút ngọt nhẹ. Theo lời bạn tôi, hồi đó nho rừng thích tranh nhau mọc khắp núi rừng và hình như chúng cũng thích trẻ con nên cứ hễ đến mùa tựu trường là chúng sẽ rộ lên, điểm thêm chút màu sắc cho rừng xanh thêm thắm. Tuy là loại cây có thân dây leo nhưng nho rừng lại leo rất khỏe, vắt vẻo hết cành này sang cành nọ, bọn trẻ nhìn tới đâu là mê tít mắt tới đó. Trái nho rừng mọc thành từng chùm lủng lẳng, khi non thì chúng có màu vàng nhạt và bé bằng đầu ngón tay út, nhưng khi chín lại có làn da căng bóng màu tím đậm trông không khác nho vườn là mấy. Bởi trái nho rừng đặc biệt nhỏ nên cách ăn nho rừng cũng khá “bạo”, người hái tinh mắt chọn một chùm trái chín, cầm lấy đầu cuống to, cho cả chùm vào miệng thì sẽ có cảm giác đã thèm hơn khi ăn từng trái một. Nói vậy chứ đừng tham mà ăn nhiều nho rừng vì cái cảm giác ngứa ngáy, châm chích trong cổ họng sẽ là một trải nghiệm không dễ chịu gì.
Ngoài có tác dụng hóa giải cơn buồn miệng cho trẻ con và người lớn khi đi rừng tìm măng, lấy củi... thì nho rừng còn có giá trị giải sầu sau khi được người ta ngâm thành rượu, dân địa phương gọi là rượu nho rừng, có tác dụng trị đau lưng và nhức mỏi. Theo kinh nghiệm ngâm rượu nho rừng nhiều năm nay của dượng Út Riêng ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), các bước ngâm rượu nho rừng cũng giống như ngâm những loại rượu trái cây khác. Sử dụng khoảng 3 lít rượu gạo ngâm với 2kg nho rừng đã bỏ cuống, rửa sạch, cho thêm khoảng 200g đường phèn, sau đó cho tất cả vào keo rồi đậy nắp kín, đặt trong mát, đợi khoảng nửa tháng thì sẽ có một keo rượu nồng nàn hương nho rừng.
Tôi còn chưa kịp tưởng tượng ra keo rượu nho rừng thì ngoài trời đã nhá nhem tối và trông bụi tre già càng rũ rượi hơn. Chúng tôi cũng dừng lại câu chuyện tuổi thơ, bạn tôi có chút bồi hồi xen lẫn tiếc nuối cho nho rừng và cho những sản vật nơi xứ núi đang dần trở nên hiếm hoi hơn xưa. Riêng tôi, khi được nghe bạn kể mà bỗng thấy thèm và mong có dịp vào núi săn sản vật, tha hồ hít lấy hít để cái mùi hương tươi mát cùng không khí trong lành chỉ thuộc về núi rừng.
BÀI, ẢNH: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin