Những chuyến đi khắp đồng bằng, không phải để nhìn ngắm mà để thấm, để thấu hiểu hơn một vùng đất đã gắn bó máu thịt một đời mình. Và sau mỗi chuyến đi, lại thấy lòng thêm bất an trước những đổi thay theo chiều hướng ngày một xấu đi của cả một hệ sinh thái vốn từng được xưng tụng là giàu có tài nguyên thủy sản, trù mật phù sa.
Đê biển Tây (huyện Trần Văn Thời- Cà Mau) bảo vệ vùng trồng lúa; bên ngoài rừng phòng hộ đang mỏng dần vì xói mòn, sạt lở. |
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng: “ĐBSCL chủ yếu là do nước kiến tạo nên với 4 nguồn là nước từ sông Mekong, nước mưa hàng năm, nước biển và lượng nước ngầm trong đất. Nói nôm na, hệ thống sông ngòi, kinh rạch tựa như những mạch máu chảy khắp “cơ thể” đồng bằng”.
Sự vận hành này đã hình thành nên hệ sinh thái văn hóa và hệ sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc thù, đa dạng. Ngược lại, nguồn nước cũng cần hệ sinh thái bền vững, cách ứng xử thuận tự nhiên để tồn tại và nuôi dưỡng “cơ thể” đồng bằng. Một không gian mở đón nước ngọt từ thượng nguồn và độ lùi tự nhiên để có thời điểm triều cường áp sâu vào đất liền, chan hòa một cơ chế: mặn- ngọt- lợ theo mùa, theo từng thời điểm trên mỗi tiểu vùng khác nhau.
Lấy đê điều, cống đập “khóa chặt” nguồn nước, là hoàn toàn đi ngược lại cái quy luật đã hình thành nên đồng bằng này từ hơn 6.000 năm nay. Cùng với đó là những quy hoạch “nóng”, ô nhiễm và lối sản xuất “năm sau cao hơn năm trước”, thì chỉ trong vòng vài ba thập niên, cấu trúc của cả hệ sinh thái nguồn nước đồng bằng này bị phá vỡ, “loạn nhịp”.
Không bảo đảm được an toàn, an ninh nguồn nước, là không bảo vệ được sinh mệnh đồng bằng!
Kỳ 1: Cần thẳng thắn chỉ ra bản chất vấn đề!
Những chuyến đi khắp đồng bằng, không phải để nhìn ngắm mà để thấm, để thấu hiểu hơn một vùng đất đã gắn bó máu thịt một đời mình. Và sau mỗi chuyến đi, lại thấy lòng thêm bất an trước những đổi thay theo chiều hướng ngày một xấu đi của cả một hệ sinh thái vốn từng được xưng tụng là giàu có tài nguyên thủy sản, trù mật phù sa.
Những cánh đồng năng suất “khủng”, cũng không thể tô màu tươi nét cho nụ cười “mặn chát” của nông dân. Những dòng sông quặn mình vì “lở lói” dọc đôi bờ và “lỗ hang” như… rổ xảo dưới đáy sâu và kiệt quệ vì đủ thứ. Những cửa biển cứ ăn dần vào đất liền, những vạt rừng phòng hộ bị cuốn phăng… Liệu tất cả chỉ bởi vì những biến đổi mang tính toàn cầu của khí hậu?
Để bảo đảm an toàn cho hệ sinh thái nguồn nước, có phải chính những vấn đề nội tại bên trong lại đáng lo hơn? Cần một sự đổi thay, cần hành động quyết liệt và ngay bây giờ hay đến bao giờ?
Cửa cống trong dự án Bắc Vàm Nao (Phú Tân- An Giang) đóng chặt khi nước sông Tiền đổ về đỏ quạch phù sa. |
Đồng bằng mình đã được “sanh ra” như thế!
Đứng trên đê biển Tây ngày mưa tầm tã, sóng dữ tợn từng đợt ập vào bất chấp hàng chục lớp đê giảm sóng từ ngoài xa hàng cây số, vào đến bờ vẫn tung bọt trắng xóa, những đoạn đê kiên cố vẫn bị phá bung. Chợt thấy băn khoăn, chúng ta đang cố sức đổ hàng ngàn tỷ đồng xây đê chắn sóng, những cống đập ngăn mặn khổng lồ quá tốn kém, liệu có phải đã xác định đúng nguyên nhân và giải pháp chưa?
Khi mà những nơi không có bờ đê, thì cây mắm vẫn là vai trò xung phong cặm rễ giữ đất tạo nên những bãi bồi lấn biển, và rồi tuần tự như theo hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo Cà Mau: “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát gót/ Khói bếp nhà ai, dừa nước mọc sau hè”. Biển cả, cây rừng và con người đã sắp xếp “trật tự thuận hòa” như thế và đã sống an nhiên trên hệ sinh thái giàu có đến nỗi cua, tôm, cá mắm ăn không ngã nào hết, không còn chỗ phơi khô, phải đổ thành những hố chôn sắp lớp.
Chúng tôi muốn nói về nguồn nước dòng Mekong, bằng câu chuyện bắt đầu từ biển cả. Đó là một sự phối hợp “mặn- ngọt” tuyệt vời mà ông trời đã ban cho đồng bằng này từ cái cách mà vùng đất này được “sanh ra” khoảng 6.000 năm trước. Một đồng bằng non trẻ nhất thế giới, cơ thể đáng ra đang phát triển vào thời kỳ khỏe khoắn nhất, lại đang trở nên kiệt quệ, già cỗi đến quặn lòng. Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập ĐBSCL: “Dòng sông Mekong hàng năm mang hàng triệu tấn sỏi, cát, phù sa từ thượng nguồn đổ xuống cuối nguồn, chính là nhờ sóng biển, triều cường nhào nặn tạo nên sự bồi lắng, phân phối đều đặn lấn dần ra biển mà thành cả đồng bằng rộng lớn ngày nay”.
Nhưng chỉ đến khi cư dân Việt vào đây, chỉ với trên dưới 300 năm thôi, những vị tướng tài, những nhà quản trị kiệt xuất cùng với bao lớp dân phu, nông dân đã hoàn toàn thay đổi diện mạo vùng đất nê địa ngập trũng hoang vu, có thể sinh sống và trồng trọt được và cư dân đồng bằng “giãn nở” dần về phía biển, tạo nên 4 vùng sinh thái hoàn chỉnh. Đồng bằng sống thoải mái, mở rộng không gian phía trên đón nguồn nước ngọt phù sa và dang tay ra hướng biển đón sóng triều dâng có vai trò tiếp tục bồi tụ các cửa sông. Mà mũi Cà Mau như một biểu tượng tuyệt vời hướng cực Nam của đất nước cứ bồi dài ra biển.
Để rồi, đồng bằng này đã được ông bà mình “quy hoạch” một cách rõ ràng thành các vùng theo cách gọi dân gian: miệt vườn, miệt ruộng, miệt bưng biền và miệt biển. Một di sản đáng tự hào, một đồng bằng bao la chan hòa nguồn nước có thể sinh sống, nuôi trồng trên cả các hướng “mặn, ngọt và lợ”.
Vì đâu nên nỗi?
Nên hiểu rằng đồng bằng này nằm trên nền đất yếu, đầy những “túi hữu cơ” bản thân rất dễ sụt lún. Ngày nay, đang “gánh trên lưng” những quy hoạch bất chấp các quy luật tự nhiên, ít tiếp thu những đóng góp từ kinh nghiệm văn hóa, tập quán dân gian, những phản biện khoa học. Cùng với giai đoạn bắt đầu triệt tiêu mùa nước nổi bằng hệ thống đê bao khép kín, thâm canh, tăng vụ rồi tăng năng suất theo kiểu đánh đổi.
Trước mắt đã thấy rõ, chính vấn đề nội tại của đồng bằng làm cho những biến đổi bất thường diễn ra nhanh hơn là những vấn đề mang tính toàn cầu. PGS.TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ), đã chỉ ra rằng: “Nếu kịch bản nước biển dâng hàng năm 1cm, thì đồng bằng đang bị sụt lún nhanh hơn gấp 3- 4 lần, có nơi lún nhanh gấp 10 lần. Để nhận diện bản chất vấn đề, cần xác định nguồn gốc sâu xa của nguyên nhân, cần phải hiểu bản chất của đồng bằng và quan trọng hơn là hiểu được “tập tính” của nguồn nước đã nuôi sống đồng bằng”. Cần “bắt mạch đúng bệnh để trị gốc, chớ không trị căn”.
Bản chất mùa nước nổi Đồng Tháp Mười hoàn toàn khác với Tứ Giác Long Xuyên; dòng sông Hậu, sông Tiền miệt trên hoàn toàn khác với “miền hạ” miệt thứ, miệt ngàn; mỗi con rạch ngay trên một cù lao cũng đã mang sự khác biệt rồi. Về phía biển, chúng tôi đi từ huyện Trần Văn Thời phía biển Tây, cũng đã có sự khác biệt khi vòng qua mũi Cà Mau đi về hướng biển Đông. Và tập tính rừng phòng hộ khu vực này cũng hoàn toàn khác xa với những vạt rừng ngược dần về hướng Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre hay Tiền Giang, những nơi tiếp cận gần với các cửa sông nằm trong hệ thống dòng Mekong.
Nhưng, chúng ta áp đặt chỉ có một giải pháp chung là “trị thủy” bằng hệ thống đê điều giống nhau cho cả đồng bằng ở cả hướng nhận nước ngọt phía thượng nguồn và nơi đón triều cường phía biển. Cùng với hàng chục con đập thủy điện ở các nước thượng nguồn, chính chúng ta đã phá vỡ nhịp thủy văn bằng hệ thống đê bao khép kín phía trên và những con đập chắn sóng ngăn triều cường phía biển, đó là cách ứng xử trái quy luật, là đi ngược bản chất hình thành và tồn tại của đồng bằng.
Sạt lở và khô hạn (ảnh dưới) ĐBSCL diễn ra ngày càng gay gắt hơn. |
Lấy tư duy “đê điều” để khóa kín đồng bằng như một động thái “cấm cửa” nước ngọt và cả nước mặn. Bỏ lên bàn tính thì bài toán kinh tế và sự đánh đổi hệ sinh thái, sức khỏe của đất, của nước và của những người trực tiếp sản xuất, sinh sống trên đồng bằng này, có phải đồng bằng đang… lỗ nặng! Nguy cấp hơn, chúng ta đang “ăn mòn” vào di sản hệ sinh thái giàu có của cha ông góp phần cùng với thiên nhiên tạo dựng nên, rồi những thứ để lại cho thế hệ sau là gì?
Để đi tìm câu trả lời cho sự an toàn hệ sinh thái nguồn nước đồng bằng, chúng tôi học lại cách lắng nghe “tiếng nói” của từng con nước, dòng sông, tiếng sóng biển vỗ bờ từ hàng ngàn năm trước đã khác gì với ngày hôm nay. Con người đã và đang ứng xử như thế nào với cái trật tự thiên nhiên đã “sắp đặt” tự ngàn xưa.
“Không chỉ có sự tác động từ các nước thượng nguồn, mà những hành động phá vỡ hệ sinh thái nguồn nước nơi cuối dòng cũng tạo nên những ảnh hưởng nghiêm trọng cho dòng sông hùng vĩ này”- TS Dương Văn Ni khẳng định. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
>> Kỳ 2: Khi đồng bằng đánh đổi mùa nước nổi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin