61 năm còn đó nỗi đau tên da cam!

06:08, 07/08/2022

Cùng với khối lượng bom đạn khổng lồ mang sang và sử dụng, cuộc chiến tranh hóa học
do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô rộng lớn, kéo dài, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

 

Trực thăng H34 của quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam.
Trực thăng H34 của quân đội Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam.

 Cùng với khối lượng bom đạn khổng lồ mang sang và sử dụng, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô rộng lớn, kéo dài, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Một kế hoạch thâm độc, xấu xa, tội ác định hình từ nước Mỹ

Ngày 12/4/1961, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Mỹ, Walt W. Rostow đã đệ trình lên Tổng thống Kennedy một giác thư đề nghị tiến hành 9 hành động, trong đó có vấn đề gửi lực lượng không quân C-123 đến miền Nam Việt Nam để phun rải các chất độc hóa học vì mục đích chiến tranh, đồng thời gửi một nhóm cố vấn quân sự MAAG do Trung tướng Lionel C. McGarr làm trưởng nhóm, đến miền Nam Việt Nam thăm dò khả năng sử dụng “kỹ thuật” phát quang. 

Tiếp theo đó, vào đầu tháng 5/1961, Tổng thống Kennedy đã cử Phó Tổng thống Lyndon B. Johson bay đến Sài Gòn để bàn bạc với Tổng thống Ngô Đình Diệm về sự “giúp đỡ” của Mỹ trong tương lai. Một trong những kết quả của cuộc gặp mặt đó là hai bên thống nhất thành lập Trung tâm Thử nghiệm và Phát triển Tác chiến- CDTC (Combat Development and Test Center), mà việc đầu tiên của trung tâm này là thử nghiệm và phát triển việc sử dụng các chất độc hóa học (CĐHH) để phá hoại thực vật rừng nhiệt đới và nguồn cung cấp thực phẩm của đối phương. Trung tâm này được thành lập vào tháng 6/1961.

Ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên thử nghiệm chất Dinoxol tiến hành tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum bằng máy bay trực thăng H34 có gắn thiết bị phun- HIDAL (Helicopter Insecticide Dispersal Apparatus Liquid). Trong ngày này, lần đầu tiên quân Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta. Ngày 10/8/1961 trở thành ngày ghi dấu tội ác dã man, đánh dấu một chương vô cùng bi thảm trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ Kennedy ký chuẩn y Kế hoạch sử dụng các CĐHH ở Nam Việt Nam theo đề nghị của Bộ Quốc phòng Mỹ.

10 năm sau, ngày 7/1/1971, phi vụ cuối cùng của chiến dịch Ranch Hand kết thúc với 3 chiếc máy bay vận tải C-123 phun rải ở tỉnh Bình Thuận. Ngày 31/10/1971, chuyến bay phun rải chất khai hoang cuối cùng bằng máy bay trực thăng của Mỹ kết thúc.

10 năm với 80 triệu lít CĐHH đã rải, hơn 3 triệu héc ta cây xanh bị diệt!

Theo tài liệu của quân đội Mỹ, từ tháng 8/1961- 10/1971, quân đội Mỹ và Sài Gòn đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít CĐHH ở miền Nam Việt Nam; 61% trong đó là hỗn hợp chất da cam chứa 366kg dioxin xuống gần 26.000 xã, thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu héc ta; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng CĐHH đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy vườn, hoa màu. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng CĐHH là 150.000ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau.

Tranh tuyên truyền, cổ động của chính quyền Sài Gòn viết rằng sự độc hại của chất diệt cỏ chỉ là “tuyên truyền xuyên tạc của Việt cộng”, khẳng định rằng chất diệt cỏ “tuyệt nhiên không gây độc hại cho người, vật, cũng như nước uống, hít phải hàng ngày cũng không sao”…
Tranh tuyên truyền, cổ động của chính quyền Sài Gòn viết rằng sự độc hại của chất diệt cỏ chỉ là “tuyên truyền xuyên tạc của Việt cộng”, khẳng định rằng chất diệt cỏ “tuyệt nhiên không gây độc hại cho người, vật, cũng như nước uống, hít phải hàng ngày cũng không sao”…

Hệ lụy cho hàng triệu người

Việc quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trong đó có chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 60 năm qua. Theo thống kê của cơ quan chức năng, cuộc chiến da cam đã làm cho 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc màu da cam, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải CĐHH. Hiện nay, chất độc màu da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba, thứ tư.

Môi trường sau ngày bị rải chất độc hóa học. Ảnh: TL
Môi trường sau ngày bị rải chất độc hóa học. Ảnh: TL

Thảm họa chất độc da cam đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp làm hàng triệu người Việt phải chịu đựng, phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, với tật nguyền suốt đời. Nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng trẻ không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng trăm ngàn cặp vợ chồng sinh từ 2- 6, 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn.

Cuộc chiến hủy diệt môi trường, gây tổn hại nghiêm trọng, lâu dài đối với con người đã bị nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên án. Trước tình hình đó, từ ngày 3/5/1971, quân đội Mỹ đã dừng các cuộc phun rải, giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng hòa đảm nhận. Và chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội này thực hiện phi vụ phun rải được xác định là ngày 31/10/1971.

Những nỗ lực khắc phục hậu quả chất độc da cam

Sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam/dioxin và có những chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước khắc phục hậu quả, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngày 1/3/1999, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã được thành lập. Đặc biệt, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức được thành lập nhằm mục đích giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc dioxin/da cam cũng như đấu tranh đòi công lý cho họ.

Các chuyên gia Mỹ và nước ngoài đo đạc mức độ nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa để tẩy rửa. Ảnh: VNEXPRESS
Các chuyên gia Mỹ và nước ngoài đo đạc mức độ nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa để tẩy rửa. Ảnh: VNEXPRESS

Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Tại Vĩnh Long, tính đến năm 2020, số người dân bị ảnh hưởng chất độc da cam là 4.126 người, cán bộ hoạt động kháng chiến đang hưởng chính sách là 997 người. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động trên 28,5 tỷ đồng, để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ gia đình nạn nhân xây dựng mới và sửa chữa 118 căn nhà, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng, tặng xe lăn, xe lắc, hỗ trợ vốn chăn nuôi, mua bán nhỏ, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ học bổng cho con em nạn nhân…

Trong nhiệm kỳ 2020- 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long đặt ra mục tiêu vận động nguồn lực thực hiện các chương trình, hoạt động trợ giúp đạt tổng giá trị phúc lợi thấp nhất 200 tỷ đồng, góp phần chăm lo đối tượng chính sách, chung tay khắc phục hậu quả chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Người viết bài đã tận mắt chứng kiến trực thăng Mỹ 2 lần rải CĐHH tại quê ngoại. Đó là vào năm 1971 tại 2 ấp 7 và 8 thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình. Hai ngày, vào buổi sáng không mưa, 2 lần trực thăng bay rất thấp dọc theo sông Măng Thít phun như sương loại nước trắng đục như nước cơm loãng trên những khu vườn cây ăn trái lâu năm như sầu riêng, vú sữa, mít, cam, quít, dâu ta, dừa… Ít giờ sau đó, cây nào có mủ héo lá trước, khô dần và chết hẳn. Cây ảnh hưởng sau cùng là dừa, lá nó héo khô dần cho đến khi thúi củ hủ bật ngang, nhìn mà xót xa cho thành quả mấy chục năm ông bà tôi tạo dựng! Các mảnh vườn nhà bên cũng chung hoàn cảnh. Cảnh tượng lúc này là một tuyến vườn ven sông rộng trên dưới 100m, dài hằng mấy cây số cây xanh miết giờ chỉ là màu vàng của lá héo, màu nâu của lá khô! Nhà tôi có trồng mấy luống bí đao cũng bị nhiễm thuốc. Nghe nói ăn bí đao dã thuốc hóa học, bà và mẹ tôi thu hoạch hết đem về nấu canh, xào, kho ăn dần với hy vọng giải được độc tố. Ít lâu sau đó vườn nhà tôi là một công trường làm củi bán, hy vọng vớt vát lại nguồn lợi bị mất do cây ăn trái chết sạch. Sau này được biết một số địa phương khác của Tam Bình và Trà Ôn cũng bị rải CĐHH.

Hơn 61 năm rồi mà cuộc chiến CĐHH, trong đó có chất da cam/dioxin do quân đội Mỹ gây ra đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường, cho nhiều thế hệ con người Việt Nam. Thiết nghĩ, hậu quả chiến tranh hóa học mà Việt Nam gánh chịu lâu nay là bài học sống cảnh tỉnh nhân loại trong thế kỷ XXI này vậy!

Với thiện chí cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, Chính phủ Mỹ đã cam kết khoản kinh phí 390 triệu USD để khôi phục môi trường, dự kiến hoàn thành trong 10 năm (2020- 2030) với 2 giai đoạn tại khu vực sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2025 sẽ xử lý 150.000m3 đất.

 

 

Nguồn Bách khoa toàn thư Wikipedia

HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh