Mùa hè xuyên Việt

Kỳ 4: Say tiếng khèn, điệu múa, ngất ngây Phan Xi Păng

Cập nhật, 11:26, Thứ Năm, 28/07/2022 (GMT+7)
Du khách vui sướng trên chóp đỉnh Phan Xi Păng.
Du khách vui sướng trên chóp đỉnh Phan Xi Păng.

(VLO) Đối với nhiều du khách, thị trấn Sapa (tỉnh Lào Cai) không còn là điểm đến xa lạ, nhất là từ khi có tuyến cáp treo đưa du khách chinh phục “nóc nhà Đông Dương”. Còn chúng tôi, lần đầu tiên đến đây và đã bị Sapa “hớp hồn”.

Một ngày “leo” đỉnh Phan Xi Păng

Thị trấn buổi sáng còn chìm trong sương mù nhưng chợ Sapa đã náo nhiệt. Chúng tôi ghé dịp cuối tuần nên chợ càng nhộn nhịp, đầy sắc màu du khách bốn phương và trang phục sặc sỡ của đồng bào các dân tộc vùng cao. Nhiều loại trái cây đặc sản vùng Tây Bắc như: táo, đào, mận, lê… đang vào mùa, chen đầy chiếc quẩy tấu nô nức theo chân đồng bào xuống chợ.

Chợ Sapa nổi tiếng với các loại dược liệu quý hiếm như: nấm cẩu tích, giảo cổ lam, tam thất… bạn cũng có thể mua thuốc tắm từ cây, lá của đồng bào người Dao Đỏ tại đây.

Nhiều quà bánh đặc sản được bày bán như: cơm lam, bánh giày, xôi ngũ sắc, mèn mén… Sản vật phong phú, đa dạng từ phiên chợ cho thấy sự sung túc từ nương rẫy, núi rừng cộng với sự cần cù, chăm chỉ của đồng bào đã tạo nên sức quyến rũ khiến chúng tôi muốn… quên lối về.

Mãi mê đi chợ không hay sương đã tan, Mặt trời đã lên. Chúng tôi vội đến nhà ga Mường Hoa mua vé tàu lửa, cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng. Không ngờ “bị mắc kẹt” trong dòng khách rồng rắn xếp hàng chờ đợi ở ga Hoàng Liên, đông đúc đến nỗi nhiều người không đủ kiên nhẫn và trẻ con khóc ré lên đòi về.

Tuy nhiên, khi bước lên cáp treo lơ lửng giữa trời, phiêu du qua ruộng lúa bậc thang xanh ngát, lướt trên đồi núi trập trùng rồi chui vào những đám mây… mới nhận ra “đáng đồng tiền bát gạo, không bõ công chờ mấy tiếng đồng hồ”.

Theo thông tin giới thiệu từ Tập đoàn Sun Group, ngày 2/2/2016, sau hơn 800 ngày đêm thi công, tuyến cáp treo được khánh thành, mở ra cơ hội chinh phục ngọn núi cao nhất Đông Dương cho du khách.

Tuyến cáp được ví với một “kỳ tích trí tuệ Việt Nam”, bởi độ khó trong thi công, khi hàng chục ngàn tấn đá nguyên khối và vật liệu xây dựng, hàng ngàn mét khối gỗ được vận chuyển thủ công trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt ở độ cao từ 2.000- 3.000m.

Đến ga Phan Xi Păng, chúng tôi không mua vé tàu lửa chặng tiếp theo, mà quyết định leo 600 bậc nữa lên đỉnh núi, trong khung cảnh như đi lên cõi Phật mây bay. Thật khó thể tưởng tượng nơi đây lại có những công trình đồ sộ và kiến trúc tuyệt đẹp đến thế.

Quần thể tâm linh ở độ cao 3.000m, từ đại tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao 21,5m sừng sững uy nghiêm, đến con đường La Hán- nơi ngự tọa 18 bức tượng La Hán trầm mặc trong bảng lảng mây bay và nhiều hạng mục kỳ vĩ khác đều do “bàn tay ta làm nên tất cả”.

Khó mà nhớ hết những điểm đến trong quần thể ấy, chỉ nhớ cảm giác chạm tay vào “nóc nhà Đông Dương” huyền thoại vô cùng ngất ngây, vui sướng.

Trong mây núi trập trùng, tâm hồn thật nhẹ nhõm hòa vào cảnh sắc huyền diệu chốn bồng lai tiên cảnh, như thấy mình bay bổng, quên hết mọi ưu phiền.

Cáp treo đi qua núi non trùng trùng điệp điệp.
Cáp treo đi qua núi non trùng trùng điệp điệp.

Trên dãy núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam dài 180km trải qua các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái, được ví như sống lưng của con rồng lớn đang nằm với cái đầu kiêu hãnh vươn lên thành đỉnh núi cao nhất Phan Xi Păng, cao 3.143m so với mực nước biển.

Phan Xi Păng theo tiếng địa phương “Hủa Xi Pan” có nghĩa “tảng đá khổng lồ chênh vênh”, là một khối đá hoa cương khổng lồ được hình thành hơn 250 triệu năm về trước từ trong lòng đất.

Dù không mất quá nhiều công sức băng rừng, vượt thác, trèo non… mất vài ngày mới lên tới đỉnh núi, nhưng việc được chạm tay vào khối đá chóp đỉnh Phan Xi Păng cũng là thành tích đáng tự hào dành cho những người thích chinh phục.

Nếu đêm Sapa không có điệu múa, tiếng khèn?

Quảng trường Sapa có thể xem là “trái tim của thị trấn” và hầu như mọi con đường đều đổ về khu trung tâm này.

Cùng với nhà thờ đá Sapa cổ kính, tráng lệ mang phong cách kiến trúc Châu Âu, tòa nhà Sun Plaza nổi bật, những dãy phố nhà hàng, khách sạn giăng đèn màu sáng lung linh trở thành điểm “check in” yêu thích của du khách.

Khí hậu mát mẻ, ẩm thực độc đáo, cảnh đẹp tuyệt vời… tất cả ở Sapa không chê vào đâu được. Đặc biệt là vì say mê điệu múa khèn của các chàng trai, cô gái mà chúng tôi đã ở lại đây đến
4 đêm!

Các dân tộc ở Tây Bắc có những điệu múa dân gian riêng, như điệu tăng bu (dỗ ống) của dân tộc La Ha; dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun có những vũ điệu đầy sức hấp dẫn với các động tác lắc mông, lượn eo uyển chuyển. Dân tộc Dao với điệu múa chuông nổi tiếng.

Dân tộc Thái có điệu múa xòe đặc trưng. Múa sạp là nét đặc sắc của dân tộc Mường, múa khèn của dân tộc H’Mông trong các cuộc vui, hội hè và phiên chợ xuân…

Các buổi tối cuối tuần, thị trấn thường tổ chức văn nghệ phục vụ du khách với sân khấu âm thanh hiện đại, các tiết mục dàn dựng công phu; trong khi ở những góc nhỏ, từng nhóm bạn trẻ ôm khèn múa cũng khiến du khách thích thú không kém.

Có lẽ chúng tôi đã say vì điệu múa khèn bình dân, duyên dáng. Mà nếu đêm Sapa không có điệu múa trong tiếng khèn dìu dặt, cô gái cầm ô yêu kiều “xuống chợ với anh”, có lẽ chúng tôi sẽ… về khách sạn ngủ sớm.

Phiên chợ sáng Sapa đầy sản vật núi rừng Tây Bắc.
Phiên chợ sáng Sapa đầy sản vật núi rừng Tây Bắc.

Để rồi những đêm ở lại Sapa, đêm nào chúng tôi cũng xuống quảng trường đi tìm điệu múa khèn của các bạn trẻ, mỗi nhóm 5 người.

Chàng trai vừa thổi khèn vừa múa theo nhịp điệu cho bạn nữ cầm ô cùng nhún nhảy, giai điệu trầm bổng, du dương theo từng động tác nhanh nhẹn, khéo léo; cũng có lúc cao trào mạnh mẽ chàng trai lộn nhào mấy vòng, tay vẫn ôm chắc cây khèn thổi…

Khách đứng vòng quanh thích thú vừa xem vừa quay phim, chụp hình, livestream, thậm chí cùng nhảy vui vẻ. Khách vỗ tay càng lớn, điệu khèn càng hăng say, những cô gái nhảy múa đến má ửng hồng.

Chúng tôi không thể nghĩ điệu múa khèn của nhóm trẻ với vài động tác lặp đi lặp lại mà có sức hút du khách đến thế.

Những cô cậu thanh niên hẳn ý thức giá trị điệu múa của dân tộc mình có sức hấp dẫn thế nào và biến nó trở thành điệu nhảy đầy chất đường phố, gần gũi và tương tác mạnh với người xem (dễ bắt chước nhún nhảy theo).

Hơn nữa, đem bản sắc văn hóa của mình không chỉ quảng bá, biểu diễn, mà còn… kiếm được nhiều tiền (du khách thấy thích và trả tiền cho người đã làm cho mình vui, cũng là hợp lý).

Và dù sao cách kiếm tiền của các nhóm trẻ này vẫn dễ thương, dễ chấp nhận hơn những em bé vài ba tuổi luôn nài nỉ, níu kéo du khách bán quà lưu niệm, xin tiền.

Trong khi chính quyền địa phương đem loa ra tận quảng trường khuyến cáo du khách: đừng cho tiền, mua quà lưu niệm của những em bé, vì không giúp được các em mà còn khiến các em không được đến trường đi học, được chăm sóc đàng hoàng; lợi dụng lòng thương cảm của du khách, cha mẹ các em bắt đi xin tiền.

Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Thật khó cho chúng tôi trong hoàn cảnh này, muốn quay lưng cũng không nỡ mà quay mặt lại cũng không đành!

Những đêm Sapa vì thế cứ lưng lửng trong cảm xúc hưng phấn và ngổn ngang như vậy. Thị trấn đêm vẫn sáng đèn trong màng sương bay bay, huyền ảo.

Kỳ cuối: Đi trong bản làng xanh bao la

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG