Tây Bắc mùa trái chín và những thửa ruộng bậc thang xanh bát ngát xếp chồng lên nhau đến tận trời mây. Thiên nhiên dành cho vùng đất này sự tráng lệ với những kỳ quan hùng vĩ bậc nhất và bàn tay con người "lấy sức người gặt sức thiên nhiên" đã tạo nên những tuyệt tác phục vụ dân sinh, lao động sáng tạo không ngừng để bắt kịp nhịp sống mới.
Bản Tả Van yên bình giữa trùng điệp ruộng bậc thang, núi đồi. |
(VLO) Tây Bắc mùa trái chín và những thửa ruộng bậc thang xanh bát ngát xếp chồng lên nhau đến tận trời mây. Thiên nhiên dành cho vùng đất này sự tráng lệ với những kỳ quan hùng vĩ bậc nhất và bàn tay con người “lấy sức người gặt sức thiên nhiên” đã tạo nên những tuyệt tác phục vụ dân sinh, lao động sáng tạo không ngừng để bắt kịp nhịp sống mới.
Một ngày phiêu lưu ở Tả Phìn
Cách Sapa khoảng 17km, Tả Phìn mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của vùng cao Tây Bắc với những nếp nhà hiền hòa, triền hoa bên đồi, bầu không khí trong lành.
Chúng tôi leo dốc vào xóm nhỏ, được chào đón bằng nụ cười hồn nhiên của người dân trong trang phục dân tộc sặc sỡ, thân thiện hỏi thăm và ồ lên “miền Tây xa lắm à”. Họ chỉ đường chúng tôi tới động Tả Phìn ở thôn Sa Xéng, là động trong khối núi đá vôi cao 1.792m thuộc dãy
Hoàng Liên Sơn.
Thuê đèn pin 20.000đ, một cô bé rất ra vẻ hướng dẫn viên chuyên nghiệp “khuyến mãi” dẫn chúng tôi vào động, khi một đoàn khách vừa rời khỏi. Bước vào cửa hang mát lạnh, nhiều thạch nhũ có hình thù kỳ quái, bí ẩn hiện ra trước mắt, được một lúc thì dãy đèn điện trong hang phụt tắt, cô bé bảo “phải mua điện mới có sáng”.
Chúng tôi lần từng bước, có dòng nước chảy bên dưới, theo ánh đèn pin và lời cô bé, những hình thù đại bàng, con rùa, tượng phật… nhìn rõ mồn một. “Người lớn nói hồi xưa đi vào hang cả ngày đêm không hết”- cô bé nói khi chúng tôi quyết định trở ra vì hang quá tối và tới nữa là đường hầm hun hút đi phải khom lưng.
Cũng giống như đi trong bóng tối hang động, chúng tôi bước vào Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Dao Đỏ vì hiếu kỳ sản phẩm thuốc chế biến từ các loại cây dược liệu.
Chị Tẩn Tả Mẩy giới thiệu sản phẩm đặc trưng từ cây lá thuốc của dân tộc Dao Đỏ. |
Giới thiệu với chúng tôi, chị Tẩn Tả Mẩy cho biết bên cạnh sản xuất thuốc tắm và dịch vụ tắm thuốc, HTX còn có 4 bộ sản phẩm gồm: thuốc tắm người Dao Đỏ, ngâm chân, gội đầu, xoa bóp…
Từ các bài thuốc gia truyền và các cây thuốc quý của người Dao Đỏ, HTX đã nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất rất nhiều sản phẩm thương mại. Chúng tôi nhận ra chị Tẩn Tả Mẩy là Giám đốc của HTX, khi đọc các thông điệp thể hiện hoài bão và tâm huyết của chị được treo trân trọng ở gian trưng bày sản phẩm.
Theo chị Tẩn Tả Mẩy, năm 2015, với sự hỗ trợ từ Dự án Great của Chính phủ Úc và chính quyền địa phương, từ 7 thành viên ban đầu, hiện nay HTX đã tăng 120 xã viên là phụ nữ dân tộc Dao và H’mông, tạo việc làm cho 224 hộ liên kết.
Vùng nguyên liệu của HTX được mở rộng tại 2 xã Tả Phìn và Ngũ Chỉ Sơn, với diện tích trồng và chăm sóc, bảo tồn các loại cây thuốc của người Dao Đỏ hơn 115ha.
Sản phẩm thuốc tắm đã làm nên cả ngành dịch vụ “Tắm thuốc người Dao Đỏ” dễ dàng nhìn thấy ở hầu hết các khách sạn ở thị trấn trong sương mù. Đồng thời, góp phần hoàn thiện cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang là thương hiệu hấp dẫn du khách đến Sapa.
Chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện này là những người phụ nữ Dao Đỏ vừa chở lá thuốc về đã bắt tay vào sơ chế, sát bên các vại nấu lá thuốc lớn đặt trên bếp lò cháy rừng rực. Vừa rót trà mời khách, hễ ngơi phút nào là chị Phàn Tả Mể (hội viên của HTX) luôn tay thêu thùa.
“Mể đang thêu áo cưới cho con gái lấy chồng”- chị Mể bảo vậy khi chúng tôi hỏi vì sao phụ nữ phải luôn tay thêu thổ cẩm? Chị bảo con gái đã học xong lớp 12, vài tháng nữa nhà trai qua cưới, phải làm luôn tay mới kịp.
Đám cưới con gái chị sẽ làm theo phong tục của dân tộc Dao Đỏ, nhà trai mang đôi gà trống mái đến dạm hỏi, nhà gái mổ gà xem chân đẹp và mắt sáng thì mới đồng ý đôi trẻ lấy nhau.
Đám cưới sẽ mời tất cả họ hàng đến dùng bữa cơm, đại khái là vậy. Chị Mể cũng bảo rằng sính lễ nhà trai đem sang nhà gái phải đủ nghi lễ, có heo, gà, nhưng ngày nay cũng tùy điều kiện gia đình, chứ không thách cưới như xưa… Chị sẽ may cho con gái 3 bộ đồ cưới, đã xong 2 bộ rồi, còn chuẩn bị quà cưới, trang sức nữa.
Bản Tả Van yên bình giữa núi đồi Tây Bắc
Chúng tôi đi trong sương sớm, giữa bao la xanh ngút ngàn, chạy xe vượt trên những con đường ngoằn ngoèo, dốc thẳng đứng lúc nào cũng cảm giác “muốn lật ngược”.
Bản Tả Van nằm giữa thung lũng bao quanh là ruộng bậc thang nối từ mái nhà cứ lên cao mãi bát ngát một màu xanh. Bên những con đường vòng vèo, lên xuống theo dốc núi là rất nhiều homestay, quán ăn nhỏ… được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh sắc xung quanh và đặc biệt “view bao đẹp”.
Vợ chồng chị Huế- chủ homestay PLUM đón chúng tôi bằng nụ cười dễ mến. Chị dân tộc Kinh sống ở đây “với đồng bào Giáy, Dao, H’mông… đã đủ lâu để thấy bản làng ngày nay thay đổi rất khác xưa nhiều lắm”.
Chị Huế cho biết, việc Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối đã đưa lượng khách nước ngoài đến với Tả Van ngày càng nhiều. Ở đây họ tìm thấy sự yên bình, thích đi bộ vào những thôn xa xôi, leo núi chan hòa cùng thiên nhiên…
Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp cô sơn nữ đồng bào dân tộc làm hướng dẫn viên nói chuyện với đoàn khách nước ngoài lưu loát bằng tiếng Anh và đưa họ đi thăm thú bản làng mình.
Du lịch mở cửa và các homestay đã đón khách nước ngoài trở lại đây, nhưng theo chị Huế, “vẫn chưa hồi phục như trước đại dịch COVID-19”. Điều đó cũng giải thích thắc mắc của chúng tôi vì sao nhiều hàng quán đầu tư lớn, khung cảnh rất đẹp, chúng tôi bước vào rất lâu nhưng chẳng thấy ai ra mời chào?
Còn ở điểm spa Lá Dao, các chị đồng bào dân tộc Giáy luôn miệng bảo “anh chị may đấy, được vào phòng ngâm lá thuốc view đẹp nhất ở đây. Thường khách phải đặt trước vài ngày”.
Chị Lý Thị Bính, Phùng Thị Kiên cho biết nhiều phụ nữ dân tộc Giáy như các chị có việc làm ổn định, tăng thu nhập nhờ các dịch vụ du lịch. Các chị làm tạp vụ, dọn phòng nghỉ, giặt giũ, pha nước thuốc vào bồn cho khách tắm… trong khi nhiều chàng trai, cô gái trẻ làm đầu bếp, kế toán tại đây.
Thú vị là khi khách yêu cầu massage thì các chị cũng… làm luôn! “Chị đã làm nghề hơn 5 năm rồi. Hồi trước bà chủ mời thầy tận Thái Lan tới dạy cho các chị em biết nghề. Hồi này vắng khách nên các chị làm tất tần tật các việc. Hôm nào vụ mùa, chị lại xin nghỉ, việc nương cấy lúa, hái ngô… xong rồi lại vào làm”- chị Bính cười vui giải thích với chúng tôi.
Sự thân thiện, chân thành của người dân nơi bản làng xa xôi và thanh bình làm chúng tôi ấn tượng, lưu luyến. Hứa sẽ quay trở lại đây không chỉ một lần.
Thay lời kết
Trong hành trình dặm dài đất nước từ Nam ra Bắc, bạn đọc đã đồng hành cùng chúng tôi qua những miền đất Việt Nam tươi đẹp. Từ những bãi biển rì rào sóng vỗ đến “nóc nhà Đông Dương” bảng lảng mây trời; từ những chuyến đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay đến đường dài xe đò xuôi ngược; từ những món ăn đậm đà hương vị biển cả đến những trải nghiệm không thể nào quên nơi vùng cao Tây Bắc… với biết bao cảm xúc tự hào, hạnh phúc lẫn suy tư.
Đã leo lên đỉnh núi cao nhất trên đất nước mình và đã bay trên bầu trời đêm từ Hà Nội về TP Cần Thơ - nói xa thì thật xa, gần thì cũng chỉ cách hai giờ bay thôi mà…
Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin