Tháng 7, tuổi trẻ lại bắt đầu những hành trình tìm về các địa chỉ đỏ để bày tỏ lòng tri ân, để được nghe và tìm về với quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc…
Tháng 7, tuổi trẻ lại bắt đầu những hành trình tìm về các địa chỉ đỏ để bày tỏ lòng tri ân, để được nghe và tìm về với quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc…
Đoàn Thanh niên Phường 9 đến thăm gia đình bà Đặng Thị Định. |
Chiến tranh đã đi qua, đất nước hòa bình, thống nhất nhưng những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại không gì có thể bù đắp được. Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành dấu ấn nhắc nhớ mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Trong cảm xúc thiêng liêng ấy, tuổi trẻ tỉnh nhà lại bắt đầu những hành trình tri ân tìm về cội nguồn.
Một thời hoa lửa rất đỗi tự hào
Vừa qua, Đoàn Thanh niên Phường 9 (TP Vĩnh Long) đã đến thăm và tặng quà cho gia đình bà Đặng Thị Định (Khóm 3). Đến đây, các bạn trẻ cùng quây quần, hỏi thăm sức khỏe và nghe bà kể về những năm tháng chiến tranh gian khổ. Mặc dù tuổi đã ngoài 90, sức khỏe yếu dần nhưng bà Đặng Thị Định vẫn còn nhớ mãi những ký ức thời lửa đạn “đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào”. Bà tham gia cách mạng vì địch lập ấp chiến lược, đàn áp dân ta, vì nước nhà chiến tranh thì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Thế là khi đó biết bao nhiêu lần bà chẳng màng bom đạn, chẳng sợ hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ. Rồi trong chuyến đi công tác ở Ba Càng (Tam Bình), bà bị địch bắt giam cầm. 1 năm sau khi ra tù, bà lại tiếp tục tham gia hoạt động đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Hòa bình, bà lại tiếp tục tham gia công tác phụ nữ phục vụ cho quê hương đến tuổi nghỉ hưu. Cả tuổi xuân cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tấm lòng của bà đối với quê hương thật kiên định, thủy chung. 60 năm tuổi Đảng, bà vẫn trung thành, sắt son một lòng vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc…
Còn chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Văn Kiết tham gia cách mạng ở xã Hòa Hiệp (huyện Tam Bình). Cuối năm 1961 khi đang làm nhiệm vụ, ông đã bị địch bắn hy sinh. Bà dẫu rất đau nhưng cố gạt nước mắt vì “chồng mình làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng với quê hương”... “Thời chiến tranh dù sống và chết chỉ cách nhau trong gang tấc, dù bị địch bắt bớ nhưng bà không bao giờ khuất phục, bởi bà luôn tin yêu và theo Đảng đến hơi thở cuối cùng”- giọng bà nói run run.
Tuổi trẻ viết tiếp câu chuyện hòa bình
Được nghe câu chuyện người thật, việc thật về sự dũng cảm của các thế hệ đi trước, bạn Nguyễn Đăng Khôi- học sinh Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) vô cùng xúc động. Đăng Khôi bày tỏ: “Em cảm thấy biết ơn các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh bản thân vì giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Qua đó, em thấy mình phải cố gắng học tập và phấn đấu trở thành người công dân tốt để tiếp bước truyền thống hào hùng đó”.
Tháng 7 hàng năm chính là “nốt trầm” để tuổi trẻ tìm về ký ức một thời hoa lửa của dân tộc, để tưởng nhớ đến bao thế hệ ngã xuống hay mất đi một phần thân thể cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Trong nốt trầm ấy, những ngày qua, tuổi trẻ huyện Long Hồ đã cùng với các đơn vị có những chuyến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách… Ấn tượng nhất với các bạn trẻ đó là lần cùng với tuổi trẻ Quận 6 (TP Hồ Chí Minh) đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Hai (xã An Bình, Long Hồ). Mẹ năm nay tuổi đã cao, dù lưng đã còng, Mẹ vẫn mang nặng trong lòng những ký ức khó quên. Đó là ký ức của một cuộc đời từng đi qua hai cuộc chiến tranh, hết cơ cực nghèo đói, đến mất mát hy sinh… “Mỗi lần đến thăm Mẹ là mỗi lần tôi được “tiếp lửa” truyền thống, thêm động lực để bản thân thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Đoàn, tích cực tham gia các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ”- chị Lê Thị Mỹ Linh- Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Bình bày tỏ.
Hành trình tháng 7 còn ghi dấu chân của các bạn trẻ khi tìm về các khu tưởng niệm, các di tích lịch sử. Tham gia mùa hè xanh tại Vũng Liêm, các sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã đến ấp Bình Phụng (xã Trung Hiệp, Vũng Liêm)- nơi Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ra và lớn lên- để tìm hiểu thêm về cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại khu vườn lưu niệm của gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt, các bạn trẻ đã được nghe anh Trần Văn Chinh- Phó Bí thư Chi bộ ấp Bình Phụng, cháu bà con gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng ông- kể về thời niên thiếu cùng những câu chuyện cảm động, sâu sắc về tình cảm gia đình, quê hương của Thủ tướng lúc sinh thời.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh ghé thăm khu vườn lưu niệm của gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở ấp Bình Phụng (xã Trung Hiệp, Vũng Liêm). |
“Khi được hiểu thêm về thân thế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng em rất khâm phục về người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Chúng em rất vui khi những ngày tình nguyện vừa qua đã thực hiện được các công trình, phần việc mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên quê hương Thủ tướng”- bạn Nguyễn Khánh Vy, sinh viên năm hai Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Hành trình tháng 7, tuổi trẻ ngược dòng chảy thời gian để tìm về những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc của biết bao thế hệ cha ông. Sự hy sinh cùng những chiến công oanh liệt ấy mãi mãi là niềm tự hào, là điểm tựa cho thế hệ mai sau vững bước tiến lên.
Anh Lê Duy Nam- Bí thư Đoàn Thanh niên Phường 9 (TP Vĩnh Long) Thế hệ trẻ may mắn được sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử, chúng tôi luôn tự hào về các thế hệ đi trước. Viết tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang, tuổi trẻ hôm nay sẽ không ngừng ra sức phấn đấu về mọi mặt, cống hiến hết sức mình để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày giàu đẹp. |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin