Hơn 20 năm gắn bó với nghề tò he, chàng trai Lê Xuân Tùng trở thành nghệ nhân tài hoa giữ nghề truyền thống của gia đình. Với tinh thần ham học hỏi và sáng tạo, Lê Xuân Tùng mang tò he ra thế giới, quảng bá nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Nghệ nhân Lê Xuân Tùng thổi hồn cho từng chiếc tò he. |
Hơn 20 năm gắn bó với nghề tò he, chàng trai Lê Xuân Tùng trở thành nghệ nhân tài hoa giữ nghề truyền thống của gia đình. Với tinh thần ham học hỏi và sáng tạo, Lê Xuân Tùng mang tò he ra thế giới, quảng bá nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Giữ nghề tò he truyền thống
Ở tuổi 33, Lê Xuân Tùng đã có hơn 20 năm làm tò he. Anh sinh ra tại làng Xuân La, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ- nay là Hà Nội), chiếc nôi của làng nghề tò he. Trưởng thành trong gia đình có tất cả thành viên đều là nghệ nhân nặn tò he, cậu bé Xuân Tùng cũng mon men theo để ngắm nhìn bột gạo đủ màu sắc, lấy bột của người lớn làm dư để nặn những con vật yêu thích. Được tiền bối truyền nghề, mới 12 tuổi, Xuân Tùng chính thức trở thành nghệ nhân tò he.
Năm 17 tuổi, Xuân Tùng cùng anh trai Xuân Tung vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Bươn chải đủ nghề từ viết thư pháp, làm xiếc, nặn bong bóng… nhưng nặn tò he vẫn là một phần quan trọng trong đời. Anh chia sẻ: “Nếu một ngày không được làm tò he thì đó là một ngày thiếu đi niềm vui. Mỗi khi làm tò he là chúng tôi có cơ hội được đem niềm vui đến cho các em nhỏ, đến với mọi người xung quanh”.
Khi chưa được nhiều người biết đến, anh em thường ngồi làm tò he ở những góc phố, trường học, công viên, hội chợ. Công việc nặn tò he thường không được đón tết bên gia đình. “Thường cứ đến tết thì người ta thu xếp để về bên gia đình, nhưng chúng tôi lại phải chuẩn bị đồ để làm to he bán. Trong thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, thấy khóe mắt cay cay nhưng vì mưu sinh và mong muốn giữ gìn nghề truyền thống, cảm giác chạnh lòng đó lại trôi qua nhanh chóng”- Xuân Tùng kể.
Xuân Tùng cho biết, công việc làm tò he khó ở công đoạn pha được màu tươi và phối màu để nổi bật từng nhân vật. Ngoài nặn tò he truyền thống như những con giáp, chim, cá, hoa hồng… thì ngày nay anh cập nhật những hình ảnh mới nhất được các em nhỏ quan tâm như nhân vật hoạt hình, truyện tranh. Bên cạnh đó, anh còn sáng tạo ra nặn chân dung từ bột tò he. Chỉ cần nhìn qua hình ảnh, khoảng 5- 10 phút sau là bức chân dung tò he tuyệt đẹp ra đời, phù hợp với thị yếu của giới trẻ.
Không chỉ nặn trên cây tre truyền thống, anh em Xuân Tung, Xuân Tùng đã mày mò để sáng tạo thêm biểu diễn vẽ tranh chân dung bằng bột tò he trên sân khấu. Nghệ thuật này cùng với những sáng tạo không ngừng nghỉ của Xuân Tùng đã mở đường để tò he được giới thiệu ra thế giới.
Sáng tạo với tranh tò he kết hợp mắt xích, ốc vít
Năm 2014, thấy tò he ngày càng ít được các bạn trẻ biết đến nên sợ sẽ bị mai một, anh em Xuân Tùng đã đem tò he tham gia cuộc thi Vietnam’s Got Talent với mong muốn để có thể giới thiệu về tò he đến nhiều người. Phần thi nặn tò he thành chân dung và dùng bột tò he vẽ bức tranh chân dung giám khảo được khán giả đón nhận nhiệt tình.
Đặc biệt hơn nữa, trong chương trình Gala xuân “100 giây rực rỡ”, anh em Xuân Tung, Xuân Tùng thể hiện phần trình diễn vẽ tranh tò he bằng mắt xích và ốc vít. Sử dụng những chiếc ốc vít và mắt xích xe, Xuân Tung và Xuân Tùng đã tạo nên một bức tranh xuân 3 miền đặc sắc. Bên cạnh đó, hai nghệ nhân còn tô điểm cho bức tranh bằng những nét vẽ tò he và sử dụng lửa để tạo nên phần độc đáo, ấn tượng. Tiết mục này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam: “Hai nghệ nhân đầu tiên dùng bột tò he kết hợp với mắt xích và ốc vít để vẽ tranh trên sân khấu”.
Nếu như với tranh tò he phải dùng những khối màu tò he mềm dẻo để vẽ, bột màu được uốn lượn theo từng giai điệu trên nền nhạc thì khi vẽ bằng ốc vít và mắt xích ngược lại hoàn toàn. Đối với biểu diễn vẽ tranh ốc vít và mắt xích phải dùng chất liệu tò he khô cứng, nên trong quá trình biểu diễn đòi hỏi sự dứt khoát, tập trung và độ chính xác cao, không được phép sai cho đến những phút giây cuối cùng. Ngoài ra, nếu chỉ cần đặt sai mũi khoan hay cắt không chuẩn xác kích thước của từng sợi dây xích ngắn dài khác nhau của từng vị trí sẽ hỏng bức tranh.
Đem một nghệ thuật đời thường lên sân khấu biểu diễn được nhiều khán giả đón nhận đã là một thành công, nhưng thành công hơn nữa là những năm gần đây, nghệ nhân Xuân Tùng còn vinh dự được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Đức, Anh, Thái Lan, Đài Loan, New Zealand, Úc… “Rất vui và hạnh phúc khi chúng tôi giới thiệu với bạn bè quốc tế biết được nghề truyền thống, trò chơi dân gian của Việt Nam. Bạn bè quốc tế rất yêu thích vì thấy mình thao tác nhanh đã ra một nhân vật đầy sống động. Mọi người xúm lại, xếp hàng để nặn chân dung hay đoán xem mình nặn nhân vật hoạt hình nào”- Xuân Tùng kể.
Mong muốn giữ nghề và mang tò he đi xa hơn nữa, Xuân Tùng chia sẻ: “Gắn bó với nghề đến ngày nay là mong muốn gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương và cũng là duy trì nét đẹp văn hóa Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ thực hiện những tác phẩm tranh chân dung của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ của Việt Nam mình với việc sử dụng từ nhiều chất liệu khác nhau. Hy vọng rằng thế hệ mai sau các em nhỏ vẫn biết đến tò he. Và những năm tiếp theo, chúng tôi được đem tò he đi giới thiệu nhiều nước hơn nữa trên thế giới để giới thiệu nét đẹp văn hóa của Việt Nam”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin