Đóm lửa mùa đông

Cập nhật, 05:40, Thứ Hai, 27/06/2022 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

NGUYỄN HỒNG TÂM

Nhà ông Ngô Văn Tốc- gần cây me cổ, là nơi họp chợ của người Hòa Ninh và dân cù lao, khi người Vĩnh Long “tiêu thổ” hồi Nam Bộ kháng chiến. Họ không vào tỉnh lỵ mua bán. Ông sinh năm 1886, theo kháng chiến khá đặc biệt, như con tầm lặng lẽ nhả tơ.

Xứ cù lao chỉ có ông là người theo cách mạng sớm nhất. Khoảng năm 1905- 1908, ông đã chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng. Ông giao du các “hội kín” với các nhà cách mạng thời đó. Lần hồi ông tiếp cận các Xứ ủy, Kỳ ủy viên.

Chính ông giác ngộ Ngô Văn Kính (con thứ ba) trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Gia đình ông sáu người tham gia kháng chiến. Ba người vào chiến khu, hai cháu nội hy sinh. Còn ông, cùng một con, một cháu nuôi chứa cán bộ.

Hầm bí mật của ông Ngô Văn Tốc từ 1948- 1975 không hề bị lộ. Khi ông Ngô Văn Tốc, Ngô Văn Huýnh qua đời, những căn hầm ấy giao cho ông Ngô Văn Hướng, cháu nội quản lý tiếp tục, làm nhiệm vụ nuôi chứa cán bộ kháng chiến. Ông Hướng nhiều lần bị tra tấn đến thổ huyết.

Song, kẻ địch chả khui được căn hầm nào? Suốt từ 1954- 1960, xóm làng bị địch khủng bố dữ dội… Khắp miền Nam chưa có chiến khu.Con người gầy yếu, lưng còng, tóc bạc phơ này- Ngô Văn Tốc- đã biến khu vườn nhỏ bé của mình thành căn cứ địa vững chắc bảo vệ người đấu tranh giành độc lập, tự do.

Khu vườn chưa đầy 2.000m2 nhà ông, có bao căn hầm bí mật. Có bao tấm vách đôi, lu mái đầm thủng đáy, sẵn sàng che chở bao cán bộ cách mạng. Mọi người thân thương gọi ông là ông “Hào Ba”, ba đời làm lương y. Người nghèo ông hốt thuốc không lấy tiền. Từ năm 1940, ông hay nói “quốc sự”.

Vừa hốt thuốc vừa diễn giải chuyện thời cuộc. Khách vừa nghe vừa chờ ông trị bệnh. Ông kết hợp một cách khéo léo, không hề nhầm lẫn. Như vừa trò chuyện vừa viết chữ. Ông dẫn giải đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc của Cụ Hồ theo cách của ông. Lúc nào ông Ba cũng nói: “Cụ Hồ biến cái không có thể thành cái có thể”.

Chỉ mỗi một câu “Người cày có ruộng” như mũi kim châm cứu, châm đúng huyệt. Xuất hiện hành động nhất hô bá ứng. Thống nhất nhịp nhàng ăn khớp. Con người tự nhiên bỏ hết ích kỷ, tị hiềm, toàn tâm, toàn ý thành phong trào như triều dâng, thác lũ. Chẳng thế lực nào ngăn nổi. Ông đọc báo đều đặn. Nhà ông thành điểm đọc báo khá tự nhiên. Báo cũ là nguồn giấy gói thuốc. Thời bấy giờ được nghe “quốc sự” như vậy quả là hiếm.

Có hiệp định Genève, ông thường xuyên phát tán tài liệu, tuyên truyền thắng lợi kháng chiến chống Pháp. Ông thường nói: “Cả thế kỷ bị ngoại bang xâm chiếm, có biết bao nhà yêu nước thi thố tài năng, chẳng tiếc máu xương. Lịch sử nhân loại đã tuyển chọn Hồ Chí Minh. Tuyển chọn bằng máu, nước mắt, thương đau, trí tuệ, nằm gai nếm mật… Hầu đem lại niềm tin cho loài người. Không phải mạnh được, yếu thua!

Mọi người ái ngại cho sự an nguy của ông. Còn ông thì tỏ ra hồn nhiên, ung dung, nói năng lưu loát. Nét mặt hồ hởi vui sướng. Rõ ràng tâm tư ông từ lâu gói kín, giờ mở ra. Còn tôi… là thiếu niên, thích tìm hiểu. Nghe chuyện từ ông Ba, tôi vô cùng thích thú … làm sao quên được!

Có người nói với ông: “Xứ mình là cù lao, làm sao tiếp nhận chi viện?”. Ông chẳng đắn đo: “Khi người dân hiểu chống áp bức bóc lột, thắng sẽ được làm chủ ruộng đất của mình. Thì họ sáng tạo ra cách chiến đấu!”.

“Đó! Xóm mình mua súng tiểu liên. Rất nhiều lần tay không phá đồn giặc, lấy vũ khí trang bị cho mình. Mà còn nộp về trên hàng chục khẩu súng và đạn dược, quân dụng. Rồi chế tạo sản xuất vũ khí. Bào chế thuốc trị bệnh. Ấy là sự kỳ diệu. Bắt nguồn từ lãnh tụ anh minh. Hồ Chí Minh”.

Sự “thắc mắc” dồn dập buộc ông giải tỏa: “Ở cù lao không vườn rậm, ruộng đồng trống trơn. Giặc đông như kiến! Ta ẩn náo ở đâu để đánh địch?”.

Ông thản nhiên, vừa bốc thuốc vừa đọc thơ. Lời thơ như chực chờ trên vành môi ông: “Có lòng dân kẻ địch đui mù/ Tình làng là tiếng mẹ ru”. Bấy giờ dáng ông là nhà tiên tri. Nhà ông ba đời am hiểu Hán Nôm trong hoạt động dược. Ông còn ứng dụng Hán Nôm vào việc lý giải tâm sinh lý, trong chống giặc. Ông thường nói câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn” (Điều gì ta không muốn, đừng làm cho kẻ khác). Ông thường bảo: “Dân Pháp, Mỹ ủng hộ Việt Nam chống giặc, bắt nguồn từ câu đó!”. Ông còn bảo: “Bọn xâm lược “chạm” vào lòng tự trọng của một dân tộc, chớ phải đâu một đội võ trang!”.

Người ta quen dần việc ông làm. Và không cần biết vì sao ông “yên ổn” đến lúc qua đời. Đúng là “nhân nghĩa thắng hung tàn!”. Ba đời nhà ông làm việc nghĩa. Thông qua chữa bệnh cứu người. Có gia đình tên ác ôn nào không thọ ơn ông. Cái ác đã “nể” ông.

Hơn 60 năm làm nghề lương y, là chừng ấy thời gian ông tuyên truyền cho cách mạng. Cách nói của ông rất phong phú, phù hợp từng đối tượng là thân chủ chờ ông hốt thuốc.

Một cựu chiến binh quân hàm cấp tá quê xã An Hữu nhận xét: “Ông Ngô Văn Tốc chữa bệnh cho bộ đội không nhận tiền. Cái thời chưa có y tế mình phải nhờ ông”.

Ông rất nhiệt tình, bình tĩnh, rước lúc nào cũng được. Sóng gió vẫn cứ đi. Trên đường gặp giặc hoạnh hẹ. Ông trả lời tỉnh bơ: “Bác đi chữa bệnh cho người ta cháu ơi! Có đứa nào cần bác xem mạch hốt thuốc cho?”.

Những người chiến đấu ở chiến trường xa, muốn gặp người thân, thường nhờ các mẹ, các chị ở chiến khu về rước gia đình- cũng có nhiều nơi gọi là “móc gia đình”. Lúc bấy giờ giặc khủng bố dữ dội. Không ai dám để người đi “móc gia đình” trực tiếp đến gia đình mình, mà phải qua gia đình khác; nếu không sẽ bị lộ. Gia đình mình và người đi “móc” sẽ chịu chung số phận.

Tôi được biết ông và người con trai lớn của ông đã tiếp không biết bao nhiêu vị khách chưa hề biết mặt. Đường đến nhà ông chẳng khó khăn… Những người khách phương xa ấy khi đến chợ Vĩnh Long, chỉ tìm bến đò Vĩnh Long- Hòa Ninh. Khách yêu cầu đò ghé bến ông Hào Ba Tốc hoặc ông Ba Huýnh, nhà ở gần bến nước, khỏi kiếm đâu xa.

Bà má Mười ở xóm Bến Chùa, ấp Một, xã Thanh An (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), kể: “Tôi có gần 20 năm làm nghề “móc gia đình”. Có khi đến đúng chỗ “móc” rồi, đành phải trở về. Vì người trong nhà không nhận mình có con em đi kháng chiến. Họ còn dọa kêu lính bắt. Riêng ông Ngô Văn Tốc và người con trai, có đôi mắt tinh tường, rất yêu thương chiến sĩ…”.

Chị Năm Tèo bị mất một chân, quê ấp Hiệp Phú, xã Nhị Long (tỉnh Trà Vinh) kể chuyện khi đến nhà ông Ngô Văn Tốc để móc nối gia đình: Tôi chống nạng gỗ đi vào cổng nhà ông Ba.

Đến sân lót gạch Tàu, trời mưa trơn, bị trợt té khá đau, đứng dậy không được. Bỗng có tiếng trong nhà: “Bà ơi! Cháu nó qua thăm mình kia kìa! Nó bị té bà đỡ nó vô!”. Tôi vừa bị té đau vừa sợ lính bắt… (chung quanh bọn lính đang càn quét). Tôi được đưa vào nhà tắm rửa, thay đồ. Sau đó tôi được biết người lên tiếng khi tôi bị té là ông Ba Huýnh, con trai ông Ngô Văn Tốc.

Bây giờ tôi mới hiểu ra, anh bộ đội nhờ tôi đi “móc gia đình” với ông Ba không có bà con gì cả, chỉ là thân chủ đến hốt thuốc. Vì sợ tôi không đi giúp, nên mới nhận ông Ngô Văn Tốc là ông nội, ông Huýnh là bác. Còn tôi thấy anh bộ đội từ miền Đông mới về đồng bằng, rồi sắp trở lại miền Đông, thấy tội nghiệp. Thời bấy giờ trở lại miền Đông chưa chắc sống.

… Tôi hỏi anh bộ đội nhờ tôi “móc gia đình”: “Không bà con “cật ruột” gì cả sao anh liều lĩnh vậy?”. Anh cười hiền khô: Thuở bé cha tôi cõng tôi sang nhà ông Ba hốt thuốc. Nghe ông Ba kể chuyện Bác Hồ hay lắm! Cha tôi thường bảo: “Ông Ba là người nhân đức. Hình ảnh ấy thấm mãi trong tôi!”. Qua lý giải của anh bộ đội, tôi đã hiểu mầm móng của bao niềm hạnh phúc.

Cuộc chiến đang hồi quyết liệt, sức khỏe của ông Ba như “đèn lu trước gió”. Ông không tiếp xúc bệnh nhân được nữa, chỉ trò chuyện với người thân. Một hôm, ông hay tin bọn Mỹ- Nguỵ cho ra đời “Luật người cày có ruộng”. Bọn “chiến tranh tâm lý” thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) trong dân. Ông cười, khẽ nói với mọi người ngồi bên ông: “Đúng là bước đường cùng. Một cơn giãy chết. Một hành động không “chính danh”. Lũ người chỉ biết bắt chước!”.

Chiều hôm đó xuất hiện nhiều trẻ em trong xóm hát đồng dao. Đánh thùng thiếc đi từ đình làng đến cầu Đen: “… A … ha … ha … Thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào. A … ha … ha!”, làm xóm Cây Me rộn lên niềm vui khó tả. Bọn giặc biết bị “xỏ”, chả làm gì được, đành im lặng!

Ông Hào Ba là một trong những gương mặt điển hình của quê hương Vĩnh Long. Ông có một ham muốn tột độ: được gặp Cụ Hồ. Ông thường kể với mọi người: “Cụ Hồ là vị “Đại nguyên soái” xuất chúng. Tiếc là ông không được thấy miền Nam giải phóng. Nhưng con cháu ông đã hưởng mùa xuân thứ 47 trên mảnh đất phù sa ngọt lịm cây trái.

Xin nhớ cho, thời ấy, mùa đông có một người miệt mài nhóm lửa … Và hôm nay xuân về ấm áp đất trời.