Trong hành trình về nguồn miền Trung, những địa chỉ đỏ tại "vùng đất lửa" Quảng Trị đã đọng lại nhiều cảm xúc đối với đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long. Các cô, các chị đến đây để hoài niệm về quá khứ, về những năm tháng đấu tranh đầy gian lao, đầy bom rơi máu chảy, đau thương của dân tộc. Biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, chúng ta càng trân quý giá trị của độc lập, tự do và hòa bình.
Các tin liên quan |
Trong hành trình về nguồn miền Trung, những địa chỉ đỏ tại “vùng đất lửa” Quảng Trị đã đọng lại nhiều cảm xúc đối với đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long. Các cô, các chị đến đây để hoài niệm về quá khứ, về những năm tháng đấu tranh đầy gian lao, đầy bom rơi máu chảy, đau thương của dân tộc. Biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, chúng ta càng trân quý giá trị của độc lập, tự do và hòa bình.
Đoàn xúc động, thắp nén nhang thơm bên phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Ngan (1945- 1969 nguyên quán xã Trung Thành-Vũng Liêm) tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. |
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ
Nằm trên “khúc ruột” miền Trung đầy nắng gió và là điểm giữa trên con đường thiên lý Bắc Nam, Quảng Trị đã vô tình trở thành chiến trường nóng bỏng và khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Quảng Trị được ví như một bảo tàng chiến công, được lập nên bởi truyền thống cách mạng kiên cường và ý chí quyết tâm thống nhất đất nước trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến.
Trong chiến tranh, từng tấc đất, ngọn cỏ nơi vùng đất Quảng Trị là một minh chứng oai hùng cho sự hy sinh của cả dân tộc. Quảng Trị có hơn 60.000 người con ưu tú ở khắp mọi miền đất nước đang yên nghỉ ở 72 nghĩa trang liệt sĩ. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào đất mẹ, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Hòa cùng dòng người từ khắp cả nước, hơn 70 đại biểu đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long trong đồng phục áo dài cờ đỏ sao vàng do bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh làm trưởng đoàn đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Đại diện đoàn cán bộ nữ gióng 9 hồi chuông tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ. |
Đoàn dâng hoa, dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ hơn 22.000 người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do nằm lại tại 2 nghĩa trang quốc gia này. Nơi đây ngày ngày làn khói hương vẫn quyện vào nhau, thơm ngát trên những phần mộ liệt sĩ, cùng với tiếng chuông thỉnh liên hồi vang vọng khắp nghĩa trang này.
Dừng chân bên ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngan (quê quán ở xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm- Vĩnh Long) đoàn chúng tôi xúc động thắp nén hương, tưởng nhớ tri ân người con Vĩnh Long đã nằm lại tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, mỗi khi có đoàn khách đến viếng, từng đàn chim bồ câu trắng- biểu tượng cho hòa bình, lại tung cánh tự do bay lượn như thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của người Việt Nam. Đại úy Phan Thị Tuyết Hồng- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bày tỏ: “Khi tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị, tôi cảm thấy bầu không khí rất linh thiêng và trang trọng. Tự nhủ rằng, đời đời ghi công và sẽ làm việc hết mình sao cho xứng đáng với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ”.
Quảng Trị, vùng đất của sự tri ân, của những con người, địa danh đã làm nên huyền thoại. Với sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cùng đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải bị chia cắt giờ đã trở thành những khu di tích đặc biệt cấp quốc gia. Những khúc quanh của lịch sử với Hiệp định Genève được ký kết ngày 21/7/1954 đã chia cắt hai miền Nam- Bắc đất nước ở vĩ tuyến 17 ngay tại sông Bến Hải- cầu Hiền Lương (ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay). Giới tuyến tạm thời chỉ tồn tại trong 2 năm nhưng cả dân tộc phải mất 20 năm mới đến được ngày non sông liền một dãy.
Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, dù chỉ cách nhau 1 dòng sông rộng chưa tới 100m nhưng đã có biết bao gia đình phải sống cảnh biệt ly. Cầu Hiền Lương trở thành chứng tích lịch sử với biết bao cảnh tang tóc, đau thương. Song, chính những đau thương ấy đã tôi luyện thêm ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù. Trong suốt 20 năm đất nước bị chia cắt, cột cờ Hiền Lương ở sông Bến Hải chính là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông của nhân dân đôi bờ. Bà Đào Thị Biểu (85 tuổi- nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Cửu Long) xúc động: “Mỗi lần đến Quảng Trị, mảnh đất đầy chiến tích, lịch sử hào hùng nhất của dân tộc, tôi lại thêm tự hào truyền thống đấu tranh kiên cường giữ nước để đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình như hôm nay”.
Bước khẽ vào Thành cổ
Về Thành cổ để tri ân những anh hùng liệt sĩ, nhiều thành viên trong đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long đã không giấu được cảm xúc lẫn những dòng nước mắt. Giọng chị Trần Thị Phương Lan- Phó Trưởng Ban Quản lý Thành cổ Quảng Trị, thuyết minh thổi hồn vào những di tích, hiện vật làm mọi thứ như có sức sống, chạm đến trái tim người nghe:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”.
Suốt 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, quân và dân ta đã bảo vệ thành công Thành cổ và TX Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới sức công phá của 328 ngàn tấn bom, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, Thành cổ hầu như bị san phẳng. Hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây, hình hài không còn nguyên vẹn. Máu và xương của họ đã hòa vào lòng đất… Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là một nghĩa trang- nơi yên nghỉ chung của các anh.
“Hành trang của người lính thật giản dị. Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi-đông nước, một khẩu súng AK, một chiếc ba lô. Chỉ ngần ấy thôi mà các anh đã làm nên lịch sử...”
Nghe giọng Quảng Trị mặn mà ấy, chúng tôi cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá, mỗi centimet đất đều thấm đẫm máu các anh hùng liệt sĩ. Chị Lê Thị Bích Hợp (điều dưỡng Khoa Nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh) rất xúc động, hạnh phúc: “Đất nước mình có nhiều di tích lịch sử tôi từng xem qua sách báo, nhưng chưa từng đặt chân đến. Quảng Trị cho tôi nhiều ấn tượng mãnh liệt về ý chí kiên cường chiến đấu của cha anh, tôi càng thấy tự hào về quê hương đất nước của mình”.
Bà Nguyễn Huỳnh Thu- Bí thư Huyện ủy Mang Thít, xúc động: “Mỗi lần đến Thành cổ Quảng Trị, tôi đều không kìm được cảm xúc và nước mắt. Nơi đây các anh đã chiến đấu anh dũng và luôn mang trong mình khát vọng Tổ quốc được hòa bình, thống nhất”.
Hơn 70 đại biểu đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long trong đồng phục áo dài cờ đỏ sao vàng viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. |
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh bày tỏ sự xúc động và lòng tri ân đối với các thế hệ cha anh của tỉnh Quảng Trị đã chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước. “Các hoạt động của chuyến về nguồn được tổ chức rất chu đáo và thành công tốt đẹp. Chuyến về nguồn là trải nghiệm ý nghĩa khi về vùng đất một thời nhuộm khói lửa chiến tranh, chị em mình sẽ quý trọng hơn cuộc sống hôm nay. Chúng tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc và may mắn khi được sống trong thời bình và thấy những đóng góp của mình thật nhỏ bé so với sự hy sinh, mất mát của các thế hệ ông cha. Tất cả chị em chúng tôi tâm niệm rằng phải sống tốt hơn, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức để làm sao xứng đáng với sự hy sinh đó, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển”.
Không chỉ được hiểu thêm về “vùng đất lửa” Quảng Trị của sự tri ân, của những con người, địa danh đã làm nên huyền thoại. Đoàn cán bộ nữ tỉnh Vĩnh Long còn trao tặng 1 căn nhà đồng đội cho gia đình chính sách trị giá 60 triệu đồng và 50 phần quà cho gia đình chính sách mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin