Hành trình về nguồn đến với "địa chỉ đỏ"

Cập nhật, 06:07, Thứ Bảy, 21/05/2022 (GMT+7)

Từ ngày 13-16/5/2022, hành trình về nguồn đến với những “địa chỉ đỏ” tại các tỉnh Miền Trung của đoàn cán bộ nữ của tỉnh Vĩnh Long do BCĐ Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức đã thực sự mang lại ý nghĩa.

Trong lòng các cán bộ nữ, lực lượng nữ tuyến đầu chống dịch COVID-19 của tỉnh tham gia sẽ không bao giờ quên những giọt nước mắt xúc động khi được nghe, được hiểu thêm những hy sinh to lớn của cha ông, đã quên thân mình vì độc lập tự do cho dân tộc. Và, càng trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị hòa bình của dân tộc, bản lĩnh hơn trong công việc và càng trân quý giá trị của cuộc sống hôm nay.

Kỳ 1: Thăm Tượng đài mẹ Suốt bên dòng Nhật Lệ

Tượng đài Mẹ Suốt- là di tích lịch sử nổi tiếng ở Quảng Bình để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho mỗi du khách khi có dịp ghé thăm.
Tượng đài Mẹ Suốt- là di tích lịch sử nổi tiếng ở Quảng Bình để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho mỗi du khách khi có dịp ghé thăm.

Đến với TP Đồng Hới- Quảng Bình, đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long đứng dưới chân Tượng đài mẹ Suốt- bên dòng sông Nhật Lệ, dâng hoa, thắp nén nhang, cúi đầu mặc niệm tưởng nhớ công lao và sự hy sinh của mẹ trong những ngày chống Mỹ trên dòng sông.

“Một tay lái chiếc đò ngang...”

Mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 tại xóm Vạn chài, làng Phú Mỹ (nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới- Quảng Bình). Bên bờ sông Nhật Lệ hữu tình, hình ảnh mẹ Suốt hiên ngang trong mưa bom bão đạn để chèo đò đưa bộ đội, dân quân, vận chuyển vũ khí sang sông tiếp viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ cứ làm xúc động lòng người. Và, hình tượng mẹ Suốt quả cảm không chỉ là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, mà còn trở thành đề tài xúc động và hào sảng cho biết bao tác phẩm văn học- nghệ thuật, về một người phụ nữ, một người mẹ chỉ với mái chèo và trái tim yêu nước, thương nhà mà quyết sống mái với quân thù, tiêu biểu trong đó là bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu.

“Một tay lái chiếc đò ngang

Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Sợ chi sóng nước tàu bay

Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua”.

Xưa quê làng biển Bảo Ninh của mẹ Suốt là vùng đất thiếu thốn, khắc khổ, muốn qua trung tâm phải đi đò ngang dòng Nhật Lệ. Thuở nhỏ, mẹ phải đi ở nuôi thân, cuộc đời của mẹ là những tháng ngày đi ở đợ hết nhà giàu này đến nhà giàu khác, làm thuê làm mướn suốt năm, suốt tháng mà vẫn khổ cực. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, Quảng Bình là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay và hải quân Mỹ. Những chiếc cầu, phà, các bến sông là mục tiêu mà chúng cho là quan trọng nhất để đánh phá hòng hạn chế, tiến đến thủ tiêu sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam thân yêu.

Với lòng căm thù, phẫn uất, nghĩ phải góp công sức cùng quân dân đương đầu với giặc, mẹ Suốt xung phong nhận nhiệm vụ lái đò qua sông Nhật Lệ mặc dù lúc đó mẹ đã 60 tuổi. Đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: phòng chữa cháy; cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại.

Hình ảnh người mẹ ngoài 60 tuổi mặc đồ bà ba đen bất chấp hiểm nguy, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ. Bên con đò, hình ảnh mẹ đã quen thuộc với những chiến sĩ, dân quân trên đường vận chuyển vũ khí, lương thực qua dòng sông Nhật Lệ trong quãng thời gian từ tháng 2/1965- 1968 và hình bóng mẹ như một biểu tượng của tình yêu nước, lòng quả cảm trên đất lửa Quảng Bình.

Cảm phục trước sự dũng cảm vì miền Nam vì sự nồng ấm tình người của mẹ, các chiến sĩ, bà con trong vùng đều gọi mẹ với cái tên thương mến “Mẹ Suốt”. Tháng 1/1967, mẹ Suốt đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Mẹ trở thành biểu tượng chung của những người phụ nữ Việt Nam gan dạ, giàu lòng quả cảm, quên mình hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng rồi, ngày 13/10/1968, một ngày định mệnh của mẹ trên dòng sông lịch sử. Trong một trận mưa bom dữ dội của kẻ thù, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh. Từ đó dòng sông Nhật Lệ khắc ghi tên mẹ và huyền thoại mẹ Suốt đã đi vào lòng người qua lời thơ, tiếng hát của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay.

Thăm Tượng đài mẹ Suốt

Tưởng nhớ và tri ân một người con anh hùng của quê hương Đồng Hới, năm 1980, UBND TX Đồng Hới cho xây dựng Tượng đài mẹ Suốt, cách bến đò xưa mẹ chèo khoảng 50m. Nơi đây, trở thành di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, một địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của người dân TP Đồng Hới và du khách gần xa khi đến thăm mảnh đất nắng lửa Quảng Bình.

Trong chuyến về nguồn, đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long đứng nghiêng mình kính cẩn dưới Tượng đài mẹ Suốt sừng sững, hiên ngang bên dòng sông Nhật Lệ. Tấm bia tưởng niệm nghi ngút khói hương trầm. Nhìn lên bức tường in phù điêu mẹ chèo đò thật sinh động cùng với mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung trắng bờ

Gan chi gan rứa mẹ nờ

Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai...”

Dòng sông Nhật Lệ này đã chứng kiến và hứng chịu biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Nay dọc con sông này những con đường rộng dài thẳng tắp, những tòa nhà cao ốc, dãy nhà phố khang trang hiện đại. Quê hương mẹ Suốt, giờ đã trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng vào loại đẹp nhất khu vực Bắc miền Trung. Dòng Nhật Lệ một thời chia cắt Bảo Ninh và TP Đồng Hới cũng đã sừng sững hai cây cầu vững chãi nối liền đôi bờ. Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Dòng sông Nhật Lệ đêm về tỏa sáng lung linh ánh đèn. Nhìn những hàng dương liễu xanh mát uốn lượn theo bờ sông đến tận Tượng đài mẹ Suốt tạo nên một cảm giác thật sự yên bình”.

Đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long thắp hương tại Tượng đài mẹ Suốt.
Đoàn cán bộ nữ Vĩnh Long thắp hương tại Tượng đài mẹ Suốt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh, Trưởng BCĐ Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, không giấu niềm xúc động: “Tôi có cảm nhận sự hy sinh của mẹ Suốt là sự hy sinh của toàn bộ những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, dũng cảm, bất khuất để cho đất nước được hòa bình, cho những thế hệ sau được ấm no, hạnh phúc. Biểu tượng của mẹ là gương sáng cho phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ tỉnh Vĩnh Long noi theo”.

Đến Quảng Bình, viếng Tượng đài mẹ Suốt, như được đến với người mẹ Tổ quốc đã cùng với đất nước trong gian lao phát triển và hội nhập.

Công sức mẹ Suốt đã góp vào chiến công của quân dân Đồng Hới bắn rơi 14 máy bay Mỹ trong hai ngày 7 và 8/2/1965; sau đó, thêm 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, cháy tại biển Nhật Lệ. Năm 1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1968, mẹ Suốt hy sinh dưới bom đạn của giặc.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN

>> Kỳ cuối: Về “vùng đất lửa” Quảng Trị- tri ân các anh hùng liệt sĩ