Có những hành trình… đi để lớn thêm. Về nguồn, tham gia những buổi kể chuyện lịch sử, thăm các di tích giúp những bạn trẻ có thêm kiến thức về lịch sử nước nhà. Vào dịp kỷ niệm này, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức để những câu chuyện lịch sử khơi dậy trong những bạn trẻ lòng tự hào và thêm yêu quê hương Vĩnh Long.
Các bạn học sinh, sinh viên đến xem triển lãm “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay”. |
Có những hành trình… đi để lớn thêm. Về nguồn, tham gia những buổi kể chuyện lịch sử, thăm các di tích giúp những bạn trẻ có thêm kiến thức về lịch sử nước nhà. Vào dịp kỷ niệm này, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức để những câu chuyện lịch sử khơi dậy trong những bạn trẻ lòng tự hào và thêm yêu quê hương Vĩnh Long.
Tự hào người con Vĩnh Long
Tại Bảo tàng tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở GD- ĐT, Tỉnh Đoàn tổ chức buổi tham quan, nghe nói chuyện chuyên đề nhân kỷ niệm 290 năm thành lập dinh Long Hồ (1732- 2022), 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long (1832- 2022), 30 năm tái lập tỉnh (1992- 2022) và 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022). Hơn 200 cán bộ Đoàn, học sinh, sinh viên của các trường THPT, ĐH đến Bảo tàng tỉnh thắp hương tại nhà thờ Quốc tổ Hùng Vương, tham quan trưng bày chuyên đề: “Từ Long Hồ dinh đến tỉnh Vĩnh Long ngày nay”, thăm di tích Khám Lớn Vĩnh Long.
Sau khi xem đoạn phim tư liệu, các bạn trẻ được nghe TS. Nguyễn Bách Khoa- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ câu chuyện lịch sử về dinh Long Hồ và quá trình xây dựng, phát triển của vùng đất Vĩnh Long. Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL, được hình thành vào năm 1732 với tên gọi Long Hồ dinh. Trải qua chặng đường gần 300 năm phát triển với nhiều lần thay đổi địa danh, địa giới, Vĩnh Long hôm nay là kết quả của quá trình đấu tranh, dựng nước, giữ nước đầy gian khó của toàn dân và quân. Trong mỗi tấc đất nơi đây đều thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các dân tộc cùng sống chung, cùng khai phá và gìn giữ mảnh đất này. Đó là nét văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được gìn giữ và trở thành truyền thống của nhân dân bao đời nay.
Bạn Nguyễn Thị Kim Ngân, lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Em được nghe thuyết minh về những câu chuyện có thật và lần đầu tiên được nhìn thấy những hiện vật, hình ảnh mô phỏng. Em đã rất ấn tượng khi nghe được câu thơ về tinh thần bất khuất của người tù trong Khám Lớn, em liền ghi lại vào sổ tay để nhớ. Hoạt động lần này giúp em thêm hiểu, tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Vĩnh Long. Từ đó có ý thức phấn đấu và học tập tốt hơn nữa để mang lại tương lai cho bản thân và đóng góp cho đất nước, xứng đáng với các thế hệ đi trước đã hy sinh cho cuộc sống yên bình hôm nay”.
350 trang tài liệu, bản đồ, hình ảnh quý giá về Vĩnh Long được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giới thiệu. |
Cô Lê Thị Hồng Tuyến- Giáo viên Trường THPT Lưu Văn Liệt cho biết, chuyến đi là một hoạt động có ý nghĩa nhằm truyền lửa, tạo động lực để các em quan tâm và mong muốn tìm hiểu về các giá trị lịch sử của dân tộc cũng như địa phương mình. Qua chuyến đi, các em sẽ thêm tự hào về mảnh đất Vĩnh Long. Để có ngày hôm nay, chúng ta phải ghi nhớ và tri ân bậc tiền nhân có công vun bồi, những người đã hy sinh xương máu. Bạn trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, phải nhận thức đúng đắn để từ đó có hành động đúng đắn.
Học sử theo một cách khác
Khi lịch sử được kể một cách sinh động sẽ tạo nên sức hấp dẫn và say mê tìm hiểu từ những bạn trẻ. Khi đến thăm di tích, không chỉ được tận mắt thấy những kỷ vật thiêng liêng mà còn được “giải mã” những thông tin ẩn chứa trong từng bức ảnh, từng hiện vật. Những tài liệu nhuốm màu thời gian được đánh thức bằng những lời diễn giải, những câu chuyện kể xúc động sẽ tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tư tưởng, có sức giáo dục và cảm hóa sâu sắc đối với mỗi người.
Anh Tào Phú Vinh- Chuyên viên tại Bảo tàng Vĩnh Long chia sẻ, anh cũng từng là giáo viên, nhận thấy bài học giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. “Một cách học lịch sử khác ngoài sách vở là nhà trường tổ chức để các em đi tham quan di tích, nghe thế hệ đi trước kể chuyện. Hình thức này không gò bó mà để học sinh tự tìm tòi nghiên cứu, chỗ nào chưa hiểu thì chúng tôi giải thích cho các em. Tùy theo độ tuổi mà có những phương pháp, cách làm để đọng thành ký ức và từ ký ức, lớn lên, dù đi đâu, làm gì các bạn vẫn nhớ quê hương xứ sở, vùng đất Vĩnh Long địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống. Từ đó mới giữ gìn văn hóa trong thời đại công nghệ ngày nay”- anh Phú Vinh chia sẻ.
Tại Quảng trường TP Vĩnh Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Vĩnh Long qua tài liệu lưu trữ”. Thực hiện triển lãm này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã khảo sát, sưu tầm hàng ngàn trang tài liệu, bản đồ, hình ảnh liên quan đến lịch sử 290 năm của vùng đất Vĩnh Long.
Là giáo viên dạy tiếng Pháp đã về hưu, đến xem triển lãm, chú Lê Minh Hà (Phường 5, TP Vĩnh Long) xúc động khi được xem những tấm bản đồ, tài liệu tiếng Pháp, những hình ảnh về nhà bảo sanh Vĩnh Long, Trường Tống Phước Hiệp mà chú từng theo học… “Những tài liệu vô cùng quý giá, có những tài liệu lần đầu tiên công chúng được nhìn thấy. Đây là tài sản quý để giáo dục con cháu sau này, thấy được những khó khăn, vất vả, hy sinh của thế hệ đi trước mà nhân lên tinh thần yêu nước, tiếp bước ông cha”- chú Lê Minh Hà chia sẻ.
Những câu chuyện lịch sử được kể sinh động, hấp dẫn hơn từ những hiện vật, tài liệu hàng thế kỷ. |
Theo Quyền Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Thụy Yến Phương, các hoạt động đã cung cấp những thông tin, tư liệu lịch sử quý giá về vùng đất Long Hồ dinh cũng như sự hình thành và phát triển của tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ. Đồng thời, giáo dục truyền thống, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; đường lối cách mạng của Việt Nam, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh và tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của nhân dân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hoạt động này cũng góp phần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên, hun đúc lòng tự hào dân tộc, là động lực để mỗi bạn trẻ nuôi dưỡng khát vọng học tập, rèn luyện, đóng góp xây dựng quê hương Vĩnh Long phát triển bền vững.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin