Trước đây, khi nhắc đến nông thôn người ta hay nghĩ đến hình ảnh đường đất lỏm chỏm, cầu khỉ khó đi, đèn dầu leo lét… nhưng kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn để kiến tạo quê hương, nhất là thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đã làm cho nông thôn chuyển mình đổi mới. Trong đó, có những tuyến đường được đan hóa, nhựa hóa, cầu bê tông rộng lớn và đèn điện sáng trưng...
Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, trồng hoa làm đẹp cảnh quan và có hệ thống đèn đường thắp sáng làm thay đổi diện mạo nông thôn. |
Trước đây, khi nhắc đến nông thôn người ta hay nghĩ đến hình ảnh đường đất lỏm chỏm, cầu khỉ khó đi, đèn dầu leo lét… nhưng kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn để kiến tạo quê hương, nhất là thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đã làm cho nông thôn chuyển mình đổi mới. Trong đó, có những tuyến đường được đan hóa, nhựa hóa, cầu bê tông rộng lớn và đèn điện sáng trưng...
Chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ về giao thông, phương tiện nghe nhìn… của người dân nông thôn đang theo sát, thậm chí là không thua kém thành thị.
Giao thông mở đường cho phát triển
Những năm mới giải phóng, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh không có đường đi, việc di chuyển chủ yếu là lội bộ hoặc bơi xuồng vì xung quanh toàn… mương, xẻo. Ông Lê Thanh Phong- Ấp 6A (xã Mỹ Lộc, Tam Bình) nhớ lại, khi ông học cấp 3, nhà cách trường khoảng 6 cây số, mỗi sáng ông dậy thật sớm ăn cho no bụng rồi băng đồng, lội xẻo… đi học, đến chiều mới về tới nhà do không có đường sá, di chuyển rất lâu. Lúc đó, nhà cách nhà một cái xẻo, phải chuyền bập dừa để đi, chỗ nào xẻo lớn thì xắn quần lội xuống. Mỗi nhà chỉ có một chiếc xuồng, nhà có nhiều người thì không đủ để xài, nên chủ yếu là… cuốc bộ. Từ từ, người dân bắc được cầu khỉ, tuy nhiên muốn sang sông vẫn cần phải có xuồng hoặc lội qua sông.
Khi trở thành giáo viên, có thời điểm ông Phong đi công tác ở phòng giáo dục- đào tạo về là đã nửa đêm, ông vẫn phải lội qua sông Cái Bần để đi dạy. Dần dần, địa phương cho đắp đê ven bờ, xây cầu xi măng nhỏ để đi. Sau đó, tất cả các xẻo đều được lấp lại, nên đường đi được liền lạc, khoảng 1- 2 cây số thì có cầu ngang để qua sông. Thông qua chương trình xây dựng NTM, giao thông nông thôn được đầu tư thông suốt, xã nối liền xã, ấp nối liền ấp với những tuyến đường được đan, nhựa hóa, nên “việc đi lại rất sung sướng”- ông Phong nói.
Bây giờ nhà nào cũng có 1- 2 chiếc xe máy, có hộ còn sắm xe hơi. “Cuộc sống ở nông thôn thậm chí sướng hơn ở thành phố, vì ở đô thị khó kiếm chỗ đậu xe, đem gửi thì tốn kém…”- ông Phong nói vui và cho rằng: ở quê mua sắm chiếc xe hơi vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường và “mua xe không phải lo
chỗ đậu”.
“Đường sá thuận tiện, không chỉ giúp người dân lưu thông dễ dàng, mà đất ở nông thôn ngày càng có giá hơn”- ông Phong nói và cho biết: Khi còn đường đất lỏm chỏm khó đi, đất của ông chỉ có giá vài chục triệu đồng/công. Đến nay đường được mở rộng rồi nhựa hóa, giá đất nâng lên 1 tỷ đồng/công.
Đời sống nâng cao, diện mạo đổi mới
Trước đây, nông dân trồng lúa mùa chỉ thu hoạch được 10 giạ lúa/công, nhưng bây giờ, người làm giỏi có thể thu được 50 giạ/công. Với 5 công đất vườn trồng măng cụt, ngày thường ông Phong chỉ tưới nước, tới vụ thu hoạch thì “a lô” cho thương lái tới hái, cân và trả tiền. Theo ông Phong, giờ làm nông cứ tới mùa là có cán bộ địa phương, công ty vật tư nông nghiệp tới hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức hội thảo, vận động xuống giống đồng loạt, hỗ trợ làm hợp đồng bao tiêu, chọn giống… chứ nông dân không phải tự mày mò như hồi xưa.
Hiện, Internet về tận nông thôn đã giúp nông dân dễ dàng tiếp cận khoa học kỹ thuật, học sinh học trực tuyến... “Nếu như dịch bệnh xảy ra cách nay 10 năm thì không thể triển khai học trực tuyến được, nhưng giờ học sinh ở nông thôn đã có thể học online”- ông Phong nói và cho biết: khi tổ chức tiêm ngừa, chỉ cần “chạm” và gửi qua mạng xã hội thì người dân cả ấp có thể nắm được thông tin. Vậy nên, “nông thôn đang hóa thành thị vì cách sống, mức sống không thua kém thành thị về phương tiện đi lại, nghe nhìn”- ông Phong nói.
Sự đổi thay ở xã Mỹ Lộc cũng là sự đổi thay chung tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, với những quyết sách hợp “ý Đảng, lòng dân” đã làm thay đổi toàn diện đời sống nông thôn.
Trước đây, huyện Bình Tân triển khai xây dựng NTM trong điều kiện huyện nông nghiệp có điểm xuất phát thấp về kinh tế cũng như nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, chất lượng nhân lực thấp chưa đáp ứng được nhu cầu, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, vai trò, vị trí và tiềm lực… Song, với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao cùng với sự đồng thuận chung sức, chung lòng của nhân dân, huyện Bình Tân đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Theo ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, bằng nhiều cách làm sáng tạo, sự đổi mới trong tư duy, chỉ đạo của các cấp cùng với sự đồng thuận của toàn xã hội và sự tham gia tích cực của nhân dân cộng với sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên sau 10 năm xây dựng NTM, huyện Bình Tân đã đạt được kết quả hết sức tích cực. Trong đó, hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư đồng bộ, nổi bật nhất là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa... được nâng cấp, xây mới, tạo diện mạo mới cho nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Nhờ áp dụng khoa học- kỹ thuật, nông dân trồng lúa trúng mùa, được giá, cuộc sống ngày càng no ấm. |
Huyện Bình Tân đang tiến hành những bước tiến quan trọng để đón lễ công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong tháng 11/2022. “Có được kết quả này, là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung sức của toàn thể nhân dân trong huyện”- ông Phạm Minh Hoàng- Bí thư Huyện ủy Bình Tân nhận định và cho rằng: Việc xây dựng NTM là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm chung tay, góp sức của mỗi người dân.
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin