Chuyện về người chơi gốm Cây Mai

04:01, 02/01/2022

Vô tình gặp anh Trần Trung Tiên- xã Long Mỹ (Mang Thít) với nhiều hào hứng về mấy chậu mai bonsai, nhưng nếu cây được chăm chút để chơi bonsai được gọi là "hồn" thì chậu trồng- anh Tiên cho rằng đó là phần "xác" của một tác phẩm nghệ thuật đáng để chiêm ngưỡng.

 

 

Anh Tiên với những chậu, đôn Hoàng đang có trong nhà mình.
Anh Tiên với những chậu, đôn Hoàng đang có trong nhà mình.

Vô tình gặp anh Trần Trung Tiên- xã Long Mỹ (Mang Thít) với nhiều hào hứng về mấy chậu mai bonsai, nhưng nếu cây được chăm chút để chơi bonsai được gọi là “hồn” thì chậu trồng- anh Tiên cho rằng đó là phần “xác” của một tác phẩm nghệ thuật đáng để chiêm ngưỡng.

Ấn tượng ban đầu với chúng tôi trong ngôi nhà của anh Tiên chính là một cặp đôn “Sửu” và một cặp đôn “Mẹo” được “thửa riêng” để dành tặng cho gia chủ. Mặt đôn có ghi “Gốm Hoàng kính tặng”- là món quà mà chủ lò gốm ở Đồng Nai dành tặng người đã trị hết bệnh gai cột sống cho mình và nhiều người thân khác. Được gọi là hàng “thửa riêng” vì chỉ có anh Tiên mới có hai cặp đôn đó, là duy nhất ở xứ này.

Anh Tiên là người mê đồ gốm, trong nhà có rất nhiều sản phẩm gốm được anh sưu tầm với các dòng gốm trong nước đã có từ lâu đời như gốm Chu Đậu, Bát Tràng (Bắc Bộ) hay gốm Gò Sành (Trung Bộ). Tuy nhiên, anh Tiên vẫn mê nhất là dòng gốm Nam Bộ xưa, đặc biệt là dòng gốm Cây Mai nổi lên như một hiện tượng của vùng Sài Gòn- Chợ Lớn vào đầu thế kỷ XIX.

Cách làm gốm Cây Mai ban đầu do các nghệ nhân gốc Hoa ở Chợ Lớn sản xuất. Sau này, những người Việt gốc Hoa tiếp tục sản xuất và có nhiều lò gốm nổi tiếng như Việt Lợi, Hưng Lợi Diệu, Kim Lợi (khu vực Lò gốm, Quận 6, Quận 11- TP Hồ Chí Minh ngày nay). Sau này gốm Cây Mai dần mai một, công nghệ làm gốm cũng ít người biết đến.

Hai cái đôn “Sửu” và “Mẹo” là “hàng thửa” mà chủ lò gốm Hoàng tặng anh Tiên.
Hai cái đôn “Sửu” và “Mẹo” là “hàng thửa” mà chủ lò gốm Hoàng tặng anh Tiên.

Theo anh Tiên, chủ nhân Lò gốm Hoàng là một người đặc biệt yêu thích gốm. “Cơ duyên đã khiến anh Hoàng phát hiện ra bí quyết và công nghệ làm gốm Cây Mai. Các sản phẩm của anh đều xuất phát từ sự yêu thích, nghiên cứu kỹ lưỡng gốm Cây Mai xưa. Hầu hết chúng được phủ men độc đáo, thoạt nhìn hơi thô nhưng ẩn chứa nét công phu trong từng tác phẩm, thông số kích thước chuẩn trong tạo hình và đặc biệt là bố cục trang trí rất hài hòa”- anh Tiên chia sẻ.

Điều đặc biệt của gốm Cây Mai, theo anh Tiên chính là càng để lâu thì càng có giá trị vì “nước men lên chì, lên đồng, thậm chí có nhiều sản phẩm lên men cẩm thạch, rất sang trọng”. Vừa nói, anh Tiên vừa đi ra vườn lấy một chiếc bình “pha sương gió nhiều năm”: Đây, bình đã lên nước men cẩm thạch, dân chơi đồ gốm nhìn cái sẽ nhận ra ngay là gốm Cây Mai, hiện nay có rất nhiều người săn tìm, sưu tầm.

Không chỉ mê các dòng gốm mà hiện nay, anh Tiên còn nhập về nhiều loại chậu, đôn của Gốm Hoàng. Tuy nhiên, theo anh, kinh doanh gốm chỉ là cho vui, chứ loại gốm này để càng lâu càng có giá trị, anh chia sẻ dòng gốm này với nhiều bạn bè, nhất là những người cùng sở thích về cây bonsai, những người bạn cùng thưởng thức vẻ đẹp của chậu bonsai có “phần hồn và phần xác” tương đồng, tạo nên một tác phẩm đáng để thưởng thức…

Để nắm rõ hơn về giá trị của gốm Cây Mai xưa, chúng tôi liên hệ với một người tên T. (TP Vĩnh Long) chuyên “săn” đồ cổ, đồ gốm thì được biết, loại gốm Cây Mai hiện được rất nhiều người trong giới sưu tầm tìm mua, bởi nó vừa có độ hiếm (độ lành tích), vừa quý giá về chất liệu men, không giống bất kỳ loại gốm nào khác từ xưa đến nay. “Loại gốm Cây Mai nếu để càng lâu thì màu men càng đẹp, và không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Giá trị thì hiện nay sẽ được định giá vào thời điểm sản xuất, độ lành tích và độ hiếm của sản phẩm đó”- ông T. cho biết.

Nói về cây mai bonsai ghép bo tướng quân được hơn 1 năm, được trồng trong chậu gốm Hoàng mang nước men của gốm Cây Mai ngày xưa. “Giá trị thì tùy người, đối với dân chơi bonsai mà mê luôn cả đồ gốm như tôi thì chậu cây này là vô giá…”- anh Tiên chia sẻ.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh