"Đừng bao giờ bỏ cuộc khi mình có thể". Câu nói ấy của anh Nguyễn Quan Ninh (xã An Bình- Long Hồ) khiến chúng tôi cứ ấn tượng mãi.
“Đừng bao giờ bỏ cuộc khi mình có thể”. Câu nói ấy của anh Nguyễn Quan Ninh (xã An Bình- Long Hồ) khiến chúng tôi cứ ấn tượng mãi.
Dẫu bản thân bị khiếm khuyết nhưng anh Ninh vẫn vươn lên sống vui, sống tốt. |
Một ngày đẹp trời, chúng tôi theo chân Xã Đoàn An Bình đến thăm anh Nguyễn Quan Ninh tại nơi làm việc của anh ở ấp An Thành. Trong tiệm sửa chữa điện thoại, chàng thanh niên “dù đôi chân không được bình thường” nhưng vẫn toát lên sự lạc quan đang “trị bệnh” cho những chiếc “dế yêu” (điện thoại- PV). Chăm chú hàn xong mạch điện bị hở, anh cười tươi rói: “Gần 10 năm làm “bác sĩ” điện thoại nên nó bệnh gì anh cũng bắt đúng mạch và điều trị
được hết”.
Rồi anh cho biết: hồi anh chào đời cũng như bao đứa trẻ khác nhưng khi hơn một tuổi thì không may bị sốt bại liệt. Từ đó, đôi chân anh không còn đi lại bình thường được nữa. Thời còn nhỏ đi học, anh cũng hay tự ti lắm. Nhưng càng lớn thì anh càng hiểu chuyện và thấy bản thân cần phải phấn đấu nhiều hơn để vượt qua mặc cảm của bản thân.
Lúc học THPT mỗi ngày anh đi xe ôm từ nhà tới phà An Bình rồi tự chống nạng qua TP Vĩnh Long để học. Ròng rã như thế suốt mấy năm liền anh vẫn không ngại khó mà chỉ ước mong một ngày được đỗ vào ĐH để không phụ lòng mong mỏi của gia đình. Thế nhưng vận may ấy đã không đến, anh đành chuyển sang học trung cấp kế toán ở Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long.
Sau khi ra trường, một lần nữa may mắn lại không “gõ cửa” vì anh không tìm được việc làm. Thay vì buồn bã anh bắt đầu đăng ký học sửa chữa điện thoại để có cái nghề nuôi sống bản thân. Và chính quyết định này anh đã mở ra cho mình một trang đời mới.
Anh tâm sự: “Mình từng có thời gian suy nghĩ rất tiêu cực vì thấy như mình là gánh nặng của gia đình. Tuy nhiên, khi được mọi người động viên, ủng hộ tinh thần, cùng với quyết tâm thay đổi “vượt lên chính mình” mà giờ đây mình đã có cuộc sống tốt hơn”.
Nhất là từ khi có nghề, anh nhận sửa chữa điện thoại tại nhà. Sau đó, anh thuê mặt bằng gần chợ xã để kinh doanh thêm thẻ cào, loa, chuột máy tính và các phụ kiện kèm theo điện thoại… Trung bình, anh thu nhập từ 5- 7 triệu đồng/tháng. Dẫu thu nhập so với nhiều người chẳng đáng kể là bao nhưng đối với anh “như thế đã là quá đủ” vì anh có thể tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.
Và chẳng dừng lại ở đó, anh còn hỗ trợ “chút ít” cho các thiếu nhi ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu. Bởi nói như anh “mình như bây giờ đã quá may mắn hơn nhiều hoàn cảnh khác rồi. Thêm nữa được làm việc ý nghĩa như thế bản thân cũng cảm thấy vui hơn”.
Chính vì thế, “thời gian tới tôi vẫn sẽ thường xuyên đóng góp “của ít lòng nhiều” cho các hoàn cảnh kém may mắn hơn để tiếp thêm động lực cho họ vươn lên nghịch cảnh giống như mình vậy”- anh nói chắc nịch.
Qua cuộc trò chuyện với anh, chúng tôi vô cùng khâm phục chàng thanh niên mặc dù bị khiếm khuyết nhưng không hề bị số phận quật ngã ý chí. Với sự thương yêu của gia đình cùng niềm tin, sự lạc quan mà anh vượt qua tất cả để vươn lên sống vui vẻ, sống tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tấm gương của anh thật đáng học hỏi.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin