Mấy ngày qua, cả nước đều hướng về miền Trung, thắt lòng khi thấy hình ảnh người chồng ở Thừa Thiên- Huế khóc nghẹn gọi vợ đang mang thai bị nước lũ cuồn cuộn cuốn trôi. Là đứa con "rặt" miền Tây nhưng tôi lại dành tình cảm rất đặc biệt cho Huế.
Mấy ngày qua, cả nước đều hướng về miền Trung, thắt lòng khi thấy hình ảnh người chồng ở Thừa Thiên- Huế khóc nghẹn gọi vợ đang mang thai bị nước lũ cuồn cuộn cuốn trôi. Là đứa con “rặt” miền Tây nhưng tôi lại dành tình cảm rất đặc biệt cho Huế.
Một lần đến cố đô, ngồi ở chợ Đông Ba ăn ly chè mà vị ngon ngọt nhung nhớ khôn nguôi. Phải hiểu Huế mới thấy thương Huế. Và khi đọc “Trước nhà có cây hoàng mai” của Minh Tự, tình yêu Huế nhen nhóm rồi đậm sâu từ bao giờ cũng không hay biết.
Tùy bút, phóng sự đầy tinh tế về Huế của nhà báo Minh Tự. |
Huế mang sự kiêu hãnh, tinh tế, nhẹ nhàng mà nếu những ai quen sống nhanh sẽ cho rằng ở Huế thật buồn.
Đây là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam. Mùa hè nhiệt độ gần 40 độ muốn “cháy da cháy thịt”, còn vào mùa mưa thì Huế mưa ngày đêm không dứt. Có câu ca Huế bắt đầu thế này: “Ai ra xứ Huế thì ra…”, không rủ rê mà chỉ cần yêu Huế thì người ta sẽ đến, còn nếu ai đã không ra… thì chắc là chưa đủ duyên.
Nhà báo Minh Tự đã chứng minh rất rõ ràng câu nói “không xa Huế mần răng thương hết Huế”. Cậu bé Minh Tự ở Huế là học sinh trường chuyên, thành sinh viên văn khoa, tốt nghiệp lại rời Huế ra đi.
Sau gần 10 năm ở Đà Lạt, nỗi nhớ nhung về Huế tích tụ như muốn vỡ òa trong từng câu thương xứ sở phong rêu kiêu sa. Qua câu chữ của Minh Tự, những điều vốn dĩ quen thuộc với người Huế lấp lánh yêu thương và nâng niu trân quý.
Trải qua tuổi trẻ đầy ký ức ở Huế, Minh Tự bước ra thế giới rộng lớn rồi lại quay trở về đắm chìm trong cái không gian của cỏ cây vườn Huế, rong chơi hết tháng Giêng với hội hè từ làng Sình về Thai Dương Hạ, làm bạn chuyện trò với sư thầy trong những ngôi chùa Huế giữa thâm u núi rừng hay chỉ lặng im ngồi nhìn những lão mai như bảo vật của gia đình.
Không đâu ấm áp bằng tình nhà, trở về xứ “Truồi ngọt mít thơm dâu”, thấy cánh hoàng mai khẽ rung trong gió đầu xuân đẹp hơn, tô bún bò nóng cay bên vệ đường mỗi sáng ngon hơn…
Minh Tự viết rằng: “Ăn uống đối với xứ Huế, người Huế, hình như từ lâu đã trở thành một nghệ thuật, một văn hóa, một triết lý sống”. Vì thế, trong 36 bài viết, anh dành hơn 5 bài về ẩm thực Huế. Nào là tô bún bò, mè xửng, phố bánh canh, phố hến, phố bèo- nậm- lọc...
Dường như “phố ẩm phường thực” nào anh cũng đi qua, và bài viết không chỉ là trải nghiệm cá nhân mà còn là những chiêm nghiệm tinh tế của những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân về ẩm thực.
Bằng ngôn ngữ đời thường được chưng cất bằng tình yêu thương, văn hóa Huế vô cùng đặc biệt ở những làng nghề: làng nghề sen ở hồ Tịnh Tâm, nghề thêu Huế, nghề phục chế nhà rường ở Mỹ Xuyên, Văn Xá, Dạ Lê, làng chằm nón lá bài thơ ở Phủ Cam, Tây Hồ…
Người đọc hiểu thêm về những làng như Trúc Lâm nhiều người cao tuổi nên được gọi là làng thượng thọ; làng Phước Tích với nghề làm đồ gốm được công nhận là làng cổ- di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội…
Ngấu nghiến xong quyển sách của Minh Tự, những ai yêu văn hóa Việt Nam nói chung và văn Huế nói riêng sẽ muốn “xách ba lô lên và đi” đến ngay nơi “Trước nhà có cây hoàng mai”.
Khi mà văn hóa truyền thống có nguy cơ mất dần bởi những bước tiến kinh tế thần kỳ, thì Huế vẫn vậy, lối ăn, lối mặc, lối ở, lối yêu, lối ghét… đã tạo thành một bản sắc khó phai mờ. Kết thúc của bài hát “Ai ra xứ Huế thì ra…” lại là một lời mời mà phải yêu lắm, nghe hết bài tác giả mới chịu nói ra: “Có nhớ xin trở về”…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin