Trung thu yêu thương bao miền ký ức

02:09, 12/09/2019

Với trẻ em, trong 12 mùa trăng trong năm thì trăng rằm tháng 8 là "vui nhất" vì... được chơi lồng đèn, được tặng quà bánh. Với nhiều đứa trẻ, Tết Trung thu hàng năm của thuở thiếu thời sẽ là hành trang đầy yêu thương trải dài bao miền ký ức.

 

 

Ông Nguyễn Minh Dũng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít- trao quà trung thu cho học sinh Trường Tiểu học Hòa Tịnh A.
Ông Nguyễn Minh Dũng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít- trao quà trung thu cho học sinh Trường Tiểu học Hòa Tịnh A.

Với trẻ em, trong 12 mùa trăng trong năm thì trăng rằm tháng 8 là “vui nhất” vì... được chơi lồng đèn, được tặng quà bánh. Với nhiều đứa trẻ, Tết Trung thu hàng năm của thuở thiếu thời sẽ là hành trang đầy yêu thương trải dài bao miền ký ức.

Ấm áp Tết Trung thu

Tối 10/9/2019 (nhằm ngày 12/8 âm lịch), Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức đoàn lãnh đạo cùng các ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương đến chung vui đêm hội trăng rằm với trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đó là thông lệ hàng năm vào dịp Tết Trung thu.

Ở đó các thiếu nhi, trẻ em được chơi trò chơi dân gian, xem múa lân, nghe chuyện cổ tích, được tặng bánh trung thu và lồng đèn nhiều màu sắc... Đó là sự quan tâm chăm lo chu đáo của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể đối với lứa tuổi thiếu nhi để tất cả các em có mùa trăng vui tươi, ấm áp.

Đại diện lãnh đạo tỉnh đã đọc thư chúc mừng của Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long gửi các cháu thiếu nhi dịp Tết Trung thu năm 2019.

Bên cạnh hàng ngàn phần quà (bánh trung thu, lồng đèn) trao cho các cháu thiếu nhi từ nguồn ngân sách tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn gửi hàng trăm suất quà (cũng bánh và lồng đèn) để mọi trẻ em đều được thụ hưởng.

Em Lê Thị Kiều Vân- lớp 6/1, Trường THCS Hòa Tịnh (Mang Thít)- cho biết: “Hàng năm, được các cô chú, thầy cô tạo điều kiện cho chúng em đón Tết Trung thu thật vui và ý nghĩa. Chúng em vui sướng, hạnh phúc lắm”.

Còn với em Phan Thị Kiều Ngân- lớp 3/2, Trường Tiểu học Hòa Tịnh A- thì lần này là “lần thứ 5 con đi chơi Tết Trung thu”. Hỏi ra, cô trò mới 8 tuổi vẫn nhớ 2 lần được mẹ cha đưa đến trường chơi Tết Trung thu hồi mẫu giáo và đến cấp học bây giờ. Vui là cảm giác chung của Ngân và rất nhiều cô cậu trò nhỏ khác.

Cô bé nói “con vui vì được nhận lồng đèn, bánh trung thu và cùng các bạn chơi nhiều trò chơi nữa”...

Học lớp 7/2, Trường THCS Hòa Tịnh, em Đặng Võ Phước Nguyên cũng cùng đến sân trường vui Tết Trung thu.

Cậu trò nhỏ nhanh nhảu: “Con chơi Tết Trung thu năm nay được 7 năm rồi! Có năm con và các bạn về xã, có năm dự bên trường này và “năm nào cũng vui hết chú”! Bên tiếng trống lân rộn ràng, Nguyên rành rọt “con nhớ nhất là vui chơi trung thu khi con vào lớp 1, được nhận quà bánh, chơi lồng đèn cùng các bạn...”

Miền ký ức Tết Trung thu

Ngồi bên hành lang, trong các phụ huynh đợi rước con em chơi hội trăng rằm về, có bà Nguyễn Thị Nga- bà nội học sinh Phan Hồng Thái Bảo (lớp 3/2). Bà nói “thấy vui lắm” và chân tình: “Tui đưa cháu đi hội trăng rằm mấy năm nay rồi, từ lớp 1 tới giờ. Con cháu mình vui, thì mình cũng vui lắm!”

Ngồi kế bên, bà Bùi Thị Thu Hà- bà ngoại của học sinh Phạm Minh Tài (lớp 4/2)- góp lời: “Tui cũng đưa cháu nội, cháu ngoại đi học, đi chơi trung thu từ lớp 1 tới giờ”. “Năm nay thấy đông, trời nắng nên các cháu thoải mái chơi nhiều trò chơi và nhận quà”.

Đó là các câu chuyện trung thu của cháu thiếu nhi ở Hòa Tịnh cũng như nhiều địa bàn khác trong tỉnh. Đó cũng là ký ức Tết Trung thu mỗi năm lại đến, không chỉ bên tiếng nói cười rộn rã thiếu nhi, với bánh trung thu, bên đèn lồng nhiều màu sắc...

Đó còn là ký ức quen thuộc của ông bà, cha mẹ bên cháu con mình học hành, vui chơi và từng ngày khôn lớn. Cuộc sống đổi thay căn bản đủ đầy, trẻ em học hành, vui chơi trong sự quan tâm sâu sát gia đình và toàn xã hội, bởi đó là mầm non là tương lai. Như quà bánh trung thu, lồng đèn đêm hội trăng rằm mọi trẻ em đều được nhận, thưởng thức, vui chơi.

Ngoài bánh trung thu, lồng đèn, các em vui hội trăng rằm còn được chơi trò chơi.
Ngoài bánh trung thu, lồng đèn, các em vui hội trăng rằm còn được chơi trò chơi.

Sân khấu đêm hội trăng rằm ở Trường Tiểu học Hòa Tịnh A có khoảng 200 cái lồng đèn vỏ lon bia giăng mắc. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Bình nói đó là sản phẩm của học sinh khối 4 và 5 tự làm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.

“Tận dụng những phế phẩm, các em có thể vui Trung thu bằng lồng đèn tự làm như trên, chỉ việc để đèn cầy vào đốt cầm đi chơi, lại bền”. Bên cạnh ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, theo thầy Bình, thông qua đó cũng là cách để giáo dục ý thức và rèn kỹ năng sống cho học sinh.

Cái lồng đèn vỏ lon (lon bia, lon sữa, gáo dừa, ống tre...) gợi nhớ về những mùa Tết Trung thu đã xa thành ký ức.

Có ký ức vừa mới như cách bà nội, bà ngoại kể trên đưa đón cháu đi chơi trung thu. Ký ức của bé Ngân (lớp 3/2), bé Nguyên (lớp 7/2) dù hơi nhớ nhớ nhưng vẫn rành rọt kể được chơi đêm hội trăng rằm đã 5 hay 7 năm rồi. Lại có ký ức của những người ở thời 25, 30 năm về trước từng chơi lồng đèn vỏ lon như mới thấy tối qua.

Sẽ có nhiều trong những đứa trẻ hôm nay giữ kỷ niệm đẹp của Tết Trung thu mỗi năm lại đến. Và có những đứa trẻ xem cảm xúc và ký ức ấy như một trong các hành trang đầy ắp yêu thương khi bước vào đời.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh