Chúng tôi thấy mình "lớn thêm một chút" khi đến hang Pác Bó nơi "bàn đá chông chênh" Bác dịch sử Đảng, đến Nà Tu được nhắc nhở bài học mà Bác dành tặng cho thế hệ thanh niên Việt Nam: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên".
Những ngày ở Cao Bằng, Bắc Kạn, cảm xúc dẫn dắt xuyên suốt hành trình của chúng tôi là niềm khâm phục sao khó khăn, nguy hiểm đến vậy mà Bác, mà các đồng chí lãnh đạo cách mạng vượt qua được. Chúng tôi thấy mình “lớn thêm một chút” khi đến hang Pác Bó nơi “bàn đá chông chênh” Bác dịch sử Đảng, đến Nà Tu được nhắc nhở bài học mà Bác dành tặng cho thế hệ thanh niên Việt Nam: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Pác Bó- “Đầu nguồn” của cách mạng Việt Nam
Đoàn về thăm Khu di tích Pác Bó- “Đầu nguồn” của cách mạng Việt Nam. |
Khu di tích Pác Bó nằm ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách TP Cao Bằng 55km về phía Bắc. Nếu ngày trước, Bác “ung dung yên ngựa trên đường suối reo” thì hôm nay, xe chúng tôi bon bon trên đường nhựa uốn lượn dưới chân những dãy núi trùng điệp.
Băng qua những cánh đồng lúa sắp ngả chín vàng, những xóm làng bình yên, những thảm hoa rừng đủ màu sắc, trước mắt chúng tôi hiện ra dòng suối xanh ngọc bích có gắn tấm biển lớn: Suối Lê Nin.
Phía trên cao, núi Các Mác sừng sững như bức thành đồng, xanh thẳm cây rừng, hiên ngang cùng năm tháng.
Địa thế nơi này rất đặc biệt. Người bên trong dễ dàng quan sát bên ngoài trong khi ở ngoài rất khó nhận biết bên trong. Vì thế, nơi này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình.
Chúng tôi men theo con đường đá rêu phong dọc dòng suối Lê Nin. Hai bên đường, có những bãi cỏ xanh rờn, những bụi cây dại um tùm, những rừng cây cổ thụ xum xuê.
Anh dẫn đoàn ở Tỉnh ủy Cao Bằng giải thích, theo tiếng Tày- Nùng, “Pác Bó” có nghĩa là “đầu nguồn”. Nơi đây cũng là cội nguồn cách mạng Việt Nam gắn liền với sự kiện ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về nước, qua cột mốc biên giới Việt Nam- Trung Quốc số 108 để chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Địa danh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Bác giai đoạn 1941- 1945.
Thăm hang Pác Bó, nơi Bác ở (từ ngày 8/2 đến cuối tháng 3/1941) càng thấy trân trọng, cảm phục nhân cách lớn của Người. Miệng hang nhỏ, chỉ đủ một người chui vào.
Vừa chui mà nước từ trên vách nhỏ từng giọt vào đầu. Lòng hang rộng khoảng chục mét, ẩm thấp và lạnh lẽo. Tấm ván Người nằm nghỉ vẫn còn được giữ nguyên vẹn.
Hòn đá Người kê làm bếp nấu cơm, cây ổi Người hái lá đun nước uống thay chè vẫn còn đó, chỗ Người thường ngồi câu cá sau mỗi giờ làm việc mệt nhọc, chiếc bàn đá “chông chênh” nhỏ bé chỉ đủ kê một chiếc máy chữ Người ngồi “dịch sử Đảng” làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng... vẫn luôn gây xúc động với mỗi ai đến thăm nơi này.
Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, Người vẫn luôn lạc quan tinh thần cách mạng: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang” (“Tức cảnh Pác Bó”).
Phía trước cửa hang Pác Bó có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm là nơi Bác triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Ngoài bờ suối vẫn còn chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc.
Cảm giác như Bác vẫn hiện diện đâu đây, đang nghiên cứu tài liệu trong lán Nà Lừa, đang chống gậy băng rừng, đang leo qua những bậc đá từ hang xuống núi, đang thong thả buông cần bên suối Lê Nin...
Một số khách tham quan dừng lại trước con suối, vốc nước trong lòng bàn tay để uống, có người còn chuẩn bị sẵn chai rỗng để mang nước suối về với kỳ vọng… “học theo Bác và sẽ đạt nhiều thành công trong tương lai”.
Đoàn đến dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pác Bó.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long- hứa với Bác: “Tỉnh Vĩnh Long nguyện quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn với tỉnh Cao Bằng, cùng nhau tiếp tục thực hiện thành công con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác đã chọn”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ghi cảm tưởng trong chuyến hành trình về nguồn lần này, trong đó có đoạn viết: “Chúng cháu xin hứa với Bác sẽ tiếp tục thực hiện tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.
Nhớ lời Bác dạy ở Nà Tu
Tượng đài nơi Bác đến thăm hỏi thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu và tặng 4 câu thơ sống mãi trong thế hệ thanh niên Việt Nam. |
Trong chuyến thăm và trao tiền hỗ trợ làm nhà cho gia đình chính sách tại tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Bùi Văn Nghiêm cùng đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Nà Tu (ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông).
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Để đáp ứng yêu cầu to lớn của cuộc kháng chiến, lực lượng thanh niên tình nguyện, đội quân chủ lực trong bảo vệ cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược… được huy động.
Có một điều thú vị là Khu Di tích Pác Bó cũng là điểm đầu, nơi đặt “Km 0” của con đường huyết mạch và lịch sử- Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam, đi qua 30 tỉnh- thành nối thông đến Đất Mũi (Cà Mau). |
QL3 chạy từ Hà Nội qua Thái Nguyên lên Bắc Kạn, vượt đèo Giàng, đèo Gió lên Cao Bằng không những trở thành con đường chiến dịch của ta trên chiến trường Bắc Đông Dương mà còn là đường giao thông huyết mạch của các chiến trường toàn quốc.
Thấy rõ tầm nhìn quan trọng của đường số 3 đối với công cuộc kháng chiến của ta, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này.
Để đảm bảo giao thông cho chiến khu Việt Bắc, các liên đội phân đội thanh niên xung phong được điều động công tác suốt dọc đường số 3, đảm nhận sửa chữa bảo vệ con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến.
Ngày 28/3/1951, tại Khu rừng Nà Tu, Đội thanh niên xung phong 312 đã vinh dự được đón Bác. Sau khi đến bắt tay thanh niên và ân cần thăm hỏi, bất ngờ Bác hỏi: “Các cô, chú đào núi có khó không?” Đồng thanh anh chị em xung phong lên tiếng: “Thưa Bác không ạ”.
“Vậy các cô, chú có lấp được biển không?” Có tiếng rụt rè trả lời: “Thưa Bác! Chúng cháu chưa bao giờ nhìn thấy biển ạ”. Bác cười và nói: “Đào núi và lấp biển, hai việc tuy khó nhưng nếu có ý chí quyết tâm, chúng ta đều có thể thực hiện được”.
Nói rồi, tức khẩu thành thơ, Bác đọc tặng đội thanh niên xung phong 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Sự kiện Bác Hồ đến thăm đội thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu và tặng 4 câu thơ là nguồn cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ trẻ trên mặt trận đảm bảo giao thông. 4 câu thơ Bác tặng đội thanh niên xung phong đã được đồng chí Dương Thiết Sơn (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn)- người đưa Bác đi thăm đơn vị đã chuyển cho Trung ương Đoàn và được nhạc sĩ Hoàng Hà phổ nhạc thành bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”.
Từ đó lời dạy của Bác trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của các thế hệ thanh niên Việt Nam, luôn quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với những ý nghĩa đặc biệt đó, khu di tích trở thành điểm tổ chức các hoạt động về nguồn, các buổi ngoại khóa, là điểm đến của du khách thập phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, ý chí vươn lên đối với các thế hệ trẻ, thanh thiếu niên Việt Nam luôn quyết tâm, bền chí, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp.
Nếu ai đó một lần đến Nà Tu thì đừng quên dừng chân để suy ngẫm lại câu thơ của Bác, để thấy mình lớn thêm một chút khi ngước nhìn non nước kỳ vĩ này!
Cô giáo trẻ Võ Thị Hoàng Yến- Trường THPT Tân Quới (Bình Tân)- cho biết: “Đến nơi Bác đã từng sống và làm việc, chúng tôi có thêm động lực để làm việc và học theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, cụ thể điều đó thành hành động để có thể giúp cho sự phát triển của xã hội”. |
Kỳ cuối: Trân quý từng phút giây ý nghĩa theo chân Bác
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin