Cách đây 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã ra đời, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cách đây 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã ra đời, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng con đường sẽ mãi là huyền thoại về trí tuệ, bản lĩnh của biết bao thế hệ thanh niên yêu nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Đường Trường Sơn hôm nay, đoạn qua huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế). |
3 tháng vượt Trường Sơn
Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lúc 15 tuổi, ông Phan Thanh Hiệp (nay đã 70 tuổi) xung phong tham gia đội du kích mật ở quê nhà Song Phú (Tam Bình).
Tháng 7/1966, trong một lần bí mật về thăm nhà, ông bị địch theo dõi và bị bắt. Trải qua biết bao lần bị tra tấn dã man, bị giam cầm ở nhiều nhà tù khác nhau, cuối cùng ông bị đày ra nhà tù Phú Quốc.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 10/3/1973, ông Hiệp được trả tự do theo thỏa thuận về việc trao đổi tù binh. Sau khi về đến huyện Bồng Sơn (Bình Định), ông được bổ sung vào Trung đoàn 21 (Sư đoàn 3- Quân khu 5) và được cử đi học lớp sĩ quan.
Cuối tháng 4/1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, ông Hiệp cùng đồng đội vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. Từ Bình Định, đoàn quân đi ngược ra Quảng Ngãi rồi tới trại an dưỡng của Quân khu 5 tại Lào.
Ở đây, bộ đội được kiểm tra sức khỏe, nếu đáp ứng được các điều kiện khắt khe mới được hành quân. “Lúc đó, trong lòng tôi chỉ có căm thù giặc và quyết tâm được về miền Nam chiến đấu”- ông Hiệp bồi hồi nhớ lại.
Chuyến đi từ Lào về Việt Nam vượt đường Trường Sơn rồi xuyên qua nước bạn Campuchia về Tây Ninh với biết bao kỷ niệm “nhớ đời”. 3 tháng trời ròng rã, đoàn quân 120 người ngày đi đêm nghỉ, trên lưng vác theo 30kg thức ăn, gạo cùng vật dụng thiết yếu.
Vì đường sá hiểm trở nên bộ đội chủ yếu là hành quân bộ. “So với các đoàn khác, đoàn chúng tôi được ưu ái hơn là mỗi người được tặng 1 bịch thuốc hút và gói trà”- ông Hiệp khoe.
Lúc đó, đoàn quân của ông được nhiều người gọi vui là đoàn “lính ống tre” vì không mang theo súng mà chỉ có ống tre để trữ nước uống.
Vượt qua bao khó khăn, hiểm trở, cuối cùng đoàn cũng về đến Tây Ninh an toàn, ông Hiệp được điều động về công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương Cục, với nhiệm vụ đón đồng đội vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu.
Vì miền Nam thân yêu
Hơn 45 năm trôi qua, ông Ri và ông Hiệp (từ trái qua) vẫn không quên những ký ức hào hùng của những ngày vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu. |
Trường Sơn địa hình hiểm trở và những đợt ném bom liên tục của không quân địch vẫn không ngăn được bước chân bộ đội.
Đối với ông Trịnh Văn Ri (69 tuổi, xã Thạnh Quới- Long Hồ), 5 tháng ròng rã vượt đường Trường Sơn về Nam chiến đấu, rồi những lúc cận kề cái chết vì cơn sốt rét rừng hành hạ vẫn không ngăn cản được khí thế hành quân của lớp lớp thanh niên yêu nước, trở thành ký ức không thể phai mờ trong đời quân ngũ.
Tham gia cách mạng từ năm 1965, ban đầu là cơ sở quân báo của Quân khu 9 rồi được tổ chức đưa đi huấn luyện trinh sát, đặc công nước, ông Ri luôn chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Năm 1968, trong trận tập kích Trung đoàn 16 (Sư đoàn 9 của địch), ông Ri bị bắt và đày ra nhà tù Phú Quốc.
Cũng như ông Hiệp, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Ri được trả tự do theo thỏa thuận về việc trao đổi tù binh. Thoát khỏi cảnh ngục tù, ông Ri được ra Bắc an dưỡng nhưng ý chí quyết tâm chiến đấu cứ thôi thúc ông “vác ba lô, cây súng” cùng đồng đội hành quân về Nam chiến đấu.
Tháng 11/1973, đoàn quân 2.500 người bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn. Để tránh sự phát hiện của địch, bộ đội hành quân ban đêm, ngày nghỉ.
Theo ông Ri, giai đoạn này, địch không còn sử dụng máy bay ném bom B52 nhưng vẫn dùng các loại máy bay, vũ khí hiện đại khác đánh phá liên tục hòng cắt đứt con đường tiếp tế từ Bắc vào Nam.
Để tránh bị thương vong, thiệt hại về vũ khí, cứ khoảng 500m sẽ có 1 lối rẽ vào sâu trong rừng để tránh bom. Đường bị chia cắt vì trúng bom thì có lực lượng thanh niên xung phong vác đá, đốn cây vá đường để bộ đội tiếp tục hành quân, xe cộ cứ thế “bon bon ra chiến trường”.
Đối với ông Hiệp, nhớ lại những ngày mới khởi hành, khi đi ngang qua Thác 59 (Lào) ông bị sốt rét cấp tính, sức khỏe kém nên ông được đồng đội giúp mang vật dụng, còn ông được ưu tiên cho “đi mình không” để kịp vượt Trường Sơn về với miền Nam thân yêu.
Đối với ông Ri, cơn sốt rét rừng ập đến khi hành quân đến Kon Tum tưởng ông đã không qua khỏi, nhưng cũng nhờ đồng đội cõng băng rừng, lội suối mà kịp hành quân.
Hơn 45 năm trôi qua, nhớ lại những ngày vượt Trường Sơn “mưa bom bão đạn”, ông Ri và ông Hiệp vẫn không quên những ký ức hào hùng của những ngày vượt Trường Sơn gian khổ nhưng đầy tự hào.
Ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc ấy, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn luôn giữ vững tư tưởng tiến công, chủ động, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo ra nhiều giải pháp độc đáo, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn, khiến chuyên gia quân sự Mỹ từng ví tuyến đường như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, “là một con rắn trăm đầu, cứ chặt đầu này lại mọc ra cái đầu khác”.
Ngày 19/5/1959, tuyến đường Trường Sơn đã ra đời với nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào và Campuchia. Trong 16 năm, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết hiệp đồng, các lực lượng bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vừa chiến đấu vừa xây dựng đã hoàn thành mạng lưới đường chiến lược xuyên qua dãy núi Trường Sơn trải dài qua 11 tỉnh, 7 tỉnh nước bạn Lào và 4 tỉnh của Campuchia, dài gần 20.000km, gồm 5 hệ thống trục dọc, 21 hệ thống trục ngang. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin